Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc triển khai cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở vào thứ hai đầu tuần, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị này đang tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận về việc này.
Nam cán bộ, công chức Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế trong trang phục áo dài ngũ thân truyền thống. |
Theo ông Hải, vào thứ hai và thứ 6, phụ nữ đều mặc áo dài đi làm nên việc nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở vào ngày thứ 2 cũng không bất tiện. Đây là thường phục truyền thống của đàn ông Việt từ thời cải cách trang phục chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744), chứ không phải áo lễ.
Những chiếc áo dài này có thể mặc bất kỳ lúc nào vì tà ngắn, quần hai ống, có thể đi giày tây, kín đáo và năng động.
"Thực tế, Sở VH - TT hoàn toàn không biến nó thành trang phục công sở mà chỉ mong muốn khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc", ông Hải nói.
Hiện Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế mới đang thử nghiệm và chỉ mặc vào ngày thứ hai đầu tuần trong tháng. Ông Hải cũng khẳng định bất cứ cái gì mới đều gặp phải những ý kiến trái chiều là điều hết sức bình thường.
Trước đó, Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế đã triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức của sở mặc áo dài truyền thống khi đến công sở, trong đó có áo dài ngũ thân dành cho nam giới. Đây là đơn vị được giao nghiên cứu đề án xây dựng Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam.
Ngày 8/7, Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề này và hiện đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị tổ chức Ngày hội áo dài (dự kiến sẽ thực hiện sau khi dịch Covid-19 được khống chế).
Lo ngại về biến thể Omicron đã giảm bớt, vàng không còn biến động mạnh?
Giá vàng trượt dốc khỏi mức cao nhất trong một tuần qua khi những lo ngại về biến thể Omicron giảm bớt và khẩu vị rủi ro của thị trường được thúc đẩy.