TP.HCM khẩn trương thực hiện cơ chế đặc thù

Khi Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực từ 1/8, với nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, TP.HCM sẽ có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc.

Sáng 27/6, Báo Người Lao động tổ chức Hội thảo hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98) thay thế Nghị quyết 54 hướng tới khơi thông nguồn lực để TP.HCM bứt phá.

TP.HCM khẩn trương thực hiện cơ chế đặc thù - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VGP/Vũ Phong

Từ ngày 1/8, khi Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực, với nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, TP.HCM sẽ có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc. Đây là chìa khóa quan trọng không chỉ cho Thành phố mà còn thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như lan tỏa cho cả nước.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đây là cơ chế, chính sách đặc thù "khổng lồ" nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua, với 44 cơ chế, chính sách. Cụ thể, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang trong quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà TP.HCM được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP.HCM, chỉ TP.HCM mới có.

Điều đặc biệt nữa, theo ông Cường, đây là một nghị quyết được sự đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội khi đạt hơn 97%. Điều đó cho thấy sự đồng thuận và ủng hộ rất cao đối với TP.HCM với mong muốn khơi dậy mảnh đất của những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; không chỉ giữ vững mà phát huy hơn nữa tính đầu tàu của cả nước.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Tổ phó Tổ công tác triển khai thực hiện Nghị quyết nêu rõ, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 không đạt như mong muốn, kỳ vọng, lần này TP.HCM đặt mục tiêu là tổ chức thực hiện hiệu quả nhất, đáp ứng mong đợi của người dân Thành phố và cả nước, theo Chinhphu.vn.

Thành phố đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Tại Kỳ họp HĐND Thành phố sắp tới, UBND Thành phố sẽ trình 8 tờ trình tới HĐND Thành phố về các cơ chế, chính sách; các nội dung cụ thể về phát triển giao thông định hướng phát triển đô thị (TOD), thu hồi đất… Từng quý, Thành phố sẽ có từng nhiệm vụ riêng, từng đầu việc riêng để các sở, ngành hoàn thành.

TP.HCM khẩn trương thực hiện cơ chế đặc thù - Ảnh 2.

TS. Trần Đình Thiên. Ảnh: VGP/Vũ Phong.

Với sự quyết tâm của cán bộ sở, ngành, Thành phố đang bám sát kế hoạch của Quốc hội để hiện thực hóa Nghị quyết một cách tốt nhất. Dự kiến, trong năm 2023, Thành phố sẽ hoàn thành tất cả cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết. Hiện Thành phố đang phối hợp với Bộ KH&ĐT để ban hành nghị định sớm nhất nhằm triển khai Nghị quyết này.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Nghị quyết 98 được ban hành không chỉ là thành công cho TP.HCM mà còn là thành công của cả nước, tạo sự đột phá cho một hình mẫu phát triển mới, mở ra một hình mẫu của cả nước về đổi mới. Nghị quyết cho phép TP.HCM thí điểm những gì chưa có.

Do đó, để hiện thực hóa Nghị quyết 98, theo TS Trần Đình Thiên, TP.HCM cần tập trung sắp xếp lại bộ máy để hoạt động hiệu quả, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cá nhân, chịu trách nhiệm cá nhân, công việc có đầu mối rõ ràng... Đây chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa nghị quyết này.

Song song đó, cơ chế, chính sách đặc thù cần được mở ra cho cả 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Các địa phương này đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, giờ nếu được liên kết thể chế thì sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn, tạo đà cho sự phát triển cho cả 4 địa phương.

Ngoài ra, thực hiện nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của TP.HCM, mà phải có sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. "Cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98 vượt qua thể chế thông thường, nếu không được hỗ trợ từ Trung ương và cơ chế đảm bảo khó thành công. Bản thân TP.HCM phải làm hết lòng, hết sức nhưng Trung ương phải có một sự đảm bảo mạnh mẽ để TP.HCM thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HIFC) cho biết, với Nghị quyết 98 và chương trình lần này, TP.HCM đã đưa ra chương trình tiếp sức cho doanh nghiệp cùng Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa và bổ sung vốn điều lệ cho HFIC từ nguồn thu cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước.

HFIC đang tiếp cận với Ngân hàng Thế giới, IFC, ADB để huy động nguồn lực trái phiếu, nguồn vốn giá rẻ. Ngay từ đầu tháng 5, HFIC đã phối hợp với Sở KHĐT soạn dự thảo trình HĐND. Đến nay, dự thảo này đã cơ bản hoàn thành để dự kiến trình UBND và HĐND trong kỳ họp gần nhất. Sắp tới, với nhiều cơ chế như thế kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM phát triển vượt bậc hơn.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, việc chủ động triển khai thực hiện cơ chế chính sách, TP.HCM đã có sự chuẩn bị ngay khi dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Về phía Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP.HCM để xây dựng kế hoạch triển khai.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã tổ chức thực hiện đối với việc áp dụng hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu. Thực hiện rà soát, đánh giá và tham mưu, đề xuất quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính và danh sách các dự án áp dụng hợp đồng BOT đối với đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…

Đối với cơ chế áp dụng mô hình phát triển giao thông định hướng phát triển đô thị, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP.HCM; phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc đề xuất danh mục các dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả...

(Tổng hợp)

AN LY

Đọc nhiều nhất