Lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 của Vinhomes tăng 8% so với cùng kỳ

Dù doanh thu tăng hơn 2,5 lần nhưng lãi ròng của Vinhomes trong quý II/2020 lại chưa bằng một nửa so với quý trước đó.

Công ty Cổ phần Vinhomes vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt đầu phục hồi nhưng cũng khó tránh khỏi xu hướng suy giảm trong tình hình kinh doanh của ngành bất động sản nói chung so với giai đoạn trước dịch.

Lợi nhuận giảm một nửa so với quý trước

Báo cáo tài chính quý II/2020 ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinhomes đạt 16.377 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với quý I/2020, nhưng lại giảm gần 21,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Về cơ cấu doanh thu, Vinhomes vẫn “kiếm cơm” chủ yếu từ chuyển nhượng bất động sản. Nhóm doanh thu này đem về 15.608 tỷ đồng, chiếm hơn 95% tổng doanh thu. Trong quý II/2020, tại thị trường phía Bắc, Vinhomes đã mở bán thành công nhiều tòa căn hộ tại Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại thị trường phía Nam, Công ty đã chính thức ra mắt phân khu thấp tầng liên hoàn The Manhattan và The Manhattan Glory tại dự án đại đô thị Vinhomes Grand Park (quận 9, TP.HCM).

Vinhomes Grand Park đã rầm rộ bàn giao vào quý II/2020. Ảnh: Ricons
Vinhomes Grand Park đã rầm rộ bàn giao vào quý II/2020. Ảnh: Ricons

Giá vốn bán hàng được Vinhomes giữ ở mức khá tốt. Tỷ lệ giá vốn/doanh thu chỉ khoảng 6/10. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này ở mức 39,4% nhưng con số này lại giảm so với quý liền trước và cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của Vinhomes vơi đi một nửa so với cùng kỳ và hụt đến 8,5 lần so với quý vừa rồi. Nguyên nhân là do công ty này đã không còn khoản lợi nhuận 7.509 tỷ đồng từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con.

Ở kỳ báo cáo tài, Vinhomes ghi nhận mức tăng đáng kể về chi phí tài chính. Chi phí này 100% đến từ lãi vay và phát hành trái phiếu với hơn 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng của đơn vị này cũng tăng đáng kể, tốn hơn 580 tỷ đồng. Phần lớn khoản này đến từ chi phí hoa hồng môi giới và quảng cáo, tiếp thị. Điều này dễ hiểu khi giai đoạn vừa rồi, Vinhomes đẩy mạnh bán căn hộ rầm rộ tại hai thành phố lớn.

Tổng lại, công ty này có lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.800 tỷ đồng trong quý II/2020. Con số này chưa bằng một nửa của quý trước và quý II/2019.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Vinhomes đạt 22.896 tỷ đồng doanh thu và 11.445 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chưa hoàn thành nổi 1/4 chỉ tiêu về doanh thu và chỉ mới hơn 1/3 chỉ tiêu về lợi nhuận.

Vướng nợ hơn 28.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Về tình hình tài chính, quý II/2020 vừa qua chứng kiến nhiều biến động của doanh nghiệp này. Vốn chủ sở hữu của Vinhomes vào cuối tháng 6/2020 đã tăng gần 12.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn cổ phần đã phát hành chiếm 44%. Hồi giữa tháng 6/2020, nhóm nhà đầu tư KKR, Temasek đã chi 650 triệu USD (hơn 15.000 tỷ đồng) để mua 6% cổ phần của Vinhomes.

Trong kỳ báo cáo lần này, nợ phải trả của Vinhomes tăng đến gần 20.000 tỷ đồng so với quý trước. Tổng nợ phải trả đang là 149.424 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu. Công ty này gặp áp lực tài chính không nhỏ khi nợ ngắn hạn chiếm tới gần 84% tổng nợ.

Trong 6 tháng đầu năm qua, Vinhomes liên tục huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Luỹ kế đến cuối quý II/2020, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã phát hành 12.000 tỷ đồng trái phiếu.

Trong đó, vay và nợ nói chung đang là 41.381 tỷ đồng. Tỷ lệ vay và nợ ngắn hạn khá đồng đều với vay và nợ dài hạn. Vinhomes chủ yếu vướng vào trái phiếu với tổng vay, nợ từ phát hành trái phiếu lên tới gần 28.100 tỷ đồng, chiếm đến 68% tổng vay, nợ.

“Chủ nợ” lớn nhất của Vinhomes vẫn là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Ngân hàng này đang cho Vinhomes vay hơn 5.071 tỷ đồng với lãi suất lên đến 10%. Trong đó, 3.700 tỷ đồng đang trong kỳ hạn trả gốc, hạn chót là vào tháng 8/2020.

Khoản vay trên có tài sản đảm bảo là quyền phát triển dự án, khoản phải thu, số dư tài khoản của một dự án bất động sản và các tài sản đảm bảo khác. Tuy nhiên Vinhomes không thuyết minh rõ đó là dự án nào.

Ngoài ra, công ty này vừa mới vay thêm hơn 900 tỷ đồng từ Vietcombank, hơn 400 tỷ đồng từ MBBank và hơn 280 tỷ đồng từ VPBank. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo và đều có kỳ hạn trả gốc vào đầu năm sau.

Tuy nhiên, Vinhomes vẫn còn một lượng tiền và các khoản tương đương không hề nhỏ. Chỗ dựa này lên tới 12.076 tỷ đồng. Công ty này đang có 286 tỷ đồng gửi ngân hàng vào cuối tháng 6/2020 với lãi suất cao nhất 6,5 %/năm. Ngoài ra, Vinhomes còn có 214 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu.

Khu lấn biển Cần Giờ đã ngốn gần 30.000 tỷ đồng

Đến cuối quý II/2020, Vinhomes có lượng hàng tồn kho lên đến 61.540 tỷ đồng, chủ yếu đến từ bất động sản để bán đang xây dựng. Nhóm này chiếm 92,5% tổng giá trị hàng tồn kho, chủ yếu bao gồm chi phí xây dựng và phát triển các hạng mục căn hộ, biệt thự, văn phòng để bán.

Các hạng mục trên thuộc các dự án như Vinhomes Grand Park (quận 9, TP.HCM), Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội), Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Vinhomes West Point (Từ Liêm, Hà Nội), Vinhomes Metropolis (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Vinhomes Marina (Lê Chân, Hải Phòng) và Vinhomes Symphony (Long Biên, Hà Nội).

Đến cuối tháng 6/2020, Vinhomes ghi nhận 29.923 tỷ đồng chi phí xây dựng dang dở. Trong đó, dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ ngốn tới 12.470 tỷ đồng, chiếm hơn 4/5 tổng chi phí xây dựng dang dở. Ngoài ra, đơn vị này còn đang rót 4.098 tỷ đồng xây dựng cho dự án Khu đô thị Hóc Môn và 3.439 tỷ đồng cho dự án Hưng Yên.

Ngoài ra, công ty này cũng đã nhận được quyết định giao đất một phần dự án Khu công nghiệp phụ trợ mở rộng ở Hải Phòng và đang tiến hành các thủ tục cần thiết với các dự án khác để sớm đưa một số khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đã từng được Ban lãnh đạo Vinhomes đưa ra tại ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 5. Theo đó, công ty sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng trong vòng 1-2 năm tới để phát triển mảng trên tại các địa phương có lợi thế về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, mảng văn phòng cũng sẽ được tận dụng cho thuê bên trong các khu đô thị Vinhomes. Dự kiến, trong tương lai, doanh thu từ mảng này sẽ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của Vinhomes.

Trong 225.578 tỷ đồng tổng tài sản của Vinhomes đến cuối tháng 6, có đến hơn 10.000 tỷ đồng đặt cọc cho Vingroup và 5.900 tỷ đồng đặt cọc cho VinFast. Chưa rõ khoản cọc 10.000 tỷ đồng trên có liên quan gì đến Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh hay không.

Hồi giữa tháng 7, Vinhomes lấy ý kiến cổ đông về việc lập liên doanh với Tập đoàn Vingroup để phát triển khu đô thị phức hợp lên đến 4.109,64 ha tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

Tổng mức đầu tư dự kiến là 232.369 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD. Trong đó, Vinhomes đứng ra góp tối thiếu 70% vốn góp của nhà đầu tư, tức hơn 24.398 tỷ đồng, bằng tiền mặt.

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) ban đầu được công bố vào năm 2000, với quy mô 600 ha, được quản lý bởi Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (Cangio Tourist City). Sau khi mua 97% cổ phần của Cangio Tourist City trong năm 2016, Vingroup đã đề xuất mở rộng dự án lên 2.870 ha và giao cho “con cưng” Vinhomes của mình tham gia phát triển.

Phối cảnh dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ.
Phối cảnh dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ.

Trước khi dự án được khởi công, các chuyên gia lưu ý rằng việc cải tạo đất trên diện rộng sẽ có tác động môi trường sâu sắc đến TP.HCM cũng như Đồng bằng sông Cửu Long. Sau bao nghiên cứu và quy hoạch, “đèn xanh” đã được bật với tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào tháng 8 năm ngoái. Thủ tướng Chính phú cam kết “không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế”.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một khu đô thị phức hợp du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn… Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2031.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương