Việt Nam qua góc nhìn đa diện từ tuần san ‘‘Indochine’’ 

‘’Indochine’’ là tờ báo tiếng Pháp của Hội Alexandre de Rhodes, ra số đầu tiên vào ngày 12.9.1940, với sự hợp tác của nhiều tác giả người Pháp và người Việt, được đánh giá cao về hàm lượng tri thức phong phú.

‘’Indochine’’ là tờ báo tiếng Pháp của Hội Alexandre de Rhodes, ra số đầu tiên vào ngày 12.9.1940, với sự hợp tác của nhiều tác giả người Pháp và người Việt, được đánh giá cao về hàm lượng tri thức phong phú.

Mới đây, ấn phẩm ‘’Việt Nam qua góc nhìn từ tuần san Indochine 1941 - 1944’’ đã ra mắt tại Việt Nam - tập hợp một số bài viết quan trọng đăng trên ‘’Indochine’’. Đó là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích với các nhà nghiên cứu và bạn đọc ngày nay.

Buổi ra mắt cuốn sách “Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944”
Buổi ra mắt cuốn sách “Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944”

Sinh sau, nhưng có nét riêng độc đáo

“Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944” được ấn hành bởi Omega Plus Books và NXB Thế Giới, do Lưu Đình Tuân tuyển dịch những bài viết quan trọng về Việt Nam từ năm 1941 đến 1944 của ‘’Indochine’’. Dàn cộng tác viên của tuần san này gồm những tên tuổi lớn (trong đó có nhiều thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp), như: L.Malleret, Paul Lévy, Louis Bezacier, Paul Boudet, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Hoàng Thiếu Sơn, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Tiến Lãng, Trịnh Thục Oanh, Đặng Phúc Thông, Trần Văn Giáp… hoặc là người đứng đầu các nha, sở, tỉnh, cơ quan chuyên môn của chính quyền Đông Dương.

Ngoài các bài viết, ‘’Indochine’’ đã tạo sự sinh động cho tuần san bằng phần minh họa - gồm ảnh chụp, họa tiết, hình vẽ, bản đồ, đồ thị… thu hút sự tham gia của nhiều họa sĩ, như: Bà Boudet, Ngô Thúc Dụng, Nguyễn Huyến, Maurice Loi, Nguyễn Tiến Lợi, Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Vũ Văn Thu… Còn mảng ảnh được khai thác và thực hiện tại Phòng đồ bản Phủ Toàn quyền, Phòng ảnh nghệ thuật Nadal (Sài Gòn) và các hiệu ảnh Hương Ký, Central Photo (Hà Nội), Modern Photo (Sài Gòn)…; trong đó có một số ảnh độc bản, có giá trị quý hiếm.

Mua đào dịp Tết ở Hà Nội năm 1920-1929,  bức ảnh trong cuốn sách
Mua đào dịp Tết ở Hà Nội năm 1920-1929,  bức ảnh trong cuốn sách

Trong số các tác giả người Việt cộng tác với ‘’Indochine’’, bà Trịnh Thục Oanh là một gương mặt nữ hiếm hoi. Bà là Hiệu trưởng Trường Nữ sinh tiểu học Brieux (nay là Trường THCS Thanh Quan, nằm trên phố Hàng Cót - Hà Nội). Trong bài ‘’Giáo dục hiện đại và phụ nữ An Nam’’ (đăng ngày 1.5.1941) của bà Trịnh Thục Oanh, cho thấy sự thay đổi trong phương thức giáo dục đã góp phần nâng vị thế bình đẳng trong xã hội của nữ giới. Bài viết có đoạn: ‘’Trước hết nền giáo dục ngày xưa chỉ dành cho con gái của những gia đình có đặc quyền và không cho con gái phát triển hết khả năng tri thức của mình. Nền giáo dục đó không cho phép những người phụ nữ ưu tú như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương hé lộ hết tài năng của mình và không đáp ứng được yêu cầu chính đáng nhất của các gia đình. Biết bao người vợ và người mẹ than thở không biết đọc, không biết viết. Sự thấp kém đó về mặt xã hội đè nặng lên họ biết bao.

Ngày nay, chắc chắn một cô Hồ Xuân Hương trẻ, ham học và thông minh đặc biệt như thế ở tuổi mười tám sẽ không chịu lấy một ông chánh tổng tên Cóc vô học và xấu xí chỉ để có chỗ sống. Sau khi tổng Cóc chết, để không bị chết đói, cô gái Hồ Xuân Hương phải làm thiếp cho một tri huyện già; nhưng một lần nữa, ông này lại ra đi để cô lại một mình trên đời. Nhưng câu thơ hài hước và cay đắng rất hay của cô há chẳng phải cho chúng ta thấy cô luôn luôn là một phụ nữ không được đánh giá đúng, một phụ nữ, với tâm hồn và sự nhạy cảm gấp ngàn lần những người xung quanh?

Vì thế, những trường học đầu tiên dành cho con gái An Nam ngay sau khi thành lập đã được lòng dân chúng; từ đó các trường không ngừng tăng lên cùng với sự tiến hóa của xã hội. Nhờ những tiến bộ phi thường của Nha học chính và sự siêng năng, chuyên cần của giới thanh niên đại học, nhiều em gái đã tốt nghiệp tiểu học, cao đẳng tiểu học, tú tài, cử nhân, bác sĩ, và có lẽ trong vài năm nữa ta sẽ phải vỗ tay hoan hô các nữ thạc sĩ. Chúng ta đã vượt qua một con đường dài với tốc độ nhanh biết bao! Biết bao chân trời mở ra cho các thiếu nữ…’’.

Dù ‘’Indochine’’ có phần kết tinh hoặc vay mượn của các tập san Pháp ngữ “đàn anh” như: Revue Indochinoise illustré, Amis du vieux Hue, Bulletin de l’Ecole française de l’Etrême-Orient, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, l’Ecole française de l’Extrême-Orient, Les Pages Indochinoises... nhưng tuần san này lại có nét riêng khi đề cập tới các đề tài chính trị, lịch sử, xã hội, địa lý, con người, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, kinh tế... nhờ sự súc tích và trong sáng của các bài viết, theo hình thức du khảo, nên đã đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả - hàn lâm cũng như bình dân.

Những góc nhìn đa chiều, đa diện

Huế 1920-1929, nhà vườn Lạc Tịnh Viên của hoàng thân Nguyễn Phúc Hồng Khẳng - một bức ảnh giới thiệu trong cuốn sách  
Huế 1920-1929, nhà vườn Lạc Tịnh Viên của hoàng thân Nguyễn Phúc Hồng Khẳng - một bức ảnh giới thiệu trong cuốn sách  

“Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944” gồm 47 bài viết được chọn lọc và sắp xếp theo thời gian ra báo, với đa dạng đề tài  trong bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, được soi chiếu bằng góc nhìn đa chiều cùng tính khách quan và sự quan sát, ghi chép tỉ mỉ. Ngay phần thời sự, ‘’Indochine’’ duy trì một công thức mềm dẻo cho phép bạn đọc theo dõi đầy đủ tin tức mà không thiên về bên nào trong các sự kiện. Các bài viết này đã phản ánh góc nhìn của những người Pháp và trí thức Việt Nam Tây học về các vấn đề nổi bật trong đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ và tới nay, là một nguồn tài liệu hữu ích để các bạn đọc và nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu.

So với thế hệ trước đó, các tác giả người Pháp viết cho ‘’Indochine’’ là những người sống muộn hơn và lâu hơn ở Đông Dương vào lúc văn hóa quốc tế đã giao thoa nhiều hơn. Họ tự nhận mình là người Đông Dương (Indochinois), người Bắc kỳ (Tonkinois)..., thậm chí có người - như nhà khảo cổ Henri Parmentier, đã nhận Đông Dương là Tổ quốc thứ hai của mình. Điều đó cũng có nghĩa là - họ khá am hiểu nhiều vấn đề ở nơi họ sống và làm việc. Các bài viết đăng trên ‘’Indochine’’ đã cung cấp cho người dân Pháp và những người biết Pháp ngữ trên toàn cầu những thông tin về đất nước Việt Nam - một xứ sở còn nhiều bí ẩn với thế giới bên ngoài ở thời kỳ đó.

Trong tuần san ‘’Indochine’’, đề tài các bài viết được đề cập khá thú vị, giúp cho bạn đọc dễ hình dung được các đặc trưng và những diễn biến của xã hội Việt Nam trong một giai đoạn nhất định - khi được rong ruổi qua các vùng đất ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Sầm Sơn, Côn Lôn…; được tìm hiểu về cấu trúc hành chính ở cấp làng, về tinh thần Phật giáo, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tục đa thê, tục nhuộm răng đen, thuật phong thủy, việc xác nhận quyền sử dụng đất, việc thi tuyển quan võ, phép lịch sự trong ăn uống, về học tập và sáng tạo nghệ thuật…

Qua ấn phẩm này, bạn đọc có thể tiếp cận tới nhiều thông tin hấp dẫn, mà trước đó, các tư liệu đó chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt để phổ biến rộng rãi, mà chỉ nằm trong các trung tâm lưu trữ hoặc các thư viện, như các bài viết: ‘’Bắc kỳ 1876’’ (tác giả Trương Vĩnh Ký), ‘’Vấn đề trường học trong vùng người Thượng’’ (J.Rochet), ‘’Khu nhà lá ở Sài Gòn - Chợ Lớn” (Hérivaux), ‘’Đà Lạt’’ (P.Munier), ‘’Bảo tồn các công trình lịch sử ở Huế’’ (J.L Claeys), ‘’Hải quân và thương thuyền Đông Dương…’’ (X.), ‘’Đường sắt Vân Nam…’’ (Paul Renon), ‘’Tục nhuộm răng đen ở Đông Á và Đông Dương’’ (P.Huard), ‘’Tuần lễ giấy’’ (Paul Boudet), “Bia đá’’ (Dumontier), ‘’Vấn đề La tinh hóa các ngôn ngữ Đông Dương’’ (George Coedès)…

Những dấu ấn hấp dẫn

Một trong các bài viết thú vị là của I.G.P (Nha Ngư Nghiệp) về nghề làm nước mắm - thứ nước chấm ‘’có mùi riêng rất khó chịu. Thế nhưng một số người không ngần ngại dùng đũa nhúng một miếng thịt lợn quay vào thứ nước sánh nhè nhẹ có mùi buồn nôn đó…’’, được đặc tả qua những ghi chép kỹ càng, với góc nhìn khách quan và tôn trọng văn hóa ẩm thực của “xứ An Nam”. Bài viết cũng chỉ rõ tại Việt Nam có các trung tâm sản xuất nước mắm truyền thống hoạt động ở Phan Thiết, Mũi Né, Phan Rí, Phú Quốc, Cát Hải, Nam Ô, Nghệ An, Thanh Hóa… và cho hay ‘’Nước mắm là nước chấm giàu chất đạm thu được nhờ hỗn hợp gồm cá và muối sinh ra’’, đồng thời đưa ra một so sánh để người dân phương Tây dễ hiểu hơn về loại thực phẩm đặc biệt này, rằng là: ‘’Nước mắm thông dụng trong bếp núc An Nam như dầu, bơ, mỡ của người Pháp chúng ta’’.

Ở một nhánh đề tài khác, bài ‘’Hàng không Đông Dương” đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin khá hấp dẫn về sự hình thành hoạt động hàng không quân sự và dân sự, ngay từ khi người Pháp can thiệp vào Việt Nam - khởi thủy từ việc một khinh khí cầu được thả lên không trung ở Sài Gòn vào dịp Tết năm 1791, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng. Tiếp đó, là lần đầu tiên, một máy bay bay trên bầu trời Đông Dương vào ngày 10.12.1910, với điểm đến là Sài Gòn. Tiếp đến, ở cuối năm 1912, chuyến bay đầu tiên ở Bắc kỳ được tiến hành trên bầu trời Hải Phòng và Hà Nội.

Năm 1913, là thời gian bùng nổ hoạt động trình diễn hàng không - với các chuyến bay Sài Gòn - Phnom Penh, Hà Nội - Lạng Sơn, rồi tại Huế (với sự có mặt của Vua Duy Tân). Tháng 7.1917, đơn vị không quân đầu tiên tới Đông Dương và tháng 4.1918, Toàn quyền Đông Dương ký quyết định thành lập Cục Hàng không Dân dụng Đông Dương (trong đó, tại Bắc kỳ và Nam kỳ ở Việt Nam mỗi nơi có một phi đội). Tới tháng 7.1938, lần đầu tiên tại Đông Dương, hãng Air France đã thiết lập các đường bay nội địa dành cho công chúng, với việc sử dụng máy bay loại Dewointine, bay chặng Hà Nội - Sài Gòn khoảng 9 giờ đồng hồ.

Đây là một dấu ấn lớn trong lĩnh vực giao thông trên lãnh thổ Việt Nam, bởi trước đó, vào năm 1865, một quan chức đi từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng cáng (võng) phải mất tới 2 tháng. Tới 60 năm sau (1925), tàu biển chặng Sài Gòn - Hải Phòng (có ghé Đà Nẵng) dài 4 ngày, còn nếu đi tiếp tới Hà Nội phải thêm 4 giờ tàu lửa. Trở lại với phương tiện máy bay: Vào tháng 9.1939, Hàng không Pháp đã đưa vào khai thác chặng nối từ Pháp tới Sài Gòn và Hà Nội, dài 6 ngày. Tới năm 1943, bay từ Pháp tới Đông Dương phải quá cảnh tại 7 sân bay quốc tế trên thế giới…

***

Bìa cuốn sách ‘’Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944’’ 
Bìa cuốn sách ‘’Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944’’ 

‘’Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944’’ nằm trong ‘’Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt’’ của Công ty sách Omega Plus. Qua ấn phẩm này, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đất nước và con người Việt Nam đã đem tới cho người đọc một lượng kiến thức đa diện, hàm chứa cả những giá trị đã mất. Cuốn sách đã giúp bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, cơ hội thấy được chân dung Việt Nam của một giai đoạn lịch sử.

Cũng qua ấn phẩm này, dễ thấy những nỗ lực của việc tổ chức thực hiện tuần san ‘’Indochine’’. Những người Pháp ở thời kỳ đó đã biết vượt qua các vai trò đã được giao phó - là quan chức cai trị và khai thác tài nguyên thuộc địa, là các học giả, các nhà truyền giáo truyền bá những nét văn minh phương Tây, những tôn giáo mới…- để dụng công tìm hiểu, ghi chép, nghiên cứu mang tính khoa học và tập hợp được những tên tuổi người Việt cùng cộng tác, để tạo nên nguồn tư liệu có giá trị quốc tế về một vùng đất còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, nhiều nét đẹp độc đáo...

Có một điều tiếc ở cuốn sách này là không có bài nào đăng trong năm 1942. Lý do, theo dịch giả Lưu Đình Tuân, trong quá trình tìm tư liệu trong thư viện, không thấy có lưu trữ các số báo trong năm này. Sau đó, dù được nhà sử học Dương Trung Quốc có nhã ý mời tham khảo toàn bộ các số in trong năm 1942, nhưng lại không kịp tuyển chọn, bởi sách đã đưa đi nhà in.

Lê Quang Vinh

Vua chó mèo Bảo Sinh - một Bát Phố hiếm hoi của Hà Nội xưa

Vua chó mèo Bảo Sinh - một Bát Phố hiếm hoi của Hà Nội xưa

80 tuổi, sức sống và sự thâm trầm sâu cay đầy chất giễu nhại của Bảo Sinh vẫn thấm đẫm trong đời sống tinh thần của ông.