Vietnam Airlines dự kiến lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi ngày trong năm 2021, vì sao?

Vietnam Airlines dự kiến lỗ mỗi ngày hàng chục tỷ đồng trong năm 2021. Vấn đề dòng tiền suốt 10 năm qua chưa được cải thiện đã phải chịu thêm gánh nặng.

Tại Hội nghị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam vừa có dự báo tình hình kinh doanh không khả quan trong năm tới. Vietnam Airlines còn dự kiến sẽ lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.

Nợ luôn vượt vốn chủ sở hữu

Việc hãng hàng không quốc gia tiếp tục dự báo lỗ không phải là chuyện bất ngờ nếu nhìn vào tình hình tài chính của hãng những năm qua. Tuy trong 10 năm trở lại đây, Vietnam Airlines chưa từng báo lỗ (trừ năm 2020), nhưng việc hụt hơi về đà tăng trưởng là chuyện dễ nhận thấy trước.

Biên lợi nhuận gộp trong 10 năm qua nhìn chung luôn được hãng hàng không này duy trì ở mức 2 con số. Tuy vậy, so với mức 13,8% của năm 2010, thì biên lãi gộp năm 2019 chẳng những không được cải thiện mà còn giảm xuống 11,2%. Tính riêng giai đoạn 2016-2019, biên lợi nhuận gộp của hãng liên tục tuột dốc.

Tuy vẫn báo lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng nhịp điệu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines không thật sự khả quan. Từ mức lãi ròng tăng 67,7% so với năm trước ở năm 2010, hãng hàng không quốc gia sụt giảm lợi nhuận liên tiếp trong 2 năm liền kề, lần lượt giảm 70,4% và 40,8%.

Vừa đạt đỉnh tăng trưởng 338,5% trong năm 2016, liên tiếp những năm sau đó, lợi nhuận sau thuế đã hạ nhiệt, thậm chí suy giảm mà không cần đến yếu tố COVID-19. Năm 2018 và năm 2019, lãi ròng đồng mức giảm 2,3% so với lợi nhuận của năm liền trước.

Trong khi lợi nhuận được duy trì không ổn định, suốt 10 năm qua, Vietnam Airlines luôn là doanh nghiệp có tổng nợ phải trả luôn vượt vốn chủ sở hữu. Ngay năm 2010, tỷ lệ nợ/vốn của hãng này đã là 3,7 lần. Tỷ lệ này tăng liên tục dần lên đỉnh điểm nợ vượt vốn đến 6,3 lần vào năm 2015. Con số này liên tục biến động trong những năm gần đây. Tuy đến năm 2019, tỷ lệ nợ/vốn đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức đáng lưu ý, khoảng 3,1 lần.

Tổng nợ phải trả luôn vượt vốn, trong đó, nợ vay tài chính luôn chiếm tỷ trọng cao đối với Vietnam Airlines. Tốc độ tăng nợ vay trong giai đoạn 2010-2015 thường xuyên ghi nhận ở mức 2 con số. Điểm sáng đáng mong đợi cho Vietnam Airlines là từ năm 2016-2019, nợ vay  tài chính đã giảm tốc, năm gần nhất giảm 17%. Tuy vậy, tổng nợ vay tài chính vẫn ghi nhận ở mức gần 32.000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 55% tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines.

Lỗ 9 tháng xóa sạch lợi nhuận 5 năm

Trước tình hình đó, Vietnam Airlines bước sang năm 2020 với cú sốc mang tên COVID-19. Theo báo cáo tài chính mới nhất, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ trong quý III/2020 giảm 66,33% so với quý III/2019, giảm hơn 12.713 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh tới 12.536 tỷ đồng (giảm 67,2%). Dù đã được cất cánh trở lại nhưng doanh thu khách nội địa vẫn giảm 34,8% so với cùng kỳ. Doanh thu khách quốc tế tiếp tục giảm đến 95,4%. Doanh thu thuê chuyến giảm 53,2%.

Mức giảm doanh thu của Vietnam Airlines mạnh hơn mức giảm của chi phí (46,4%) dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 602% ở công ty mẹ.

Về mức phục hồi so với quý trước, mảng vận tải hành khách, hành lý của công ty mẹ Vietnam Airlines thu về 4.481 tỷ đồng trong quý III/2020. Số tiền này đã tăng 1.743 tỷ đồng so với quý II/2020.

Mảng vận tải hành khách có giá vốn cao nhưng giá vé lại thấp. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Mảng vận tải hành khách có giá vốn cao nhưng giá vé lại thấp. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Còn doanh thu vận tải hàng không hợp nhất trong quý là 6.011 tỷ đồng, tăng 1.092 tỷ đồng so với quý liền trước. Tuy nhiên, doanh thu vận tải hàng không trong quý này đóng góp 79% tổng doanh thu, trong khi ở quý trước, con số này lên tới 82%.

Tính chung tổng doanh thu hợp nhất Vietnam Airlines, gồm 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO cùng các công ty con trong lĩnh vực phụ trợ, thì con số được ghi nhận trong quý III/2020 là 7.602 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.

Với doanh thu quá thấp, giá vốn bán hàng vượt doanh thu tới 42% nên hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ gộp 3.200 tỷ đồng. Trừ đi chi phí thường xuyên, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines âm 3.997 tỷ đồng. Mức lỗ này không được cải thiện gì đáng kể so với khoản lỗ quý lI (4.031 tỷ đồng) dù doanh thu hồi phục hơn 1.600 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines có được 32.411 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 57% so với cùng kỳ) và lỗ tới 10.676 tỷ đồng (giảm 525%). Khoản lỗ trên “cuốn phăng” tổng lợi nhuận của Vietnam Airlines 5 năm trước (từ năm 2015 đến năm 2019, hãng này lãi luỹ kế 10.380 tỷ đồng).

Dự kiến lỗ hàng chục tỷ mỗi ngày

Theo ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, dự báo cho thấy hãng hàng không quốc gia sẽ chưa thể phục hồi đến hết tháng 10/2021. Đồng thời, ông Quang lo ngại: "Năm 2021 sẽ tiếp tục khó khăn khi thị trường quốc tế chưa phục hồi, trong khi doanh thu thị trường quốc tế là chủ yếu đối với Vietnam Airlines”.

Hãng hàng không này xác định, nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi được thì bản thân hãng bay này vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Dự báo trong năm 2021, Vietnam Airlines vẫn lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi ngày, mức lỗ sẽ ngang năm 2020. Nguyên nhân là do thị trường nội địa có phục hồi nhưng giá vé vẫn thấp quá, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2019 do các hãng đều dồn cả vào thị trường nội địa, giá cạnh tranh nhau từng đồng.

Trước tình hình đó, ông Quang đã đề nghị Uỷ ban quản lý vốn hỗ trợ việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, sớm có phương án tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines để xử lý vấn đề dòng tiền đang rất khó khăn.

Năm tới, Vietnam Airlines vẫn dự kiến lỗ chẳng kém năm nay. Ảnh: Getty
Năm tới, Vietnam Airlines vẫn dự kiến lỗ chẳng kém năm nay. Ảnh: Getty

Thời gian trước, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán của Vietnam Airlines đã chia sẻ với báo chí, vấn đề của hãng là phải giải quyết bài toán thanh khoản và duy trì dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp. Hồi giữa năm, Vietnam Airlines từng báo cáo nếu không được Chính phủ hỗ trợ, hãng này có nguy cơ hết tiền vào tháng 8. Hãng này cũng kiến nghị được hỗ trợ 12.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi 0%.

Hiện nay, theo ông Quang, các hãng hàng không trên thế giới nếu không có tài trợ từ Chính phủ thì đều đệ đơn phá sản. Vietnam Airlines kỳ vọng chủ trương hỗ trợ nhanh chóng được thực hiện. Cùng với đó, hãng hàng không quốc gia cũng đề nghị Bộ Giao thống Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam sớm có đánh giá tổng thể ngành hàng không hiện nay để có những quyết sách giúp ngành này có đủ năng lực cạnh tranh với các hãng trên giới. Riêng Vietnam Airlines kiến nghị có giá trần, giảm khoản phí liên quan đến hoạt động ngành hàng không,…

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương