Trục xuất du học sinh, một quyết định tàn nhẫn của Mỹ?

Quyết định rút thị thực các sinh viên nước ngoài học 100% online vào kỳ mùa thu năm 2020 đang gây ra nhiều nỗi lo lắng cho các du học sinh.

Mới đây, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo sinh viên quốc tế giữ visa F-1 và M-1 ở Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình học online 100% vào mùa thu tới. Du học sinh có thể đối mặt với việc bị trục xuất, trừ khi họ đổi sang một trường đại học phải có chương trình giảng dạy tại lớp.

Quy định này áp dụng cho các trường hợp thuộc diện visa F1, tức visa dành cho du học sinh các trường trung học, cao đẳng, đại học, và M-1, visa dành cho người đi học nghề.

Du học sinh chiếm 5,5% trong tổng sinh viên theo học giáo dục đại học tại Mỹ, tương đương 1,1 triệu người vào năm học 2018-2019, theo Viện Giáo dục quốc tế. Việt Nam đứng thứ 6 trong số những nước có sinh viên du học nhiều nhất tại Mỹ, với gần 24.400 du học sinh, trong đó 69,9% học đại học, 15,2% sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.

Theo Chronicle of Higher Education, 9% các trường đại học Hoa Kỳ đang dự định chuyển tất cả các lớp học qua trực tuyến vào mùa thu, mặc dù điều này có thể thay đổi trong những tháng tới.

Du học sinh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nam 

Du học sinh hiện đang tỏ ra khá hoang mang bởi họ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nam, đa phần các nhà trường đang thay đổi hình thức dạy học để đảm bảo giãn cách xã hội trong khi các chuyến bay về nước hiện chưa được ổn định. Nếu muốn ở lại Mỹ để học, họ buộc phải chọn phương án chuyển trường. 

Trên các diễn đàn du học sinh Việt tại Mỹ, hàng loạt học sinh bày tỏ sự bất ngờ về việc này vì trước đó họ đã xác định sẽ học online và cũng chưa có kế hoạch về nước. 

 Trục xuất du học sinh, một quyết định tàn nhẫn của Mỹ?

Du học sinh Nhi Nguyễn đang học năm thứ hai tại trường Cao đẳng Cascadia ở thành phố Bothell, bang Washington đã chuyển sang học online từ kỳ mùa xuân 2020. Nhưng sau đó trường thông báo sẽ tiếp tục duy trì hình thức này vào cả kỳ mùa thu. Ngay sau khi nhận được thông tin của ICE, nhiều bạn cùng lớp của Nhi đã vội vàng tìm trường có cả hai hình thức học. Hầu hết đều không ứng phó kịp. Nhi Nguyễn cảm thấy thất vọng khi các chính sách gần đây của chính quyền Mỹ không còn ưu ái người nước ngoài vá nhất là nhận thấy những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc từ người Mỹ trên MXH. 

Linh Phạm, sinh viên đại học Washington, cũng hoang mang bởi chuyên ngành tâm lý và triết học mà cô đang theo đuổi chỉ có lớp online. Dù trường có hình thức học trực tiếp kết hợp trực tuyến nhưng ICE giới hạn mỗi sinh viên quốc tế chỉ được học một lớp online mà thôi. Khi ICE đưa ra thông báo, nhà trường đã trấn an học sinh và cho biết sẽ làm việc với chính quyền. 

Hoàng Quốc Thái là sinh viên đã rời khỏi Mỹ về Việt Nam cũng cảm thấy vô cùng bối rối. Mặc dù trường của Thái áp dụng cả hai hình thức nhưng nếu chỉ học online và phải rời Mỹ thì sau đó du học sinh sẽ như thế nào. Với tình hình dịch bệnh ở Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyến bay giữa hai nước chưa nối lại, Thái dự tính mình cũng không còn cách nào khác ngoài học trực tuyến.

Thế Anh đang theo học tiến sĩ tại Đại học Indiana nói: "Mình rất bất bình và cho rằng chính sách này mang rất nhiều màu sắc chính trị vào thời điểm sắp bầu cử tổng thống, giống như các chính sách siết chặt nhập cư gần đây. Tuy nhiên, lần này, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là các sinh viên xa nhà". Dù không bị ảnh hưởng nhiều từ quy định mới nhưng do đang học chương trình tiến sĩ, lại có học bổng toàn phần nên dễ dàng chuyển đổi lớp theo nguyện vọng. 

"Việc du học sinh chuyển sang học online khiến nền kinh tế mất đi nhiều nguồn thu như ăn ở, đi lại, sinh hoạt... vì vậy có thể chính quyền Trump muốn dùng quy định này để buộc các trường tái mở cửa giảng dạy trực tiếp", nam sinh nói.

Nguyễn Đình Kỳ, du học sinh Việt Nam đang theo học tại Học viện Công nghệ Illinois dự định sẽ chọn các môn học trực tuyến cho kỳ sau nhưng có một khóa học thông báo sinh viên phải tham gia học trực tiếp nên hiện giờ đang rất khó khăn. Sau khi ICE đưa ra thông báo thì mọi kế hoạch cũng đảo lộn. Kỳ cho biết hiện tại vẫn chưa nhận được thông báo mới nên cảm thấy  hoang mang và lo lắng, không biết nên ở lại hay về nước.

Nguyễn Như Nhật Nam, du học sinh đã có 2 năm học tại Mỹ, chia sẻ rằng: “Việc về nước cấp tốc bây giờ là rất khó, trong khi nhiều du học sinh đã hết hạn visa trong tháng 7 này". Nếu dựa vào các chuyến bay giải cứu thì không khả thi vì số lượng ít, chưa kể là nếu muốn quay lại học cũng khó. Nhưng nếu không quay về, các bạn sẽ hết hạn visa trong thời gian ngắn và rất khó được cấp lại, thậm chí còn bị trục xuất. Nhật Nam cho biết sẽ tìm đến visa các nước lân cận để "lánh nạn", tuy nhien điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh các nước vẫn đang đóng cửa và dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhật Nam cho rằng sau những quyết định bất lợi đối với du học sinh nước ngoài như thế này, và với số tiền như vậy, các bạn du học sinh sẽ còn nhiều lựa chọn du học ở các nước khác. Sinh viên này cũng đánh giá Mỹ sẽ thiệt hại hàng tỷ USD vì mất đi khoản thu từ du học sinh. 

Một quyết định tàn nhẫn

 Trục xuất du học sinh, một quyết định tàn nhẫn của Mỹ?


Trước thông tin này của ICE, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren cho rằng việc "đá" sinh viên quốc tế ra khỏi Hoa Kỳ giữa đại dịch toàn cầu chỉ vì thay đổi hình thức dạy học là một điều vô nghĩa, tàn nhẫn và thể hiện sự bài ngoại. 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power đồng tình với ý kiến trên. Samantha nói rằng quyết định này "không có ý nghĩa và không khả thi đối với hầu hết sinh viên đại học".

Hiệu trưởng Đại học Harvard, ông Larry Bacow bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với quyết định này. Đây có thể là một cách tiếp cận "thô thiển" và là một giải cứng nhắc khiến sinh viên quốc tế đặc biệt là những sinh viên theo học hình thức trực tuyến có ít lựa chọn, một là phải rời khỏi Mỹ, hai là chuyển trường. 

Nhà báo Elizabeth Spiers, giảng viên tại Đại học New York, cho biết nhiều sinh viên của cô là sinh viên quốc tế đang phải đối mặt với việc sẽ không thể tiếp tục học online tại nhà vì múi giờ chênh lệch. 

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng nhà trường sẽ tìm ra phương án phù hợp.

Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn, làm việc tại Khoa Sinh hóa & Sinh học phân tử, Đại học bang Oklahoma, tin rằng các trường sẽ có cách để giúp sinh viên quốc tế vượt qua khó khăn. Bà cho biết du học sinh ở bang California được yêu cầu dạy học trực tuyến, các trường ở các bang khác cũng quyết định học online 100% có thể áp dụng cách xin lấy tín chỉ nghiên cứu với giáo sư để có mặt trong phòng thí nghiệm hay văn phòng trường thực hiện đề tài nghiên cứu.

Thanh Mai

Gia Lai lập chốt cách ly, cho học sinh nghỉ học để dập dịch bạch hầu

Gia Lai lập chốt cách ly, cho học sinh nghỉ học để dập dịch bạch hầu

Sau ca tử vong của bé 4 tuổi tại huyện Đak Đoa, ngày 6/7, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản hỏa tốc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bạch hầu.