Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đây là Trung tâm do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ba giai đoạn triển khai Đề án
Dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Để bảo đảm đề án thực hiện được hiệu quả, quá trình thực hiện đề án sẽ được chia thành 3 giai đoạn triển khai cụ thể:
Giai đoạn 1 từ năm 2023 đến hết năm 2025: Giai đoạn xây dựng cơ sở.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến hết năm 2028: Giai đoạn mở rộng.
Giai đoạn 3 từ năm 2029 đến hết năm 2030: Giai đoạn phát triển.
Dự kiến, sẽ có 3 Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng, trong đó Trung tâm số 1 sẽ được đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội.
Lộ trình triển khai Đề án:
Trong năm 2023 - 2024: Hoàn thiện trình và phê duyệt đầu tư 2 Dự án thành phần của Đề án bao gồm dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1, dự án Công nghệ thông tin cho Trung tâm số 1.
Trong năm 2024 - 2025:
Triển khai các dự án bao gồm xây dựng cơ bản và đưa vào khai thác các cấu phần chính của Trung tâm số 1;
Mua sắm, lắp đặt các giải pháp, thiết bị công nghệ thông tin để xây dựng các hệ thống;
Bổ sung thiết bị công nghệ, giải pháp cần thiết để xây dựng hệ thống dự phòng đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về Dân cư, Trung tâm dữ liệu bảo đảm tiêu chuẩn của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn chờ đầu tư, xây dựng Trung tâm số 2.
Trong năm 2025: Triển khai và hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư 2 Dự án bao gồm dự án xây dựng Trung tâm số 2, dự án Công nghệ thông tin cho Trung tâm dữ liệu quốc gia số 2 và phấn đấu bắt đầu xây dựng Trung tâm số 2 từ Quý I năm 2026.
Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
Quy mô hoành tráng của Trung tâm
Mỗi Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng sẽ bao gồm 2 Trung tâm dữ liệu độc lập. Mỗi Trung tâm độc lập sẽ có: 1 Trung tâm dữ liệu phục vụ cho vùng chuyên dụng; 1 Trung tâm dữ liệu có quy mô 1.000 racks phục vụ vùng dùng chung cho các bộ, ngành; Tòa nhà làm việc, Viện nghiên cứu, sản xuất, doanh trại, tòa nhà hội nghị, Trung tâm giám sát an ninh mạng và các công trình khác.
Trong đó, Trung tâm số 1 dự kiến tổng diện tích xây dựng khoảng 150.000 m2, Trung tâm dữ liệu phục vụ cho vùng chuyên dụng có quy mô 300 tủ racks, 1 Trung tâm dữ liệu có quy mô 1.000 racks, các tòa nhà phụ trợ phục vụ cho khoảng 1000 người.
Các Trung tâm dữ liệu quốc gia được thiết kế, xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn về Trung tâm dữ liệu tối thiểu bảo đảm mức độ 3.
Ngoài ra, Trung tâm được thiết kế, xây dựng theo các tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu kỹ thuật trong nước và quốc tế để bảo đảm chống bom đạn, khủng bố; tiêu chuẩn, yêu cầu về Trung tâm dữ liệu xanh, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giải pháp thông minh để kiểm soát nguồn năng lượng.
Trung tâm được thiết kế, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, bảo mật ở mức cao nhất, hiện đại nhất để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tấn công, đột nhập, hoạt động chống phá tại từng khu vực, hành lang dưới mặt đất cũng như vùng trời.
Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện đầu tư toàn bộ hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin của vùng chuyên dụng; đầu tư, triển khai các giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh an toàn, hệ thống nền tảng điện toán đám mây, hệ thống tính toán hiệu năng cao...
Trung tâm được xây dựng bảo đảm chống bom đạn, khủng bố. Nguồn ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
Trung tâm sẽ lưu trữ những dữ liệu gì?
Trung tâm dữ liệu quốc gia lưu trữ dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời lưu trữ dữ liệu thông tin liên quan đến con người từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, dữ liệu khác do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng bộ về theo quy định của pháp luật để xây dựng các kho dữ liệu dùng chung (không bao gồm các dữ liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng) nhằm tạo khu vực tin cậy cho các đơn vị khai thác theo chức năng nhiệm vụ.
Từ đó, các đơn vị cũng có thể tra cứu các thông tin khác từ kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở cũng như các kết quả sau khi tổng hợp, phân tích,... do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp để đánh giá, kịp thời đưa ra các chính sách, quyết định phù hợp, chính xác.
- Dữ liệu về con người bao gồm tối thiểu các thành phần:
+ Dữ liệu định danh cá nhân công dân bao gồm dữ liệu từ các loại giấy tờ tùy thân; thông tin cá nhân (địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh); dữ liệu y tế; dữ liệu sinh trắc; dữ liệu ADN; dữ liệu việc làm, dữ liệu học bạ... theo quy định của pháp luật.
+ Dữ liệu được thu thập từ kết quả tổng hợp, phân tích và khai thác dữ liệu của công dân.
- Dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương vẫn được lưu trữ, xử lý tại hệ thống Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương theo yêu cầu riêng, phục vụ các mặt công tác quản lý nhà nước của các đơn vị.
Ảnh minh họa. Nguồn: Chinhphu.vn |
Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng phát triển khoa học công nghệ của đất nước
Trung tâm khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Cơ sở dữ liệu của Trung tâm sẽ làm tiền đề bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống cho các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức do dữ liệu được tổng hợp, đối sánh từ nhiều nguồn; giảm thiểu các bước trung gian trong quá trình kết nối, chia sẻ.
Từ năm 2025, đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đóng vai trò là nơi để trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu phát triển các chiến lược phát triển và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền tảng khoa học công nghệ đất nước.
Đến năm 2030, Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức Chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số bảo đảm lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Việc thông qua Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là tiền đề để Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm: 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm: 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Trình Chính phủ lần thứ 3 Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định công suất các nguồn điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, thủy điện nhỏ đến cấp tỉnh, vùng phù hợp với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030.