Ngày 26/11, tại chung cư Goldmart City, 138 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội xảy ra vụ việc bé H. 11 tuổi ngã từ tầng 39 xuống đất thiệt mạng. Hình ảnh người cha vật vã khóc ngất khi chứng kiến sự ra đi của cô con gái mới 11 tuổi khiến nhiều người không cầm được lòng. Trên thực tế, người lớn chúng ta nhiều lần không kiềm chế được, đã cãi nhau, thậm chí dùng bạo lực với nhau trước mặt những đứa trẻ.
Hình ảnh cha mẹ cãi vã với những câu nói thậm tệ sẽ in đậm mãi trong ký ức của đứa trẻ. |
Tuy trong đa số trường hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến con từ sự tranh luận (ở mức độ nhẹ) giữa bố mẹ được coi là nhỏ, nhưng khi bố mẹ mất bình tĩnh, bắt đầu cãi vã hoặc chiến tranh lạnh lâu ngày, thì sự tác động tiêu cực đến con sẽ tăng cao.
Trên thế giới có rất nhiều chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Họ nhận thấy rằng dù là một em bé 6 tháng tuổi, thì khi bố mẹ cãi vã lớn tiếng bên cạnh, nhịp tim của trẻ cũng sẽ tăng lên, hormone căng thẳng trong cơ thể cũng bắt đầu tiết ra.
Bố mẹ thường xuyên tranh cãi, theo độ tuổi khác nhau của trẻ cũng sẽ tạo nên những sự tác động không giống nhau:
- Đối với trẻ sơ sinh, điều này có thể sẽ khiến các bé gặp khó khăn về giấc ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển não thời kỳ đầu.
- Đối với trẻ tiểu học, điều này sẽ khiến các bé cảm thấy chán nản uất ức, từ đó ảnh hưởng đến việc học của các em.
- Đối với những bé lớn hơn một chút, điều này có thể sẽ dẫn đến việc trẻ tự làm hại chính mình.
Những người nghiên cứu phát hiện thấy, thật ra trẻ 2 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã rất nhạy cảm khi quan sát bố mẹ cãi nhau, sau đó, dựa vào những kinh nghiệm trước đó, các em sẽ phán đoán xem việc tranh cãi này có tăng lên hay không, có ảnh hưởng đến mình, sự ổn định của gia đình mình và mối quan hệ giữa mình và bố mẹ hay không.
Bố mẹ thường xuyên tranh cãi, tùy theo độ tuổi của trẻ sẽ tạo nên những sự tác động khác nhau. |
Đồng thời, bé trai và bé gái sẽ có những phản ứng khác nhau khi bố mẹ tranh cãi, bé gái có thể sẽ gặp trở ngại về tình cảm nhiều hơn, còn bé trai có khả năng sẽ gặp vấn đề về hành vi. Cụ thể, các ảnh hưởng tiêu cực mà trẻ phải trải qua khi chứng kiến bố mẹ thường xuyên cãi vã như sau:
Con lo lắng, muộn phiền
Hầu hết các con đều cảm thấy sợ hãi, lo lắng rồi dần trở nên chán chường, bế tắc mỗi khi thấy bố mẹ cãi nhau. Trong cuộc sống hôn nhân, các cặp vợ chồng thường không tránh khỏi những bất đồng, cãi vã nhưng nếu không biết kiềm chế, quát mắng, đập phá đồ đạc hay tệ hơn là đánh nhau trước mặt con, con sẽ gánh chịu “sự tra tấn” ấy từ hiện thực đến tâm hồn.
Những đứa con có bố mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ buồn hơn, chán đời hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều.
Cảm thấy cô đơn, tự kỷ
Không còn là tổ ấm với những yêu thương, chăm sóc nên những đứa con phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau trước mặt mình dường như không còn cảm thấy an toàn, yên tâm trong chính căn nhà của con.
Do đó, bố mẹ càng xảy ra nhiều trận cãi vã thì con sẽ càng đến gần bờ vực cô đơn, lạc lõng, tự chìm đắm trong cảm giác dư thừa, vô dụng, tự đổ lỗi cho bản thân. Lâu dần, những suy nghĩ tiêu cực này sẽ đẩy con rơi vào trạng thái trầm cảm, tự kỷ, sợ hãi giao tiếp với mọi người.
Bố mẹ hay cãi vã thì con sẽ càng đến gần bờ vực cô đơn, lạc lõng, thậm chí tự kỷ. |
Trở nên hung hăng, bạo lực
Đa số bố mẹ nghĩ rằng con còn nhỏ, không để ý gì đến chuyện cãi nhau của mình nhưng trên thực tế, con rất nhạy cảm và bắt chước theo hành động của người lớn một cách vô thức hoặc có chủ ý.
Có thể nói, mọi hành động mà bố mẹ gây ra trong quá trình xung đột, nhất là bạo lực gia đình sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong đầu con. Từ đó con trở nên hung hăng, nóng nảy và ưa bạo lực. Đây là xu hướng phát triển lệch lạc nhưng nếu bố mẹ không nhận biết sớm để sửa sai, chỉnh đốn cùng con thì một ngày nào đó, bố mẹ sẽ nhìn thấy con đánh nhau, phá nát đồ đạc khi tức giận y như mình.
Mất tự tin
Lời nói, cách cư xử tệ hại của bố mẹ cãi nhau trước mặt con luôn là rào cản khiến con không tự tin khi đối diện với bạn bè, ngại tiếp xúc với các mối quan hệ, thậm chí trở nên bài xích hôn nhân. Con so sánh với các bạn và thấy cuộc sống của mình thua kém. Con muốn giống bạn nhưng chẳng biết làm thế nào, chỉ có thể co mình vào vỏ ốc, né tránh mọi người xung quanh.
Muốn tự tử kết thúc đời mình
Mâu thuẫn nặng nề chồng chất của bố mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất, thành tích học hành lẫn cảm xúc, kĩ năng, sức khỏe tâm lý của con.
Khi chịu đựng đến ngưỡng giới hạn, con sẽ bế tắc, quẫn trí, muốn tìm đến cái chết để mong muốn được giải thoát hoặc giúp bố mẹ thức tỉnh, chấm dứt xung đột. Đây là bước đường cùng của con và cũng là hệ lụy đau lòng nhất của việc bố mẹ cãi nhau trước mặt con.
Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần, học tập, nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ trong tương lai của con. Hình ảnh cha mẹ cãi vã với những câu nói thậm tệ sẽ in đậm mãi trong ký ức của đứa trẻ. Vì vậy, xin các bậc phụ huynh khi sắp xảy ra trận cãi vã, hãy một lần nghĩ tới các con mình!
10 câu nói khôn ngoan khi cãi nhau với chồng
Cãi nhau là một nghệ thuật. Chị em hãy thử áp dụng những câu nói biến “chiến tranh” thành “liều thuốc” cải thiện mối quan hệ dưới đây nhé!