WHO đưa vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech vào danh mục tình huống khẩn cấp

WHO cũng sẽ hỗ trợ các nước đánh giá tính hiệu quả, khả thi của kế hoạch phân phối vắc xin ở mỗi nước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định đưa vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech vào danh mục vắc xin được dùng trong tình huống khẩn cấp.

Tiến sĩ Mariângela Simão - trợ lý tổng giám đốc WHO, phụ trách chương trình tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cho biết: "Đây là bước rất tích cực tiến tới việc đảm bảo cho cơ hội tiếp cận vắc xin COVID-19 của toàn thế giới".

WHO đưa vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech vào danh mục tình huống khẩn cấp

Ngày 5-1-2021, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO sẽ xây dựng những chính sách về vắc xin cũng như các khuyến nghị cụ thể của WHO về việc sử dụng sản phẩm này cho người dân. WHO cũng sẽ hỗ trợ các nước đánh giá tính hiệu quả, khả thi của kế hoạch phân phối vắc xin ở mỗi nước.

Quyết định trên của WHO cho thấy ý nghĩa lớn trong việc tăng tốc triển khai quy mô tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới. WHO sẽ phối hợp với những đối tác khu vực để mau chóng thông báo tới cơ quan quản lý y tế các nước về vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech cũng như các tác dụng đã được chứng minh của nó.

Ngoài ra WHO lập ra quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (viết tắt là EUL), nhằm giúp các nước nghèo không có đủ nguồn lực cần thiết để tiến hành thẩm định độc lập có thể nhanh chóng phê chuẩn các loại thuốc cho những bệnh mới phát sinh.

Quá trình thẩm định độc lập do cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc thực hiện đã cho thấy vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech đáp ứng được các tiêu chuẩn bắt buộc về độ an toàn và những hiệu quả của nó nhiều hơn so với các nguy cơ có thể có. Đồng thời tạo điều kiện để các nước đẩy nhanh quy trình phê chuẩn và nhập khẩu, tiêm vắc xin cho người dân. Đây cũng là cơ sở để Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ mua vắc xin COVID-19 phân phối tới những nước đang rất cần chúng.

WHO cùng với Liên minh vắcxin GAVI và Liên minh các sáng kiến sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) đang chủ trì thúc đẩy sáng kiến gọi tắt là COVAX, nhằm mua và phân phối vắc xin COVID-19 tới các nước nghèo thay vì chỉ chủ yếu dành cho các nước giàu như hiện nay.

Theo Channel News Asia, liên minh này đã đạt được những thỏa thuận mua gần 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 và những lô hàng đầu tiên sẽ được phân phối trong đầu năm 2021. Do những đòi hỏi khắt khe về điều kiện bảo quản vắc xin của Pfizer và BioNTech (trong đó có việc phải trữ lạnh ở nhiệt độ -700C), việc phân phối vắc xin đang gặp nhiều thách thức. 

"Chúng tôi khuyến khích có nhiều nhà phát triển vắc xin hơn nữa tới đề nghị WHO xem xét, đánh giá. Việc có được nguồn cung vắc xin thiết yếu để phục vụ nhu cầu mọi quốc gia trên thế giới và chấm dứt đại dịch là điều vô cùng quan trọng" - bà Mariângela Simão, trợ lý tổng giám đốc WHO, phụ trách chương trình tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc, nói.

Thanh Mai

Nữ nhân viên y tế 'dởm'  lừa nhiều người tiêm vắc xin COVID-19 giả

Nữ nhân viên y tế "dởm" lừa nhiều người tiêm vắc xin COVID-19 giả

Thời điểm dịch bùng phát, người này cũng tự pha chế và giới thiệu có vắc xin ngừa COVID-19 mới nhập từ nước ngoài về Việt Nam.