Vụ cún cưng của Châu Bùi gặp nạn: Quy trình gửi động vật đi máy bay thực hiện như thế nào?

Mới đây, vụ việc chú cún cưng của Châu Bùi gặp nạn khi di chuyển bằng máy bay đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Vào cuối ngày 27 Tết, Châu Bùi đã nghẹn ngào chia sẻ câu chuyện đầy đau lòng của mình khi bé cún cưng tên Bí của mình bị tai nạn ngay trên chuyến bay về quê ăn Tết. Được biết, đây là lần đầu nữ nghệ sĩ mang cún cưng về Hà Nội do thời gian nghỉ Tết khá dài. Thậm chí, cô còn đổi chuyến bay cho cún cưng của mình ra trước vì muốn chọn máy bay lớn nhất, hy vọng được rộng rãi hơn.

Vụ cún cưng của Châu Bùi gặp nạn: Quy trình gửi động vật đi máy bay thực hiện như thế nào?

Nữ nghệ sĩ đã chia sẻ trên story của mình: 

"Bí gặp tai nạn lúc vận chuyển từ máy bay, khi các cô chú đưa xuống kho hàng, do sơ xuất mà để hàng tấn hàng khác đè vỡ chuồng và đè vào người con. Hạ cánh mẹ háo hức đi đón con, mà đến nơi mẹ lặng người."

Thú cưng cần những điều kiện nào để được vận chuyển bằng máy bay?

Hiện nay, việc vận chuyển thú cưng bằng máy bay là nhu cầu của khá nhiều khách hàng dù là di chuyển nội địa hoặc xuyên quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, đối với các đường bay nội địa hay quốc tế, vẫn chỉ có một số hãng nhận vận chuyển chó mèo. Bên cạnh đó, cũng có các quy định rất cụ thể về kích thước của thú cưng, lồng cũng như cả hạng vé của chủ nhân. 

Ví dụ một hãng hàng không tại Việt Nam đã có những quy định vận chuyển thú cảnh bằng máy bay trên cabin chỉ khi vật nuôi có độ tuổi khoảng 10 tuần tuổi, sức khỏe tốt, thân thiện với con người, không có mùi khó chịu, không thuộc loại chó dữ, không ảnh hưởng đến nhân viên cũng như hành lý khác, không ảnh hưởng đến những nhân viên phục vụ, động vật và hành lý khác cũng như không mang thai. 

Cùng với đó, cả thời gian cho ăn uống của động vật cảnh cũng có thể được quy định rất rõ ràng như phải được cho ăn trước khi khởi hành ít nhất 4 đến 6 tiếng và không cho động vật cảnh uống thuốc an thần hay bất cứ loại thuốc nào khác trước khi khởi hành. 

Ngoài ra, những điều kiện về lồng vận chuyển cũng được quy định rất rõ ràng như:

- Lồng vận chuyển phải phù hợp kích thước, đủ rộng để động vật cảnh có thể vận động một cách tự nhiên. Lồng được làm từ các vật liệu chắc chắn, thành lồng thông thoáng, thiết kế trơn nhẵn, có thanh chắn đảm bảo quan sát từ bên ngoài vào nhưng không để động vật thoát ra ngoài.

- Cửa lồng thiết kế một bên, có khóa bảo vệ và đảm bảo chắc chắn trong quá trình vận chuyển. Đáy lồng làm bằng vật liệ cứng, kín, tránh hơi lạnh và không thấm nước. Lồng vận chuyển cũng phải có dụng cụ đựng nước, thức ăn gắn chặt vào lồng để động vật có thể sử dụng. Hành khách phải chuẩn bị nước và thức ăn nếu tổng thời gian hành trình trên 12 tiếng nhưng nước không được để quá đầy để không bị tràn ra ngoài...

Vụ cún cưng của Châu Bùi gặp nạn: Quy trình gửi động vật đi máy bay thực hiện như thế nào?

Bên cạnh đó, với một số hãng bay, dịch vụ này cũng chỉ áp dụng cho những khách hàng thuộc hạng thương gia, có thẻ hội viên hạng bạch kim. Riêng đối với những khách hàng không thuộc nhóm trên thì vận chuyển thú cưng bằng máy bay nội địa sẽ theo hình thức ký gửi.

Với những đường bay quốc tế, một số hãng có quy định về việc vận chuyển thú cưng như tùy thuộc vào độ dài hành trình bay, điểm đến với yêu cầu thủ tục khác nhau. Chính vì vậy, nếu có nhu cầu gửi thú cưng, cần liên hệ trực tiếp các hãng để nắm được thông tin cụ thể.

Các bước vận chuyển thú cưng bằng máy bay

Để gửi thú cưng bằng máy bay an toàn, thuận tiện nhất, hành khách cần chuẩn bị trước một số thủ tục cần thiết bao gồm giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp bởi cục thú y nơi cư trú, giấy phép xuất cảnh, nhập cảnh hoặc quá cảnh, sổ tiêm phòng. 

Các bước vận chuyển thú cưng bằng máy bay như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị lồng nhốt thú cưng có thiết kế chống thấm nước. Đối với các hành trình dài, nên chuẩn bị đồ ăn, nước uống cho thú cưng của mình. 
  • Bước 2: Khách hàng đặt vé máy bay như thường lệ nhưng cần mua thêm hành lý ký gửi. Nên lưu ý "Giấy chứng nhận sức khỏe" của thú cưng chỉ có giá trị trong 24h để tránh trường hợp không đủ điều kiện áp dụng. 
  • Bước 3: Nhập thông tin đầy đủ theo yêu cầu của hãng bay và chờ xác nhận của hãng.
  • Bước 4: Mang thú cưng và đồ dùng cần thiết đến sớm để làm các thủ tục ký gửi. 
  • Bước 5: Nhận thú cưng tại khu vực nhận hàng ký gửi sau khi chuyến bay kết thúc. 

Hãng bay có chịu trách nhiệm nếu nếu vật nuôi gặp nạn trên máy bay?

Với việc mang vật nuôi lên máy bay, khách hàng phải chấp nhận mọi rủi ro và chuẩn bị tâm lý trước, kể cả đối với việc thương tật hay tử vong của thú cưng trong quá trình vận chuyển. Điều đó đồng nghĩa với việc các hãng hàng không sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm gì nếu có vấn đề xảy ra.

Vụ cún cưng của Châu Bùi gặp nạn: Quy trình gửi động vật đi máy bay thực hiện như thế nào?

Theo thông báo của một hãng bay, nhiệt độ thời tiết khắc nghiệt trong quá trình vận chuyển đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật cảnh. Vì vậy, trong một số trường hợp thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh trong hành trình bay, hành khách sẽ không được mang theo động vật cảnh của mình.

Cơ trưởng cũng có quyền quyết định chuyển động vật cảnh xuống hầm hàng trong trường hợp động vật cảnh gây ảnh hưởng đến hành khách hoặc tổ bay. Hành khách sẽ được thông báo trước về quyết định này và chịu hoàn toàn rủi ro về khả năng động vật cảnh bị thương, ốm hoặc chết trong quá trình vận chuyển, ngay cả trong trường hợp chuyển động vật cảnh từ khoang hành khách xuống hầm hàng theo đường hành lý ký gửi do quyết định của cơ trưởng.

PV

Nỗi niềm “con sen': Mỗi tháng tốn gần 5 triệu nuôi chó mèo, lỡ bị bệnh thì hết luôn 2 triệu/ tuần

Nỗi niềm “con sen": Mỗi tháng tốn gần 5 triệu nuôi chó mèo, lỡ bị bệnh thì hết luôn 2 triệu/ tuần

Trước khi quyết định nuôi thú cưng, bạn cần chắc chắn rằng bản thân sẵn sàng trên khía cạnh tài chính.