Tránh vỡ "bong bóng" tài sản từ thị trường chứng khoán, bất động sản

Giá bất động sản tăng bất thường, dòng tiền biến động lớn ở thị trường chứng khoán là dấu hiệu đáng lo ngại, vì đây là biểu hiện của hiện tượng bong bóng tài sản...

Cùng nhìn lại giai đoạn 2006-2007, thị trường Chứng Khoán và BĐS sôi động, tấp nập chưa từng thấy trong lịch sử. Cổ phiếu tăng đều, liên tục trong hơn một năm (2007) khiến ai tham gia cũng "phải" thắng. Sau khi có tiền lãi, nhà đầu tư lại đổ vào mua nhà và trên một khía cạnh nào đó, cơn sốt chứng khoán được xem là tác nhân dẫn đến cơn sốt BĐS. Tuy nhiên, khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung ra, quy định hạn chế cho vay chứng khoán, nhằm kìm lại sự tăng trưởng quá nóng đã khiến TTCK xuống dốc thảm hại.

Tiếp đó, đến năm 2008, sự tăng trưởng nóng của thị trường BĐS theo phong trào vẫn tiếp diễn, nhưng đã đi tới thời kỳ đỉnh cao, bong bóng bắt đầu vỡ khi chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng từ tháng 4 năm này. Theo đó, các ngân hàng bị cắt nguồn cung, làn sóng tháo chạy diễn ra, giá cả tụt dốc khiến thị trường BĐS rơi vào cảnh lao đao.  Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng cảnh báo rằng, trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trì trệ, thì việc thị trường chứng khoán, BĐS "sốt nóng" là tín hiệu không tốt. Trong khi, gốc của nền kinh tế là sản xuất kinh doanh, cho nên dòng tiền đổ vào các lĩnh vực này quá lớn sẽ làm giảm nguồn lực để phát triển kinh tế nói chung. Đặc biệt, BĐS không được xem là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký cho thấy, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021 số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 1,085 triệu tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại. Bên cạnh đó, thanh khoản duy trì ở mức cao thứ hai trong lịch sử, điều này cho thấy lực cầu mua vào thị trường là tương đối tốt và dòng tiền vẫn đang nằm trong thị trường để tìm kiếm cơ hội.

Các chuyên gia đã chỉ ra một sự thật về 2 thị trường cũng như hệ thống tài chính và cả nền kinh tế bao gồm: Tăng trưởng bong bóng, đi vay nhiều, đòn bẩy dài, đầu tư theo hiệu ứng đám đông,… Đó là những vấn đề mà các doanh nghiệp, ngân hàng, Nhà nước, hay chính các chủ đầu tư cần xem lại. Từ bài học đắt giá đã xảy ra, đến nay, trong cơn suy thoái vì dịch bệnh, nhiều người không khỏi nghi ngại nguy cơ bong bóng tài sản một lần nữa xuất hiện. Điều khó khăn trong lúc này là diễn biến dịch còn phức tạp, bất định và mọi dự báo chỉ nằm trên lý thuyết, nếu không có sự điều tiết thận trọng có thể gây tác động kép đến nền kinh tế nói chung.

Thâm hụt ngân sách càng lớn sẽ kéo theo cung tiền tăng mạnh. Bởi vì ở Việt Nam, chính sách tài khóa và tiền tệ không độc lập với nhau, mà có sự phối hợp với nhau. Nếu để cung tiền tăng vọt, dẫn đến bong bóng giá tài sản vì thị trường tài sản phản ứng rất mau lẹ, đầu cơ vào thị trường chứng khoán, đất đai phản ứng rất nhanh. Sau đó, đến lượt lạm phát giá cả tiêu dùng. Khi đó, không có cách nào khác để kiểm soát lạm phát là phải tăng lãi suất. Như thế doanh nghiệp sẽ lại bị ảnh hưởng nặng nề, nợ xấu phát sinh, hệ thống tài chính suy yếu.

Tổng phương tiện thanh toán trên GDP và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam tăng liên tục. Trong khi đó, sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào đâu cũng khó khăn, hiệu quả thấp, mà tín dụng vẫn tăng trưởng thì chắc chắn có một phần không nhỏ được đầu tư vào BĐS. Cũng trong bối cảnh khó khăn này, một bộ phận người dân có tiền không thể đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, gửi ngân hàng thì lãi suất thấp nên họ chuyển hướng đầu tư, trong đó chứng khoán và bất động sản là kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn. Cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng không phải vì quá lo sợ "bong bóng bất động sản xì hơi", mà tiền được đầu tư vào đây không tạo ra của cải cho xã hội, không đóng góp bất cứ giá trị nào vào tăng trưởng GDP, như vậy dẫn đến lãng phí nguồn lực của xã hội.

Bong bóng kinh tế xảy ra khi hiện tượng đầu cơ tràn lan trên thị trường làm giá cả hàng hóa hoặc tài sản giao dịch tăng đột biến đến mức không tưởng. Sự nhảy vọt tài chính bất ngờ này là cơ hội để người đầu cơ kiếm bẫm trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy các tay chơi càng ham hố đầu cơ mạo hiểm hơn nữa.

Song theo quy luật, bong bóng mong manh này chắc chắn sẽ vỡ tung và hậu quả của nó đủ kinh khủng để cuốn sạch tài sản của giới đầu tư cũng như nhấn chìm nền kinh tế thế giới.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)