Từ bỏ tên tiếng Anh, nhiều người gốc Á tại Mỹ quyết tâm gìn giữ nguồn gốc

Nạn thù ghét và phân biệt đối xử tại tại Mỹ khiến người gốc Á từ bỏ tên tiếng Anh, quyết tâm gìn giữ nguồn gốc quê hương.

Giống bao người Mỹ gốc Á khác, Tshab Her, họa sĩ 29 tuổi người Hmong, luôn sống với hai cái tên: một tên Á và một tên “Mỹ”.

Trên giấy tờ, giáo viên và mọi người ở công ty gọi cô là Jennifer, và đó cũng là tên cô dùng trong cái mà cô gọi là “khoảng trắng”. Còn tên đệm Tshab, theo tiếng Hmong có nghĩa là “mới” là tên mà người nhà và những bạn bè thân thiết thường gọi cô trong cộng đồng nhỏ tại Aurora, bang Illinois (Mỹ).

Tshab Her, họa sĩ gốc Hmong (Ảnh: Tshab Her).
Tshab Her, họa sĩ gốc Hmong (Ảnh: Tshab Her).

Nhóm dân tộc thiểu số người Hmong rải rác khắp Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng hầu hết những người Mỹ gốc Hmong – như cha mẹ của cô- là những người tị nạn từ Lào chạy trốn trong chiến tranh Việt Nam.

“Khi là Jennifer, tôi thấy mình như đóng một vai trong giấc mơ Mỹ, đồng hóa với người da trắng. Luôn có sự căng thẳng giữa hai cái tên Tshab và Jennifer… Tôi thấy bản thân như đang có một cuộc đời khác khi là Jennifer, hơn là việc tôi muốn là Tshab”.

Có một lịch sử lâu đời trong việc người Mỹ gốc Á sử dụng những cái tên “Anh hóa”, khi họ tiếp nhận những cái tên “da trắng” hoàn toàn mới như John hay Jennifer, hay chỉ đổi phát âm hay cách đánh vần tên gốc của mình để thích hợp hơn khi nói tiếng Anh. Việc này được phổ biến trong thế kỷ 19, một phần cũng do nỗi sợ từ sự phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Và từ đó, nước Mỹ đã trải qua một sự thay đổi về văn hóa. Riêng thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự trỗi dậy nhu cầu về sự đại diện, sự đa dạng và hòa nhập. Nhiều người Mỹ gốc Á, bao gồm cả người nổi tiếng và các nhà sáng tạo, đang đối mặt với những suy tính cá nhân về tên của chính họ.

Điển hình là buổi phỏng vấn “viral” trên mạng khi danh hài kiêm nhà sản xuất Hasan Minhaj đã đính chính tên của anh trong talk show truyền hình nổi tiếng Ellen DeGeneres. Hay việc nữ diễn viên Chloe Bennet chia sẻ cô phải đổi họ Wang của mình chỉ bởi sự phân biệt trong giới Hollywood, còn nữ diễn viên “Star Wars” Kelly Marie Tran đã gọi quyết định “Anh hóa” tên của gia đình là “sự xóa sổ văn hóa”.

Còn đối với Tshab Her, quyết định từ bỏ tên Jennifer khi lên đại học giúp cô thấy mình thêm sức mạnh, là sự khẳng định với di sản tiếng Hmong lẫn hành trình tới Mỹ của gia đình trong những năm 70 và 80. Đối với cô, sống với tên Hmong là hình thức bày tỏ sự biết ơn với cội nguồn của mình.

Và là một họa sĩ, việc kết hợp hành trình từ tên nọ sang tên kia trong các tác phẩm giúp tôn vinh lịch sử và biểu tượng của người Hmong. Một tác phẩm của cô có dòng chữ “Cái này được phát âm là Cha”, còn một tấm khác thì có dòng “Tên tôi là Tshab, nhưng séc có thể trả cho Jennifer Her”.

Lịch sử của bạo lực và sự đồng hóa

Những người Mỹ gốc Á đã “Anh hóa” tên mình từ làn sóng nhập cư đầu tiên vào cuối những năm 1800 và trong thế kỷ 20, và theo Sở di chú và nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS), “tục lệ” này cũng khá phổ biến với những nhập cư Do Thái hay châu Âu.

Có một số lý giải cho “tục lệ” này, thường là do thuận tiện khi người nói tiếng Anh thường khá khó khăn trong việc phát âm hay đánh vần những tên không phải là tiếng Anh, và cũng dễ hơn nhiều người nhập cư khi chọn một cái tên “Mỹ” mới. Ngoài ra cũng có động cơ về tài chính, khi chủ những doanh nghiệp nhập cư cảm thấy tên được “Anh hóa” dễ bắt mắt khách hàng hơn.

Người Trung Quốc nhập cư ngồi đợi tại Ellis Island, Mỹ năm 1940-1950 (Ảnh: Getty Images).
Người Trung Quốc nhập cư ngồi đợi tại Ellis Island, Mỹ năm 1940-1950 (Ảnh: Getty Images).

Các tài liệu lưu trữ của USCIS đã ghi lại vô số lần những cuộc đổi tên như vậy, từ một người nhập cư người Nga tên Simhe Kohnovalsky yêu cầu trở thành Sam Cohn vào năm 1917, cho tới một người tị nạn thời chiến tên Sokly Ny, trốn khỏi Campuchia năm 1979 trong cuộc chiến Khơme đỏ và đổi tên thành Don Bonus tại California, Mỹ.

Theo Marian Smith, nguyên nhà sử học của USCIS, bất cứ thay đổi nào giúp con đường tới “giấc mơ Mỹ” trở nên dễ dàng hơn đều là một bước đi đúng hướng đối với họ. Về lý do thì có vô vàn, từ chính trị cho tới “tục lệ”.

Thế nhưng sự háo hức theo đuổi “giấc mơ Mỹ” này không phản ánh đủ những thực tế đen tối mà những người nhập cư phải đối mặt. Người châu Á tại Mỹ thường bị “quỷ hóa”, lợi dụng và phân biệt ngay từ khi họ đặt chân tới vùng đất mới. Sự đồng hóa, gồm việc nhận một cái tên khác, được xem như một chiến lược sống còn.

Những người Trung Quốc nhập cư những giai đoạn đầu từng bị xử tử, và định kiến chống người Hoa mạnh mẽ đến mức Mỹ cấm toàn bộ nhập cư từ Trung Quốc giữa những năm 1882 và 1943. Tư tưởng “Mối nguy hiểm màu vàng” ám chỉ những người châu Á phương Đông là những kẻ xâm lược nguy hiểm. Ước tính 120.000 người Mỹ gốc Nhật đã từng bị ép vào các trại tập trung trong Thế chiến II.

Theo một bài báo năm 1999 trên tờ Names, số lượng người Mỹ gốc Nhật thay đổi tên trong thời chiến ngày càng gia tăng nhằm “chứng minh lòng yêu nước và tái khẳng định bản sắc Mỹ của mình. Và cái tên Makoto trở thành Mac, và Isamu biến thành Sam.

Những người đàn ông châu Á bị tra hỏi tại Brooklyn, New York, Mỹ năm 1951 (Ảnh: AFP/Getty Images).
Những người đàn ông châu Á bị tra hỏi tại Brooklyn, New York, Mỹ năm 1951 (Ảnh: AFP/Getty Images).

Catherine Caniza Choy, giáo sư nghiên cứu về cộng đồng người châu Á và những người Mỹ gốc Á tại Đại học California (Mỹ) cho biết: “Người châu Á trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chủ yếu được mô tả là “kỳ lạ, kém cỏi, bẩn thỉu và thiếu văn minh”. Khi đó, nhu cầu hòa nhập cũng vì sự sống còn trong cái xã hội phân biệt và đầy thù địch”.

Trong giai đoạn 1900 tới 1930, khoảng 86% bé trai và 93% các bé gái được sinh ra bởi người nhập cư đều đã có một “tên Mỹ”. Và giờ đây, sau một thế kỷ, việc thành viên thế hệ thứ 3 hay 4 không còn những cái tên Á là điều hoàn toàn bình thường.

Cái giá của việc từ bỏ tên

Những căng thẳng chủng tộc đã có những tiển triển, thế nhưng người châu Á và những cái tên không phải tiếng Anh vẫn bị coi là kỳ quặc hay được dùng như những dấu kết rẻ tiền.

Chẳng hạn như năm 2013, một đài truyền hình đã đùa cợt khi báo cáo một tai nạn máy bay chết người của hãng Asiana Airline với cơ trưởng tên Sum Ting Wong và Ho Lee Fuk. Năm 2016, thống đốc bang Maine (Mỹ) đã đùa cợt và phát âm tên một người đàn ông Trung Quốc là Chiu bằng cách giả vờ hắt xì. Hay năm 2020, một giáo sư tại Đại học Laney đã khuyên Phuc Bui Diêm Nguyen, một sinh viên gốc Việt,  “Anh hóa” tên cô bởi Phuc Bui phát âm như lời nói tục trong tiếng Anh.

“Đổi tên không thay đổi thực tế rằng tôi mang dòng máu nửa Trung Quốc, rằng tôi đã từng sống tại Trung Quốc, nói tiếng Trung hay việc được nuôi dạy giữa nền văn hóa Mỹ và Trung Hoa. Nhưng nó giúp tôi kiếm tiền, và sự phân biệt chủng tộc tại Hollywood sẽ không tuyển tôi với cái tên khiến họ thấy không thoải mái”, Bennet, cô gái đã phải đổi tên để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, cho biết.

Nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran trong buổi công chiếu bom tấn Star Wars hồi tháng 12/2019 (Ảnh: AFP/Getty Images).
Nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran trong buổi công chiếu bom tấn Star Wars hồi tháng 12/2019 (Ảnh: AFP/Getty Images).

Chia sẻ về nỗi đau của sự đồng hóa, Trần, nữ diễn viên gốc Việt trong phim “Star Wars” kể lại sự phân biệt chủng tộc khi lớn lên của gia đình, và “điều đó khiến bố mẹ tôi thấy rằng cần bỏ tên thật và sống với những cái tên Mỹ như “Tony và Kay” để tiện cho người khác phát âm, một sự xóa bỏ hoàn toàn văn hóa mà khiến tôi luôn đau đớn trong tâm can. Các bạn có thể biết tôi bằng tên Kelly… nhưng tên thật của tôi là Loan”, cô chia sẻ.

Những lời chia sẻ này là một phần của cuộc trò chuyện ngày càng tăng về nguy cơ tâm lý tiềm ẩn khi cố gắng thích nghi hay thay đổi tên khai sinh. Những cái tên không chỉ là bộ sưu tập ngắn gọn của những chữ cái và âm thanh, với những người Mỹ gốc Á, những người luôn thường “tung hứng” giữa nhiều ngôn ngữ, văn hóa và các vòng tròn sắc tộc, một cái tên có thể chứa đựng nhiều yếu tố khác nhau của danh tính.

Chẳng hạn như Tanaïs, một tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Bengali và là chủ một thương hiệu làm đẹp, được sinh ra với tên Tanwi Nandini Islam. Đây là cái tên mà cha mẹ cô, nhập cư từ Bangladesh đã suy nghĩ rất cẩn thận. “Tanwi” mang nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là lá cỏ. “Nandini” nghĩa là con gái, là một tên gọi khác cho nữ thần Durga. Và “Islam” là về đạo Hồi của gia đình, mang nghĩa là bình yên.

“Việc có một cái tên mang tất cả ý nghĩa tôn giáo như vậy vô cùng mạnh mẽ. Và tôi là tất cả những điều đó, từ tổ tiên cho tới tôi của ngày nay”.

Tanaïs, tiểu thuyết gia gốc Bengali (Ảnh: Max Cohen).
Tanaïs, tiểu thuyết gia gốc Bengali (Ảnh: Max Cohen).

Thế nhưng cả tuổi thơ, không ai biết cách phát âm “Tanwi”, hay ít nhất là cố gắng tập phát âm đúng. Cô thậm chí không nhớ nổi lần giáo viên gọi to tên cô, và họ đã quyết định gọi cô là Tony chỉ bởi tên cô khó phát âm.

“Cả năm đó tôi là Tony. Đó không phải là tên tôi, tôi ghét nó. Tôi nhớ bản thân đã rất buồn, thấy bị hiểu sai, bị nhầm giới tính bởi cái tên đó giống như tên con trai vậy”, cô cho biết.

Theo giáo sư Choy của Đại học California, Mỹ “Việc thường xuyên đọc sai hay phát âm nhầm tên của người châu Á, và yêu cầu cá nhân đó đơn giản hóa học đổi tên, làm ảnh hưởng tới tâm lý của người đó. Tên phản ánh sự hiện diện, con người và lịch sử của bạn, và khi bị người khác đối xử như vậy tức là họ không thừa nhận bạn là một con người”.

Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ, “việc tiếp nhận một cái tên Anglo thường do mức độ tự trọng thấp, dẫn tới mức độ sức khỏe và hạnh phúc giảm”. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng đó có thể là sự tương quan, khi những người có sự tự trọng cao hơn thường miễn cưỡng hơn khi đổi tên và ít chịu tác động của sự kì thị.

Một cuộc khảo sát khác về những sinh viên thuộc dân tộc thiểu số thực hiện bởi các nhà nghiên cứu California năm 2012 cho thấy “Nhiều sinh viên da màu gặp phải sự thiếu tôn trọng văn hóa trong suốt quá trình giáo dục liên quan đến tên của họ. Khi một đứa trẻ tới trường và tên của chúng bị phát âm sai hay đổi, nó có thể phủ nhận suy nghĩ, sự quan tâm và tầm quan trọng của cái tên, và dẫn đến danh tính của đứa trẻ”.

Giành lại di sản

Tuy nhiên có những dấu hiệu của sự thay đổi khi lượng người đổi tên mới đã giảm vào cuối thế kỷ 20. Phần là do sự xuất hiện của các hệ thống tự động, như hệ thống đăng kí bằng lái, được thiết kế để chỉ chấp nhận một tên hợp pháp duy nhất, nhưng yếu tố lớn nhất dường như bởi sự thay đổi từ xã hội.

“Trong khi áp lực kinh tế, pháp luật, hệ thống để duy trì một tên tăng lên, áp lực xã hội với việc “Mỹ hóa” tên giảm dần khi nhiều người Mỹ đón nhận quan điểm đa văn hóa”, nhà sử học USCIS, ông Smith chia sẻ.

Sự chuyển đổi này thấy rõ trong cách mà mọi người phản ứng các trường hợp phân biệt đối xử hay bài ngoại. Những thứ mà trước đây thường không được quan tâm giờ được lên tiếng, rầm rộ và công khai.

Người châu Á phản đối phân biệt đối xử (Ảnh: AP)
Người châu Á phản đối phân biệt đối xử (Ảnh: AP)

Như nhà văn Jeanne Phillips gây phẫn nộ dữ dội năm 2018 khi khuyến khích phụ huynh không đặt “tên nước ngoài” cho con trên chuyên mục Dear Abby của cô, và cho rằng những cái tên đó gây “khó chịu khi đọc bằng tiếng Anh”.

Vị giáo sư yêu cầu sinh viên Việt “Anh hóa” tên của cô cũng phải đối mặt với những phản đối dữ dội và buộc phải nghỉ việc.

Tháng 3 vừa qua, chủ đề lại được nhen nhóm khi 8 người bị sát hại tại một quán spa tại Atlanta (Mỹ), trong đó có 6 phụ nữ châu Á. Sự giận dữ và đau buồn khiến những người Mỹ gốc Á buộc phải lên tiếng về sự phân biệt đối xử với những cái tên giữa làn sóng bạo lực chống người châu Á.

“Hãy dừng việc hủy hoại tên của những nạn nhân. Đây có thể chỉ là bất tiện nhỏ nhưng tên của chúng tôi là danh tính, là di sản. Đó là những gì chúng tôi còn để nhắc nhở bản thân chúng tôi là ai, và đến từ đâu”, Michelle Kim, đồng sáng lập của tổ chức Awaken tweet trên trang cá nhân.

Những tranh cãi gần đây là sự nhắc nhở về những gì còn cần xử lý, nhưng cũng cho thấy rằng các nhóm người thiểu số và một xã hội rộng lớn hơn đang định hình lại những tiêu chuẩn về những điều được chấp nhận, phản ánh một bối cảnh đa văn hóa – kết quả từ những thay đổi trên thế giới như toàn cầu hóa và cải tổ quyền lực.

Trong những thập kỷ gần đây, một số quốc gia châu Á nổi lên trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, sở hữu những tầm ảnh hưởng nhất định. Văn hóa K-pop, hoạt hình và những khía cạnh khác của văn hóa châu Á đã có cho mình lượng hâm mộ đông đảo trên toàn thế giới.

Tác phẩm Trở về của Tshab Her lấy ý tưởng từ chuyến về thăm quê hương Lào lần đầu từ khi cha mẹ cô nhập cư vào Mỹ (Ảnh: Tshab Her).
Tác phẩm Trở về của Tshab Her lấy ý tưởng từ chuyến về thăm quê hương Lào lần đầu từ khi cha mẹ cô nhập cư vào Mỹ (Ảnh: Tshab Her).

Chương mới này được phản ánh trong nhu cầu ngày càng tăng về sự đa dạng trên gần như mọi lĩnh vực như giải trí, chính trị, ẩm thực, giáo dục và hơn thế nữa. Và với những người Mỹ gốc Á, ý thức về sự hy sinh của bậc cha mẹ và tổ tiên ngày càng tăng, và họ nhận ra sự mất mát trong di sản và văn hóa quê hương châu Á của mình.

Và với một số người, ý thức đó khiến họ có mong muốn lấy lại những gì đã mất, như học lại ngôn ngữ mẹ đẻ từ ông bà, bố mẹ. Một số khác muốn trở lại quê hương tổ tiên để kết nối lại văn hóa của mình.

“Sống với tên Tshab là một hành động phản khác. Tôi muốn là chính mình, là Tshab, chứ không phải là Jennifer. Đó là khởi đầu để chống lại cái văn hóa Mỹ đang được ép lên tôi. Đối với tôi, việc là Tshab, rồi kết nối với bố mẹ và tổ tiên trở nên rất tự nhiên. Và tôi không muốn quên đi nguồn gốc của mình, nơi mà bố mẹ và những con người Hmong đã đi qua”, Tshab Her chia sẻ.

TM (theo CNN)

Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào 'Escape the corset'

Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào "Escape the corset"

Phong trào "Escape the corset" (Cởi bỏ áo nịt) được giới nữ quyền Hàn Quốc sử dụng như một thách thức với một xã hội đầy tính trọng nam.