Một số biến chứng có thể gặp do cúm mùa
Cúm mùa là bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh do nhiệt độ thấp là điều kiện lý tưởng cho các loại virus cúm sinh sôi và phát triển. Bệnh cúm mùa thường gây ra bởi 2 chủng virus phổ biến nhất là: Virus cúm A (H1N1 và H3N2), virus cúm B.
Sau khi nhiễm virus, sau thời gian ủ bệnh ngắn, virus phát triển và lây lan qua dịch tiết nước bọt bắn qua không khí khi ho, nói chuyện.
Triệu chứng bệnh rất đặc trưng như: ho, chảy nước mũi, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, sốt. Hệ miễn dịch giữ vai trò quan trọng trong tiêu diệt virus cúm, giúp hầu hết người mắc bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, virus cúm có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thường gặp ở các đối tượng nguy cơ bao gồm:
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
- Người cao tuổi trên 65 tuổi.
- Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như hen suyễn mạn tính, phổi mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, bệnh suy thận, suy gan.
Hiện nay vắc xin phòng cúm chỉ dành cho đối tượng là trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi, vì thế những trẻ nhỏ hơn có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu người mẹ đã tiêm phòng trước hoặc trong khi mang thai, một phần nhỏ kháng thể có thể truyền cho trẻ và bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Người chăm sóc trẻ như mẹ, bà hoặc người giúp việc cũng cần tiêm phòng vắc xin cúm, tránh mắc bệnh và lây nhiễm cho trẻ.
Vắc-xin cúm có tác dụng trong bao lâu?
Khi tiêm vắc-xin cúm sẽ giúp sản sinh kháng thể bảo vệ cơ thể để chống lại virus cúm và thông thường vắc-xin sẽ phát huy tác dụng trong thời gian là dưới 1 năm.
Mặt khác, virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên, các nhà nghiên cứu phải nghiên cứu và sản xuất vaccine cúm với những thành phần vaccine ngừa cúm được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cúm đang lưu hành trên thế giới.
Nên tiêm vaccine cúm vào thời điểm nào?
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu dịch tễ học cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Nên tiêm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
- Bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong đó, trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi) dễ bị virus cúm tấn công nhất. Những đối tượng này nếu mắc cúm thì nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn.
- Đối với trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus cúm nên tiêm vaccine cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
- Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vaccine phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang trong dịch cúm mùa mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ.
- Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ biến chứng cao do cúm gây ra và vaccine cúm là vắc-xin bất hoạt nên có thể tiêm khi mang thai.
Những ai không nên tiêm phòng cúm?
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, bạn không nên tiêm phòng cúm nếu:
- Đã từng bị dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó.
- Dị ứng với trứng.
- Từng bị hội chứng Guillain-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.
Tác dụng phụ của vaccine phòng cúm?
- Chỗ tiêm có thể bị sưng tấy sau khi tiêm.
- Một số người có biểu hiện giống như cảm lạnh: hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, viêm họng, ho và đau nhức mình mẩy 1-2 ngày sau khi tiêm phòng. Trong một số trường hợp có thể sốt nhẹ.
(Tổng hợp)