Theo báo cáo, người tiêu dùng trẻ tuổi lo ngại mình sẽ bị bạn bè, xã hội tẩy chay và đánh giá vì không có iPhone. Việc sở hữu iPhone cũng tiếp tục thúc đẩy giới trẻ mua các sản phẩm và dịch vụ khác của Apple vì cơ chế độc quyền đặc trưng của hãng, dẫn đến thị phần ngày càng tăng trên nhiều danh mục sản phẩm. Sự tăng trưởng đáng kể này giữa các thế hệ là một phần lý do khiến Apple tăng thị phần chung tại Mỹ từ 35% vào năm 2019 lên hơn 50% vào năm 2022.
Những người sinh sau năm 1996, còn được gọi là Gen Z, chiếm 34% tổng số chủ sở hữu iPhone ở Mỹ, so với chỉ 10% của Samsung. Đối với các thế hệ lớn tuổi hơn, có sự phân chia tương đối đồng đều giữa người dùng iPhone và Android. Lưu ý, đây là thông số thống kê số người dùng thiết bị Apple, tức có nghĩa có thể họ dùng AirPods, Đồng hồ Apple và Mac chứ không phải iPhone.
Theo nghiên cứu của Canalys, cứ 100 chiếc iPhone mà Apple bán ra trên toàn thế giới thì họ cũng bán được 26 chiếc iPad, 17 chiếc Đồng hồ Apple và 35 cặp AirPods. Đối với Samsung, cứ 100 chiếc điện thoại thông minh bán ra thì có ít hơn 11 máy tính bảng, 6 đồng hồ thông minh và 6 cặp tai nghe không dây được bán ra.
Điều này bất chấp thực tế là giá bán trung bình của một chiếc iPhone đã cán mốc 1.000 USD, gần gấp ba lần so với một thiết bị Android.
Các nhà nghiên cứu tư vấn cho các công ty về sở thích của người tiêu dùng Gen Z nói với Financial Times rằng những khách hàng này là những người lên mạng nhiều nhất ở mọi lứa tuổi, dành tới 6 giờ mỗi ngày cho điện thoại thông minh của họ.
Do đó, hệ sinh thái của Apple đang định hình quá trình ra quyết định mang tính xã hội, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của iMessage như một công cụ kết nối xã hội. Sử dụng iMessage, trình nhắn tin miễn phí cho người dùng thiết bị Apple được đánh giá là cho trải nghiệm tốt hơn so với nhắn tin SMS thông thường.
Không phải ai ai cũng thích việc dùng iMessage. Tuy nhiên, khi người thân bạn bè, những người xung quanh đều dùng iMessage, nhiều người cũng bị "áp lực" phải dùng theo để tiện liên lạc hơn. Dần dần, số người dùng Apple càng nhiều thì iMessage lại càng phủ sóng mạnh mẽ. Sự "chiếm lĩnh" của ứng dụng tin nhắn này buộc Gen Z phải chuyển sang iPhone hoặc gắn bó với iOS bằng mọi giá.
Ngay cả ở châu Âu, nơi iMessage ít phổ biến hơn và Android có thị phần lớn hơn, xu hướng tương tự cũng có thể thấy rõ. Nghiên cứu của Canalys chỉ ra rằng 83% người dùng Apple ở Tây Âu dưới 25 tuổi dự định tiếp tục sử dụng iPhone.
Tỷ lệ người dùng Android trong cùng nhóm nói rằng họ sẽ gắn bó với Android chưa bằng một nửa. Khi Gen Z già đi, xu hướng này có thể sẽ phát triển và tiếp tục giúp Apple chiếm lĩnh thị phần của, khiến các công ty đối thủ ngày càng khó thu hút khách hàng mới và xâm nhập thị trường mới.
(Nguồn: Financial Times)