Từ Đan Kia - Suối Vàng vượt qua Cổng Trời

Vào một ngày mùa mưa của 125 năm trước (21/6/1893) Bác sỹ A.Yersin đặt chân “trên bờ cao nguyên mênh mông trơ trọi và mấp mô chế ngự bởi ba đỉnh núi Langbian”. Và ngày đó đi vào lịch sử: là ngày khai sinh chính thức của thành phố Đà Lạt, Nơi A.Yersin đề xuất với công sứ Pháp để xây dựng thành phố nghỉ dưỡng nằm bên bờ hồ Đan Kia. Tại đây, hồi đầu thế kỷ XX, người ta đắp hai con đập ngăn dòng chảy của sông Đạ Đung (khởi nguồn từ dãy Langbian) tạo thành hồ Suối Vàng… Hồ Suối Vàng bao gồm hai hồ Đan Kia ở phía trên và Ankroet như một nét nhấn trong một bức tranh sinh động, nguyên sơ, hoang dã của núi – hồ - thác.

Ở độ cao 2100 mét so với mặt nước biển, chất lãng mạn, mộng mơ, bất biến của đất trời Đan Kia bỗng bất ngờ đẹp lên trong khoảnh khắc trời chuyển mưa - những nét đẹp đến sửng sốt. Vẫn cái màu xanh bất tận ấy, vẫn cái sức quyến rũ của một cao nguyên hoang sơ, bạt ngàn trầm tích và huyền bí, sâu thẳm và vời vợi ấy… Trong tĩnh lặng bản Romance sơn cước, Đan Kia - Suối Vàng gợn lên một chút Hàn Mặc Tử, một chút Trịnh Công Sơn…

Lao xao trong trời chiều Đan Kia từng bầy chim yến cằm trắng, lặng lẽ trong đêm Đan Kia bầy sói lửa đang rình rập bầy mang lớn (loài mới thứ 6 được phát hiện trong thế kỷ XX, được ghi vào sách đỏ Việt Nam theo tiêu chuẩn IVCN).

Đan Kia - Suối Vàng nép mình trong lòng khu hệ động vật hoang dã của rừng đặc dụng Bidoup - Núi Bà với một vẻ đẹp rất riêng
Đan Kia - Suối Vàng nép mình trong lòng khu hệ động vật hoang dã của rừng đặc dụng Bidoup - Núi Bà với một vẻ đẹp rất riêng

Đan Kia - Suối Vàng nép mình trong lòng khu hệ động vật hoang dã của rừng đặc dụng Bidoup - Núi Bà với một vẻ đẹp rất riêng và đầy bất ngờ. Tại đây các nhà động vật học trong và ngoài nước đã thống kê có 386 loài. Trong đó có 65 loài quý hiếm, chúng được chia thành 4 lớp động vật: thú 33 loài, chim 202 loài, bò sát 62 loài, lưỡng thê 29 loài… Nơi đây có 6 loài chim đặc hữu cực đẹp là Mi Langbian, khướu đầu đen, khướu má xám… Có 9 loài chim được xếp vào nhóm những loài có tính chất đe dọa toàn cầu… Nhóm hệ động vật với 187 loài, tiêu biểu là bò tót, voọc ngũ sắc (sách đỏ Việt Nam và thế giới), vượn má hung, trĩ sao…

Người Đà Lạt ví Đan Kia với thuở ban sơ của sơn nữ. Một vùng đất quyến rũ đến mê hoặc này, chút kỳ ảo của sương mù tan ra trong âm hưởng của tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng khèn bầu dìu dặt. Đâu đó trong tiếng gió có lời tỏ tình câm lặng của nàng sơn nữ yêu thầm bằng tiếng đàn môi. Xao động một cơn mưa thoảng qua các buôn làng người Lạch.

Từ hàng ngàn năm trước, các dòng tộc Bonding, K’ra Danh, Đagút, Păng Ting, Raôông đã tụ cư thành các buôn Đan Kia, Đan K’nách, K’Longơr, Triêng ơt, Bon Đâng, Bon Rơhàng, Đăng Jarit, Cill Múp. Họ yêu biết bao cái chốn này, nơi một màu xanh ngắt rừng già chảy tràn trên những đỉnh núi mờ sương…

Một vùng đất quyến rũ đến mê hoặc, chút kỳ ảo của sương mù tan ra trong âm hưởng của tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng khèn bầu dìu dặt.
Một vùng đất quyến rũ đến mê hoặc, chút kỳ ảo của sương mù tan ra trong âm hưởng của tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng khèn bầu dìu dặt.

Ở đầu nguồn hồ Ankroet là nơi sinh sống của người Lạch - Bon Ja. Sợ ảnh hưởng đến nguồn nước của nhà máy nước Suối Vàng, người Pháp đã di dời dân làng đến định cư ở thị trấn Lạc Dương bây giờ. Nhưng người Lạch luôn thương nhớ buôn cũ, nơi mà hiện nay người ta đang xây dựng hai điểm du lịch: Quỷ Núi Suối Ma và Ma Làng.

Tại đây, Thạc sĩ sử học Len Ny nói với tôi: “Đây là nơi mẹ em sinh ra và sống cùng ông, bà, tổ tiên cho đến năm 17 tuổi… Đây là ruộng nhà em, vẫn được tiếp tục canh tác cho đến cách đây hơn 10 năm. Còn vùng này là nơi một con đại bàng ngang qua làng bị bắn gãy cánh được đặt tên làng Đại bàng gãy cánh…”.

Trong hoài niệm của người Cơ Ho (nhóm Cill, Lạch); Trong ghi chép của bác sỹ Yersin 125 năm trước, trong các đề tài nghiên cứu của viện Viễn Đông Bác Cổ hơn 100 năm trước; Trong khảo sát của Viện hàn lâm khoa học Pháp do Henry Mastrơ dẫn đầu từ năm 1936 đến 1954; Trong tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học khắp thế giới từ 1954 đến nay, vùng đất từ Đan Kia - Suối Vàng vượt qua Cổng Trời là vùng địa văn hóa, địa chính trị với vô vàn những kiệt tác do thiên nhiên ban tặng, bản sắc văn hóa riêng có được hun đúc từ ngàn đời của các tộc người… Có hằng hà sa số những mỹ từ tráng lệ dành cho vùng đất này.

Thế mà không hiểu sao chính quyền địa phương lại chấp nhận cho doanh nghiệp đặt lại tên núi, tên buôn thành Ma Làng; Quỷ Núi Suối Ma??? Tên phản cảm có thể sửa chữa được. Nhưng địa điểm du lịch đặt đúng chỗ phản khoa học làm sao để sửa chữa??? Bởi đó là vùng rừng đầu nguồn của nhà máy nước Suối Vàng - Địa điểm này thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng - Thảm họa của một xã chỉ cách Đà Lạt 16 km còn nằm ở chỗ: Người ta ùn ùn kéo vào mua đất, san đồi, xẻ núi để trồng rau, trồng hoa tại thôn Đạ Nghịt làm biến mất chất lãng mạn, mộng mơ của đất trời.

Chốn này, nơi một màu xanh ngắt rừng già chảy tràn trên những đỉnh núi mờ sương…
Chốn này, nơi một màu xanh ngắt rừng già chảy tràn trên những đỉnh núi mờ sương…

Đi theo con đường Đông Trường Sơn - tuyến đường được người Pháp mở theo quy hoạch trước khi xây dựng nhà máy nước Suối Vàng. Trên nền tuyến đường đó, hơn 10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư thông tuyến kỹ thuật, đổ nhựa, đổ bê tông… Đến nay chỉ còn 2 km nữa là bon bon đến xã Đạ Long, huyện Đam Rông, giáp với huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Đây là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam. Con đường chạy dưới chân những cánh rừng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà… Con đường chạy qua rừng Lán Tranh, vượt qua núi Cổng Trời, tới đầu nguồn sông Krông Nô. Con đường lượn qua Bon Ja, Bon Đưng Tràng, Bon Chiêng Kào, Bon Niêng của xã Đưng K’Nớ huyện Lạc Dương, rồi lượn tiếp dưới chân núi Jang Mao, ngọn núi huyền thoại của vùng Đông Trường Sơn với vẻ đẹp nguyên sơ của miền sơn cước.

Chỉ tiếc rằng rừng xung quanh xã Đưng K’Nớ đang bị tàn phá khốc liệt để lấy đất trồng cà phê.

Đinh Thị Nga

Đường lên xứ Lạng

Đường lên xứ Lạng

Liệt kê ràn rạt địa danh xứ Lạng, như những kẻ ham đi thường nhấn “check in” trong hành trình lướt qua, đối với tôi dường như có điều gì không phải