Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân dụng nói chung chưa thực sự khởi sắc, do các doanh nghiệp đang chịu tác động bởi các yếu tố “ngược chiều” như môi trường lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản các dự án cũng thay đổi thời gian mở bán sang năm sau....
Tại Công ty cổ phần Đất Xanh (mã DXG), 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 3.342 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 403 tỷ đồng, lần lượt giảm một nửa so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh cả năm thì Đất Xanh mới thực hiện được 30% mục tiêu doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm. Lãnh đạo Công ty cho biết, một số dự án chưa kịp bàn giao nên chưa thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ngay trong quý III/2022, mà có thể phải lùi vào thời điểm cuối năm.
Năm nay, Đất Xanh đặt mục tiêu doanh số bán hàng đạt khoảng 500 triệu USD, riêng dự án Gem Riverside khoảng 300 triệu USD, tuy nhiên, dự án này vẫn đang chờ giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ mở bán vào cuối năm 2022. Hai dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương sẽ được dời từ quý III/2022 sang năm 2023, trong khi dự án Lux Star tại TP.HCM cũng dời kế hoạch bán hàng từ quý IV/2022 sang năm 2023.
Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), năm nay, Đất Xanh đạt 8.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 21% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 980 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2021. Những chỉ số này đều giảm từ 20 - 30% so với dự báo ACBS đưa ra trước đó.
Nguyên nhân được ACBS đưa ra là do kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm của Đất Xanh thấp và ngành bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (xu hướng thắt chặt tín dụng đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà, ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng quỹ đất, hoạt động bán hàng, thời gian triển khai và bàn giao dự án).
Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản chưa có nhiều “cửa sáng”. Với diễn biến bất lợi của thị trường chung, nhóm này cũng bị “xả” trong tuần vừa qua. Đơn cử, cổ phiếu DXG có chuỗi 3 phiên bị tự doanh xả ra trong tuần qua (26 - 28/9), dù Chủ tịch Hội đồng quản trị Đất Xanh Lương Trí Thìn đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu trong tuần trước đó.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), trong nửa đầu năm 2022, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 1.654 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 605 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào kết quả này là mảng năng lượng. Mảng bất động sản chỉ đem lại 572 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 421 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hà Đô cho biết, lợi nhuận quý III của Tập đoàn ước tính giảm nhẹ so với cùng kỳ và tăng mạnh hơn trong quý cuối năm, do Công ty chỉ đang mở bán một dự án là Hado Charm Villas, nhưng đây là dự án có biên lợi nhuận gộp lên đến 73,6%.
Hiện Hà Đô đang tập trung hoàn thiện các hạng mục xây dựng của dự án Hado Charm Villas, tiếp tục bàn giao số căn chào bán đợt 2 và mở bán đợt 3 (khoảng 90 căn). Ông Minh cho biết, dự án này sẽ tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của mảng bất động sản trong năm tới.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Hà Đô 2 năm gần đây, có thể thấy, mảng kinh doanh điện đang tăng dần tỷ trọng. Nếu như năm 2020, mảng kinh doanh điện chiếm 15,7% tổng doanh thu của Công ty, thì sang năm 2021 đạt 33,7% và vụt lên con số 56% trong 6 tháng đầu năm nay.
Tình trạng cũng tương tự tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Group (mã DIG). Nửa đầu năm nay, Công ty đạt 180 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương gần 10% kế hoạch cả năm. Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIC Corp cho biết, trong quý III/2022, Công ty đã mở bán các dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý, trong đó tập trung vào dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh và Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên.
Lãnh đạo DIC Corp cho biết, lợi nhuận của nhóm bất động sản nói chung và DIC nói riêng quan trọng là thời điểm hạch toán.
“Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc khó khăn hơn không chỉ vì chính sách tiền tệ thắt chặt, mà còn là việc chờ các thủ tục phê duyệt”, ông Tăng cho biết.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong quý III/2022, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân dụng nói chung chưa thực sự khởi sắc, do các doanh nghiệp đang chịu tác động bởi các yếu tố “ngược chiều” như môi trường lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản có thể ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và ảnh hưởng từ việc phát hành trái phiếu có thể tạo ra áp lực về dòng tiền doanh nghiệp.
Tổng Hợp