Xây dựng nguồn cung ổn định, Khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp để kéo giá nhà về giá trị thực

Bộ Xây dựng cũng đang sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng có định hướng phát triển các căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2 với một số giải pháp dự kiến đã trình chính phủ.

Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án).

Bên cạnh đó, được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; trường hợp chủ đầu tư dự án đã có quyền sử dụng đất (đã trả tiền sử dụng đất theo quy định) thì sẽ được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng (02 năm) kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn khác ngoài ngân sách); Trường hợp dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng (có hiệu lực ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua).

việc huy động vốn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định tại Điều 69 Luật Nhà ở 2014 (gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền cho thuê, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam). Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Đây là những giải pháp căn bản để tăng nguồn cung về nhà ở trong thời gian tới, đồng thời làm giảm giá nhà, góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường.

Từ khi thị trường bất động sản (BĐS) vào chu kỳ hồi phục từ cuối năm 2013 đầu 2014 đến nay, giá BĐS ở các phân khúc đã tăng khoảng gấp đôi. Nhưng thu nhập của người dân tăng không theo kịp. Nhiều biện pháp đã được Chính phủ, bộ ngành và địa phương đưa ra nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ ban hành hàng loạt ưu đãi.

Với nhà ở thương mại thông thường, giá 30-45 triệu đồng/m2 thì hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhưng giải pháp vẫn là tăng cung. Thứ hai là tăng cường minh bạch thông tin, nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với người mua có nhu cầu, tránh qua các đối tượng đầu cơ, môi giới, trung gian BĐS.

ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý III/2020, thị trường bất động sản có sự phục hồi đáng kể, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới tăng so với các quý trước.

Tại Hà Nội, 9 tháng đầu năm có 7.989 sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán ra thị trường. Trong đó, các căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt. Lượng cung căn hộ cao cấp mới tung ra thị trường cũng rất hạn chế, bởi tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này đang ở mức rất thấp khoảng 10%. Lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm căn hộ mới chào bán giảm mạnh, lượng giao dịch chỉ đạt 15,7% so 2 quý trước đó.

"Giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Nhiều dự án có nhu cầu thu hồi vốn đưa ra các giải pháp khuyến mại, hỗ trợ tiền vay, nhưng giá hầu như không biến động nhiều ở cả 3 phân khúc", ông Đính nói.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa qua cũng kiến nghị các giải pháp kéo giảm giá nhà ở trong bối cảnh liên tục tăng cao trong nửa thập niên qua, bao gồm: Bỏ thu tiền sử đụng đất thay bằng sắc thuế; Giảm thu tiền bảo vệ đất lúa; Chuẩn hóa quy trình 4 bước đầu tư dự án; Hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội; Phát triển đề án nhà thương mại giá thấp; Tạo môi trường kinh doanh minh bạch; Ứng dụng công nghệ vào xây dựng, quản lý dự án.

Phải thừa nhận giá bất động sản thời gian qua tăng quá nhanh khiến cho đại đa số người trẻ và người làm công ăn lương ngày càng khó sở hữu nhà, dù đó là nhu cầu chính đáng và cấp thiết của họ.

Một căn hộ giá 1,5 tỉ năm 2019 nay đã tăng lên 2 tỉ đồng, mức tăng 33% trong khi lương trung bình tăng tốt lắm cũng chỉ 10% thì làm sao người lao động có thể mua được nhà với giá cả như hiện nay.

Kiên Cương

( Tổng Hợp)