TikTok trỗi dậy, đầu tư hàng tỷ USD vào thương mại điện tử ASEAN

Ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, ngày 15/6 cho biết sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong vài năm tới.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works công bố ngày 15/6 cho thấy, tổng doanh thu ước tính của TikTok đã tăng giá trị hàng hóa (GMV) lên gấp 7 lần, từ 600 triệu USD năm 2021 lên 4,4 tỷ USD vào năm ngoái, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các đối thủ như Shopee của Sea Group, Lazada của Alibaba và GoTo của Tokopedia.

Dù TikTok phần lớn được biết đến giống như một nền tảng truyền thông xã hội dành cho các video ngắn, tuy nhiên nền tảng này đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử vào cuối năm 2021. 

Năm 2022, khu vực Đông Nam Á là nơi nhắm mục tiêu của nhánh thương mại điện tử TikTok Shop. Vào năm ngoái, tính năng của nền tảng video ngắn này đã bắt đầu mở rộng sang 6 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Phát biểu tại diễn đàn đầu tiên ở Jakarta vào ngày 15/6, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew cho biết nội dung của TikTok đang trở nên đa dạng hơn khi nó có thêm nhiều người dùng hơn và mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử.

Ông cho biết công ty sẽ tiếp tục mở rộng dấu ấn của mình tại thị trường Đông Nam Á, nơi từ lâu đã bị thống trị bởi những gã khổng lồ công nghệ khu vực như Sea và GoTo.

TikTok trỗi dậy, Lazada của Alibaba chùn bước trong thương mại điện tử ASEAN - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew trên Đồi Capitol ở Washington, Mỹ, ngày 23/3/2023. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới", ông Chew nói. Là một phần của cam kết, ông nói thêm rằng nền tảng này sẽ đầu tư hơn 12 triệu USD vào khu vực trong ba năm tới để hỗ trợ hơn 120.000 thương nhân và doanh nghiệp địa phương.

Theo ông Chew, TikTok hiện có khoảng 8.000 công nhân viên ở Đông Nam Á, tăng gấp nhiều lần với con số chỉ khoảng 100 người khi mới gia nhập thị trường 6 năm trước.

Mặc dù bước đột phá của TikTok vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến đã đạt được kết quả, nhưng TikTok vẫn bị lấn át bởi các đối thủ lớn hơn. Nền tảng này vẫn chưa biến cơ sở dữ liệu người dùng thành nguồn doanh thu thương mại điện tử lớn trong khu vực vì nó phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn hơn là Shopee, Lazada và GoTo.

Một báo cáo gần đây về Sea Group, chủ sở hữu của nền tảng thương mại điện tử Shopee cho thấy GMV ước tính của Shopee đã tăng từ 42,5 tỷ USD vào năm 2021 lên 47,9 tỷ USD vào năm ngoái và là công ty mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN, chiếm gần một nửa thị phần của khu vực. GMV của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Lazada và Shopee. 

TikTok trỗi dậy, Lazada của Alibaba chùn bước trong thương mại điện tử ASEAN - Ảnh 2.

GMV của TikTok so với các sàn thương mại điện tử khác trong ASEAN. Ảnh: Momentum Works

Weihan Chen, trưởng nhóm nghiên cứu của Momentum Works cho biết: "ByteDance thực sự rất quyết tâm trong việc thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử vào Đông Nam Á. Nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu họ có thực sự thành công trong tương lai hay không, bởi vì người tiêu dùng vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào các nền tảng thương mại điện tử truyền thống."

Tại thị trường Đông Nam Á béo bở, Lazada của gã khổng lồ công nghệ Alibaba đã đứng sau Shopee vào năm ngoái. Công ty tư vấn quản lý Bain & Co đã dự báo lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tăng từ 370 triệu vào năm 2022 lên 402 triệu vào năm 2027.

Nghiên cứu của Bain & Co cho thấy nền tảng thương mại điện tử Lazada có thị phần lớn thứ hai trong khu vực nhưng cũng là nền tảng duy nhất có sự sụt giảm. 

Mặc dù vượt trội so với các đối thủ ASEAN, nhưng TikTok Shop đang nhắm đến một miếng bánh lớn hơn trong thị trường bán lẻ kỹ thuật số.

Nền tảng này đang tận dụng chức năng chia sẻ video phổ biến của mình để thu hút người mua sắm trực tuyến. Người bán có thể chào hàng trực tiếp thông qua tài khoản TikTok của họ, với các sản phẩm được đề xuất cho người dùng thông qua phát trực tiếp và phần giới thiệu trên trang hồ sơ của người bán.

TikTok trỗi dậy, Lazada của Alibaba chùn bước trong thương mại điện tử ASEAN - Ảnh 3.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa ước tính của Lazada đã giảm từ 21 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 20,1 tỷ USD vào năm ngoái. Ảnh: Reuters.

TikTok cũng đã tung ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng cũng như người bán. Tại Singapore, TikTok khởi động chiến dịch bằng cách miễn phí hoa hồng cho người bán và chỉ lấy 1% phí dịch vụ thanh toán so với các nền tảng khác. Dịch vụ này cũng treo các phiếu mua hàng cho người mua mới để dụ họ mua sắm trên nền tảng.

TikTok đang xây dựng được nền tảng để dẫn đầu thị trường thương mại xã hội trong khu vực khi có tới hơn 250 triệu người dùng tại khu vực Đông Nam Á. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu bán lẻ trực tuyến Cube Asia cho thấy tâm lý của người mua sắm tại khu vực này cũng đang ghi nhận sự thay đổi.

Ng Chew Wee, người đứng đầu bộ phận tiếp thị kinh doanh của TikTok khu vực châu Á cho biết: "Khi ngày càng có nhiều người mua sắm trực tuyến, TikTok Shop sẽ càng thể hiện sự hội tụ tối ưu giữa nội dung và thương mại. Bằng cách này, TikTok Shop không chỉ trao quyền cho các doanh nghiệp địa phương khai thác hiệu quả việc kinh doanh, mà rõ ràng còn cung cấp nội những dung thú vị và giải trí đến người dùng."

Theo cuộc khảo sát, những người tiêu dùng đã chi tiêu cho TikTok Shop đang giảm chi tiêu trên Lazada (giảm 45%), trên Shopee (giảm 51%), và ngoại tuyến giảm 38% tại Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, theo dữ liệu nhân khẩu học được thu thập trực tuyến, 10 nước hàng đầu ghi nhận lượng người dùng TikTok tích cực nhất trên toàn cầu chủ yếu là tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

 (Nguồn: Nikkei)

THANH TRÚC