Trung Quốc lập quỹ đầu tư chip bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay

Trung Quốc đã thành lập quỹ đầu tư bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chip nội địa.

Đẩy mạnh tự chủ trong ngành bán dẫn

Giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp Quốc gia đã huy động được 344 tỷ CNY (47,5 tỷ USD) từ chính phủ trung ương và các ngân hàng cùng doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Được biết, quỹ này đã được thành lập vào ngày 24/5.

Quỹ đầu tư mới nhất, được gọi là Big Fund III, đánh dấu nỗ lực thúc đẩy mới từ chính phủ Trung Quốc, nhằm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt những hạn chế đáng kể đối với khả năng mua chip và thiết bị chế tạo chip tiên tiến của Trung Quốc.

Cổ phiếu của các công ty chip lớn của Trung Quốc đã tăng vọt trong phiên giao dịch gần đây. Cổ phiếu của Semiconductor Manufacturing International (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã tăng tới 8,1% trên sàn giao dịch ở Hong Kong. Cùng lúc đó, Hua Hong Semiconductor, một đối thủ nhỏ hơn của SMIC, cũng đã tăng hơn 10%.

Trong quỹ mới nhất này, cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Trung Quốc. Các công ty đầu tư do chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng góp vốn. Chính quyền Thâm Quyến đã hỗ trợ một số nhà máy sản xuất chip ở tỷnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, nhằm hỗ trợ Huawei Technologies khỏi các lệnh trừng phạt kéo dài của Mỹ, vốn khiến cho công ty này không thể nhập khẩu một lượng lớn linh kiện bán dẫn.

Trung Quốc lập quỹ đầu tư chip bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay- Ảnh 1.

Quỹ chip quốc gia đã được thành lập cách đây khoảng một thập kỷ với số vốn đầu tư ban đầu là khoảng 100 tỷ CNY. Ảnh: CNN.

Đối đầu toàn cầu về công nghệ bán dẫn

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về ưu thế bán dẫn, các cường quốc do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu đã đầu tư gần 81 tỷ USD vào sản xuất thế hệ chip tiếp theo. Đạo luật Chip và Khoa học của chính quyền Tổng thống Biden năm 2022 cũng cung cấp 39 tỷ USD hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip, cũng như 75 tỷ USD trong các khoản vay và bảo lãnh.

Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chính sách công nghiệp chủ động hơn, trong đó có chương trình mang tính tham vọng mang tên Made in China 2025. Chương trình này đặt ra mục tiêu phát triển công nghệ sinh học, xe điện và ngành công nghiệp bán dẫn. 

Từ khi chương trình này được công bố vào năm 2015, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này và sử dụng vốn nhà nước để tài trợ cho các nhà sản xuất chip địa phương như SMIC.

Quỹ chip quốc gia đã được thành lập cách đây khoảng một thập kỷ với số vốn đầu tư ban đầu là khoảng 100 tỷ CNY. Ngay sau khi trở thành Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã khởi đầu một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong ngành công nghiệp sản xuất của đất nước, tập trung vào các công nghệ tinh vi từ robot đến chế tạo chip tiên tiến.

Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô của Big Fund II vào năm 2019, khi cuộc đua tranh giành ưu thế công nghệ với Mỹ gia tăng trong thời kỳ ông Donald Trump. Số vốn này đã được sử dụng để tài trợ cho một số dự án chip có triển vọng nhất của Trung Quốc, từ việc xây dựng các nhà máy mới của SMIC đến việc hỗ trợ cho nhà sản xuất máy chế tạo chip Advanced Micro-Fabrication Equipment.

Trung Quốc lập quỹ đầu tư chip bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay- Ảnh 2.

Trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, Trung Quốc vừa rót thêm gói đầu tư thứ 3 - gói lớn nhất từ trước đến nay vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các khoản đầu tư rầm rộ từ phía Bắc Kinh cũng mang lại kết quả như mong đợi. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã thất vọng trước nhiều năm thất bại trong việc phát triển các chip bán dẫn có khả năng thay thế cho mạch của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện những biện pháp chưa từng có để làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, với quan điểm rằng những biện pháp như vậy là cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia. 

Trong hai năm qua, Mỹ đã ngăn chặn khả năng mua các chip tiên tiến nhất từ Nvidia của Trung Quốc, được sử dụng để phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo, cũng như các máy chế tạo chip tinh vi từ các công ty như ASML Holding NV và Applied Materials.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất chip có độ tiên tiến thấp hơn, điều mà một số người trong ngành gọi là chip cũ. 

Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng một hệ thống liên kết giữa các công ty chip xung quanh nhà sản xuất hàng đầu Huawei, nhằm đạt được sự bứt phá về công nghệ trong việc phát triển và sản xuất các loại chip tiên tiến. Đặc biệt, việc thành lập Quỹ Big Fund III mới sẽ đảm bảo nguồn tài trợ cho những dự án quan trọng này.

TÚC