'Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy', nghĩa là gì?

'Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy' có lẽ là câu thành ngữ không còn xa lạ với người dân Việt Nam trong những ngày tết cổ truyền. Nhưng không nhiều người có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của câu nói này.

Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” gắng liền với 3 nhân vật và hoạt động liên quan đến cha, mẹ, thầy cô.  Câu thành ngữ phản ánh một nếp sống đẹp của người Việt ở thời điểm tống cựu nghênh tân. Nếp sống ấy đã thành quen thuộc, thành cha truyền con nối nên có thể có người không nhớ câu này, song họ vẫn sống theo lời dặn dò của cổ nhân trong câu thành ngữ.

Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc ta như nhắc nhở về một giá trị truyền thống tốt đẹp trong dịp Tết của mỗi người dân Việt Nam.

Từ xưa ông cha ta đã có quan niệm rằng, ngày mùng 1 là ngày thiêng liêng nhất trong 1 năm, nên “Mùng 1 tết Cha”. Nhà cha là nhà bên họ nội. Ngày mùng 1 thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.

Đến “Mùng 2 tết Mẹ”, nếu như nhớ nội thì không thể quên ngoại, vì thế, ngày mùng 2, lại kéo cả nhà về bên họ ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết.

'Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy', nghĩa là gì?

Và sau đó “Mùng 3 tết Thầy”, là ngày để người Việt bày tỏ sự biết ơn đến thầy cô, những người đã dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, là những người đã lái đò đưa mình đến bến bờ của tri thức và sự thành công. Đây là dịp để thầy và trò ngồi quây quần bên nhau cùng tâm sự, cùng nhau chia sẻ những chuyện trong cuộc sống và những học trò sẽ kể cho thầy cô về công việc, gia đình mình trong năm qua cũng như những dự định sắp tới…

Nếu hoạt động đến thăm cha, mẹ, thầy cô không làm kịp trong 3 ngày mà dời vào các mùng trở về sau (từ mùng 4 trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là mất đi tình cảm, tôn kính quý trọng. Thế nên, hãy thu xếp thời gian để thăm ông, bà, cha mẹ, thầy cô vào đúng ngày để trọn ý nghĩa 3 ngày tết.

Tất cả những hành vi Tết đó của người Việt đã tạo nên một phong tục lễ Tết rất nhiều ý nghĩa giáo dục và nhân văn, nâng sâu sắc đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng.

Tết là dịp sum họp duy nhất và đầy đủ nhất của gia tiên, gia thần và gia đình, một cuộc đại đoàn viên ấm cúng nhất. Ai cũng được thêm một tuổi, nên tục mừng tuổi thật có ý nghĩa về tính cộng đồng và thành một tục lệ rất đẹp của Tết Việt.

Bởi vậy, ý nghĩa trọng thể nhất của phong tục lễ Tết chính là cuộc sum họp trong gia đình. Về quê ăn Tết có nghĩa là về quê sum họp dưới một mái nhà, để ăn Tết và tiến hành nghi lễ dành cho người ruột thịt. Cho nên mới có thành ngữ: “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy”.

PV

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương