Trung Quốc thời "hậu Covid"...

Hiện tại, đại dịch Covid-19 trong mắt người dân Trung Quốc là những nỗi sợ hãi tồi tệ và ám ảnh nhất về tình trạng thất nghiệp, sự bất ổn xã hội, cùng áp lực của chính phủ trước mục tiêu khôi phục sự phát triển cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Covid-19 “thổi bay” hàng chục triệu việc làm

Sau nhiều tháng bị tê liệt vì cách ly và giãn cách xã hội trên toàn quốc, giữa tháng 3/2020, chính phủ Trung Quốc đã dần cho khởi động lại nền kinh tế và các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một vài bước cơ bản ban đầu. Thậm chí cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ cộng đồng…vẫn phải đang trong tình trạng chờ đợi để phục hồi từng bước.

Giới quan sát nhận định, đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tiến hành cải cách đổi mới, thị trường lao động Trung Quốc mới phải chịu áp lực trên nhiều mặt trận đến vậy. Không khó để thấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi công bố đại dịch, Covid-19 đã nhanh chóng khiến hàng chục triệu người Trung Quốc phải mất việc làm. Điều này đã gây nên sự bất ổn và áp lực tới toàn bộ hệ thống an sinh xã hội, trong đó bao gồm cả việc ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách của Chính phủ.

Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với làn sóng thất nghiệp rất lớn, sau khi năm nay sẽ có thêm 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp
Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với làn sóng thất nghiệp rất lớn, sau khi năm nay sẽ có thêm 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp

Theo các nhà kinh tế đánh giá, hiện tại vẫn chưa thể có một con số thống kê chính xác về số lượng người thất nghiệp do đại dịch, bởi trên thực tế, đã có rất nhiều lao động mất việc làm nhưng vẫn chưa được ghi nhận cụ thể.

Bên cạnh đó, Chính quyền Trung Quốc khó có thể thống kê được tình trạng của 149 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ và 174 triệu lao động di cư giữa nông thôn và thành thị để đưa ra một kết quả chính xác.

Số liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, các đô thị lớn của Trung Quốc ước tính đã mất 26 triệu việc làm trong quý I/2020, trái ngược với 8,3 triệu việc làm tạo ra trong năm 2019. Như vậy trong quý I/2020, trung bình có khoảng 18,3% lực lượng lao động bị sa thải, giảm lương hoặc nghỉ không lương.

Một nhà kinh tế của Ngân hàng Societe Generale nhận định; “Còn phải chờ xem người tiêu dùng Trung Quốc thích nghi với trạng thái “bình thường mới” ra sao và cú sốc xuất khẩu sẽ kéo dài bao lâu. Bởi nếu xuất khẩu không phục hồi được trong nửa cuối năm nay và người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu thì tổng số người thất nghiệp có thể lên đến 30 triệu người vào cuối năm 2020.”

Cũng trong một khảo sát tương tự của Tập đoàn Macquarie, các nhà phân tích ước tính, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc rất có thể sẽ tăng lên 9,4% vào cuối năm 2020.

Áp lực phục hồi kinh tế thời kì
Áp lực phục hồi kinh tế thời kì "hậu Covid" tại Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết

 "Trong kịch bản cơ sở của Tập đoàn Macquarie, số việc làm mới tạo ra trong năm nay sẽ thấp hơn 6 triệu việc làm so với năm ngoái, cộng với 14 triệu việc làm có sẵn bị mất, như vậy, tổng số việc làm tại các đô thị của Trung Quốc sẽ thấp hơn 20 triệu so với mức bình thường", chuyên gia Larry Hu của Tập đoàn Macquarie nhận xét.

Hiện tại, chỉ có 123 triệu công nhân nhập cư ở nông thôn quay lại làm việc ở thành phố trong quý I, giảm 30% so với năm trước. Số lao động bị "mắc kẹt" ở quê tương đương 50 triệu người. Và con số thất nghiệp này sẽ còn tăng gấp bội khi mà sắp tới đây, Trung Quốc sẽ đón khoảng 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp ra trường trong năm nay. Đây chính là một áp lực không hề nhỏ đặt lên vai chính phủ Trung Quốc thời "hậu Covid 19”.

Người Trung Quốc thay đổi thái độ ứng xử xã hội

Có lẽ điều tốt đẹp duy nhất mà Covid-19 đã đem lại cho Trung Quốc chính là việc giúp cho thái độ ứng xử của người dân thay đổi theo hướng tích cực, không dung thứ cho những hành vi mang tính chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỉ. Người dân Trung Quốc hiện đang gia tăng xu hướng ghi nhận và đề cao những đóng góp của người khác với cộng đồng. Điều mà dường như bao lâu nay đang bị một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc bỏ qua.

Đây chính là những kết quả nghiên cứu về Trung Quốc mới đây, thuộc một cuộc khảo sát toàn cầu do công ty nghiên cứu Glocalities có trụ sở tại Đức tiến hành nhằm thu thập dữ liệu thể hiện niềm tin và các giá trị khi dịch bệnh bùng phát, qua đó cho phép công ty này đưa ra những đánh giá về sự thay đổi thái độ của hàng chục triệu người dân Trung Quốc trong thời gian bị phong tỏa vì Covid-19.

Cuộc khảo sát nói trên được tiến hành trực tuyến bởi công ty Glocalities thực hiện từ ngày 23/1 - 13/3/2020, với sự tham gia của 2.022 người Trung Quốc.

Có một sự thay đổi lớn nhất trong xã hội Trung Quốc thời điểm dịch bệnh bùng phát được ghi nhận, đó chính là các số liệu thể hiện lòng tin. Ví dụ nếu như trước ngày 5/2 chỉ có 71% người Trung Quốc được khảo sát tin vào giáo dục, thì con số này sau ngày 5/2 đã tăng lên mức 82%. Tương tự, chỉ số niềm tin vào các nhân viên công quyền Trung Quốc tăng từ 42% lên 54%, và chỉ số đối với các công ty Trung Quốc tăng từ 55% lên mức 70%.

Theo Giám đốc nghiên cứu của Glocalities, ông Martijn Lampert nhận định; “Khi bị cách ly, người ta biết coi trọng người khác hơn, đặc biệt là quý trọng những người ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch. Điều này có vẻ phổ biến và xảy ra tại tất cả các nước bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.”

Dù bởi bất kì nguyên do gì đi nữa, đối với chính phủ Trung Quốc, đây vẫn là những con số rất đáng khích lệ trong mùa “Covid” đầy ác nghiệt.  

Người Trung Quốc bớt hoang phí thời “hậu Covid”

Dịch bệnh bắt đầu qua đi, tuy nhiên, giờ đây người dân Trung Quốc lại muốn dành nhiều tình cảm hơn cho các giá trị gia đình thay vì đổ xô đến các khu trung tâm mua sắm để tiêu tiền và giải trí như trước đây. Rất có thể, sau Covid 19, người dân Trung Quốc đã và đang dần định hình một xu hướng tiêu dùng mới hoàn toàn mới, khác xa những thói quen chi tiêu “hoang phí’ trước đây.

Nhật báo South China Morning Post đưa tin, hiện nay, đa số người dân Trung Quốc đều có xu hướng tập trung chi tiêu cho gia đình nhiều hơn, thay vì mất thời gian ra ngoài mua sắm, nay họ chuyển sang chọn lựa những nhãn hàng nhất định và dành nhiều thời gian mua sắm trực tuyến hơn.

Nếu như trước đây người Trung Quốc chi 111 ti USD/năm cho các món hàng xa xỉ, thì nay xu hướng mua sắm thời
Nếu như trước đây người Trung Quốc chi 111 ti USD/năm cho các món hàng xa xỉ, thì nay xu hướng mua sắm thời "hậu Covid" đã thay đổi rất nhiều

 Hiện tại tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn chưa thể trở lại như mức ban đầu khi chưa xảy ra dịch bệnh. Theo thống kê, mức doanh thu bán lẻ trong tháng 3/2020 đã giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm liên tiếp tính từ đầu năm. Chi tiêu cho các dịch vụ ăn uống bên ngoài giảm 46,8% và doanh thu bán xe giảm 18,1% cũng trong tháng 3.

Một chuyên gia kinh tế cấp cao của AXA Investment Managers về thị trường mới nổi của châu Á, ông Aidan Yao nhận xét: “Sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người Trung Quốc thời kì hậu Covid 19 đã dẫn đến sự mất cân bằng trong khôi phục tiêu dùng. Đây là thứ có thể tạo áp lực lớn cho nền kinh tế nước này thêm một khoảng thời gian nữa.”

“Các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng - khách sạn, giải trí và hàng không có thể sẽ không trở lại bình thường cho đến năm 2021", ông Yao dự đoán thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Geraldine Chew, Giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc của Công ty quản lý sự kiện Uniplam nhận định: “Xu hướng tiêu dùng tại quốc gia 1,4 tỉ dân này đang thay đổi. Người Trung Quốc nay muốn "sự kết nối cảm xúc hoặc sự liên kết với các thương hiệu".

Tuy nhiên, với thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này, các chuyên gia vẫn đánh giá Trung Quốc là nơi có tiềm lực khôi phục kinh tế mạnh nhất thế giới mùa…”hậu Covid”.

Vân Phong

Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm COVID-19 trên thủy sản

Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm COVID-19 trên thủy sản

Mặc dù chưa có bằng chứng nào thủy sản nhiễm COVID-19, nhưng tại các chợ thủy sản lớn ở Trung Quốc đã tiến hành các xét nghiệm COVID-19 trên thủy sản.