Phụ thuộc năng lượng quá nhiều vào Nga, Đức phải làm gì nếu chiến tranh xảy ra?

Nếu cuộc chiến giữa Nga và Ukraina nổ ra, nguồn năng lượng cung cấp cho châu Âu từ Nga sẽ bị gián đoạn và việc tìm kiếm nguồn cung thay thế là vấn đề cấp bách. Cùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên Đức là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy tốc độ tìm nguồn cung thay thế.

Châu Âu cấp tập tìm nguồn cung thay thế

Phát biểu với phóng viên Hadley Gamble của CNBC tại Hội nghị An ninh Munich hàng năm vào hôm thứ Bảy (19/2), Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh rằng, phần lớn các nước phương Tây phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

14germany-gas-1-superjumbo.jpg
Châu Âu đang tìm kiếm nguồn cung thay thế Nga.

“Nga xuất khẩu rất nhiều dầu, than và khí đốt sang nhiều quốc gia – trong đó có một lượng lớn dầu xuất sang Hoa Kỳ”, ông nói thêm.

Năm ngoái, Nga là nhà cung cấp khí đốt và dầu tự nhiên lớn nhất cho Liên minh châu Âu.

Đó là lý do các nước phương Tây cấp tập tìm nguồn năng lượng thay thế sau nhiều cuộc thảo luận trong những tuần gần đây về việc trừng phạt Nga - và đặc biệt là ngành năng lượng của nước này - nếu nước này tấn công Ukraina.

Nga đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đang có kế hoạch tấn công nước láng giềng nhưng đã bố trí khoảng 150.000 quân gần biên giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói "chúng tôi không sẵn sàng đe dọa Nga" về vấn đề Ukraina

Trong những ngày qua, quân chính phủ Ukraina lẫn phe ly khai do Nga hậu thuẫn tại khu vực Donbas miền Đông nước này cáo buộc lẫn nhau về các vụ pháo kích . Trong khi đó vào hôm thứ Bảy, Nga đã phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để thể hiện sự sẵn sàng về hạt nhân của nước này và nói rằng nó là một phần của "cuộc tập trận theo kế hoạch".

Cũng trong ngày thứ Bảy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với CNBC rằng, các lệnh trừng phạt năng lượng đối với tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga vẫn “ở trên bàn" nếu một cuộc tấn công xảy ra.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt như vậy có thể có tác động tài chính đáng kể đối với Ukraina, do một số đường ống dẫn khí đốt của Nga đi qua nước này. Thủ tướng Scholz khẳng định "chúng tôi đang quan tâm" đến vấn đề này.

Scholz không phải là người duy nhất thảo luận về nhu cầu giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga; trước đó vào thứ Bảy, cả Chủ tịch liên minh châu Âu Von der Leyen của EU và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều nói rằng việc lựa chọn phương án thay thế là cực kỳ quan trọng.

Ông Stoltenberg nói, châu Âu đã “làm việc chăm chỉ” để giảm sự phụ thuộc năng lượng của mình vào Nga và nói thêm, “chúng ta cần bớt phụ thuộc vào năng lượng từ một nguồn duy nhất”.

Trong khi đó bà Von der Leyen nhấn mạnh rằng EU, đã thành công trong việc tiếp cận các nguồn năng lượng thay thế.

Bà nói: “Chúng tôi có thể vượt qua mùa đông này mà không cần khí đốt của Nga.

Đức tìm cách thoát Nga trong lĩnh vực năng lượng

Trong nhiều thập kỷ qua kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Đức là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Nga nhiều nhất. Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2021, lượng khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức đã giảm mạnh, khiến giá cả tăng vọt và làm cạn kiệt nguồn dự trữ.

14germany-gas-4-jumbo.jpg
Tàu Marshal Vasilevskiyl, thuộc sở hữu của Gazprom thả neo ở Biển Baltic gần Kaliningrad, Nga, vào tuần trước.

“Khoảng 85% lượng khí được bơm vào các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của châu Âu vào mùa hè năm ngoái đã được rút ra”, Gazprom cho biết trên Twitter vài tuần trước, đồng thời cho biết thêm rằng “các cơ sở ở Đức và Pháp đã hết khoảng 2/3”.

Với căng thẳng giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraina - quốc gia trung chuyển khí đốt quan trọng của Nga - có ít dấu hiệu giảm bớt, Bộ trưởng Kinh tế và biến đổi khí hậu mới của Đức, Robert Habeck, đã bắt đầu nêu ra một vấn đề mà chỉ một hoặc hai năm trước đây mọi người chưa bao giờ hình dung đến – đó là cần có một cái nhìn xa hơn Nga về nhu cầu khí đốt tự nhiên.

“Tình hình địa chính trị buộc chúng ta phải tạo ra các nguồn nhập khẩu khác, đa dạng hóa nguồn cung. Chúng ta cần phải hành động ngay thời điểm này để đảm bảo an toàn cho chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành một con cờ trong một trò chơi", ông Habeck cho biết vào tuần trước.

Chính phủ Đức đang hồi sinh kế hoạch xây dựng một bến cảng dành cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng, hay L.N.G., trên bờ biển phía bắc của Đức.

Đề xuất đó, được Washington thúc đẩy từ lâu nhưng trước đó nó đã bị gác lại do quá tốn kém. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi trong những tháng gần đây khi mà khí đốt tự nhiên hóa lỏng đến bằng các tàu chở dầu khổng lồ từ Hoa Kỳ, Qatar và nhiều nước khác đã trở thành nguồn cung cấp nhiên liệu quan trọng cho châu Âu khi nguồn cung cấp từ Nga đã cạn kiệt.

Châu Âu có hàng chục bến cảng tiếp nhận các tàu chở khí L.N.G., bao gồm các bến cảng ở Ba Lan, Hà Lan và Bỉ. Tuy nhiên, nếu được xây dựng thì đây sẽ là cảng tiếp nhận khí L.N.G đầu tiên của Đức.

Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng đang xem xét các quy định yêu cầu các công ty năng lượng duy trì mức dự trữ khí tự nhiên cơ bản.

Tuần trước, lượng khí đốt tự nhiên trong các kho dự trữ của nước này đã giảm xuống 35-36%, dưới mức được coi là cần thiết để đáp ứng như cầu trong một tuần dưới thời tiết lạnh giá.

14germany-gas-2-jumbo.jpg
Con tàu đặt ống Fortuna của Nga ở cảng Wismar, Đức, năm ngoái.

Khoảng 1/4 tổng công suất khí đốt tự nhiên của Đức được giữ trong các cơ sở thuộc sở hữu của Gazprom, bao gồm cả kho chứa ngầm lớn nhất của đất nước.

Khí đốt tự nhiên là một nguồn năng lượng quan trọng đối với nước Đức.

Năm ngoái, nó chiếm gần 27% năng lượng tiêu thụ, theo số liệu của chính phủ, và 2/3 lượng khí đốt mà Đức sử dụng đến từ Nga.

Các nước phương Tây nhiều lần cảnh báo

Trong nhiều năm, các đối tác phương Tây và châu Âu của Đức - đặc biệt là Hoa Kỳ, Ba Lan và các nước Baltic - đã bày tỏ quan ngại về việc Đức phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên. Việc xây dựng đường ống có tên Nord Stream 2 đã được hoàn thành vào năm có chiều dài 746 dặm dưới biển Baltic, nó bắt đầu từ từ bờ biển Nga gần St.Petersburg và kéo dài cho đến vùng Đông Bắc của nước Đức.

Các cảnh báo được các đồng minh của nước Đức lập đi lập lại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng đường ống này như một cách để “tống tiền năng lượng” đối với châu Âu.

Vào tháng 12/2021, Thủ tướng Olaf Scholz đã gọi đường ống 11 tỷ USD này là "Một dự án của khu vực tư nhân".

Tuy nhiên, ngay cả khi Đức cố gắng trở nên độc lập hơn khỏi Nga, Nord Stream 2 vẫn là một lời nhắc nhở về một mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia này.

Đường ống dẫn dầu dưới biển thuộc sở hữu của một công ty con của Gazprom, nhưng nó được tài trợ bằng tiền từ các công ty năng lượng châu Âu. Hai công ty năng lượng của Đức, Uniper và Wintershall DEA, cùng với OMV của Áo, Energie từ Pháp và Shell, đã đầu tư tổng cộng khoảng 1,08 tỷ USD vào dự án này từ năm 2017. Số tiền này bằng một nửa chi phí xây dựng đường ống.

Tuy nhiên, đường ống vẫn chưa bắt đầu hoạt động vì nó đang chờ cơ quan quản lý của Đức phê duyệt, dự kiến ​​trước nửa cuối năm nay. Nhưng tuần trước, Tổng thống Biden nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo với ông Scholz rằng, nếu Nga tấn công Ukraina, “thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa”.

“Chúng tôi sẽ chấm dứt nó”, Tổng thốn Biden nói.

Tuy nhiên, ông Scholz dường như vẫn chưa đồng tình hoàn toàn với TT Biden dù ông không còn khẳng định “đường ống hoàn toàn là một cam kết kinh tế” nhưng ông chưa có ý định ngăn chặn nó hoạt động. Điều này xuất phát từ những tác động liên quan đến vấn đề tài chính nếu như Nord Stream 2 không hoạt động được.

Bộ trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu của Đức, Robert Habeck, đã bắt đầu nêu vấn đề về việc nhìn xa hơn về mối quan hệ năng lượng với nước Nga.

Nếu chính phủ Đức ngăn cản đường ống đi vào hoạt động, họ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các công ty liên quan, bao gồm cả các yêu cầu bồi thường trong những năm lẽ ra nó phải hoạt động.

Theo ước tính của Jonathan Stern, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, những chi phí đó có thể lên tới 40 tỷ euro.

“Điều này chỉ xảy ra nếu giả định rằng đường ống không bao giờ hoạt động”, ông nói trong một email, và nhấn mạnh rằng, việc tính toán dựa trên rất nhiều giả định.

"Có thể khẳng định rằng nó chỉ bị trì hoãn, tức là nó có thể khởi động trong một vài năm nếu ‘hoàn cảnh thay đổi’ ", ông cho biết thêm.

14germany-gas-5-jumbo.jpg
Các đường ống dẫn gần một cơ sở xử lý khí đốt do Gazprom vận hành tại mỏ khí đốt Bovanenkovo nằm trên bán đảo Bắc Cực Yamal của Nga.

Tuy nhiên, mối quan hệ ràng buộc Đức với khí đốt của Nga không chỉ là vấn đề tài chính mà nó có thể còn liên quan đến những mối quan hệ khác.

Gerhard Schröder, Thủ tướng Đức trong giai đoạn từ 1998 đến 2005, được biết đến với mối quan hệ thân tình với ông Putin. Ông là chủ tịch của Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh của Nga, đồng thời là chủ tịch của Nord Stream, công ty con của Gazprom sở hữu đường ống dẫn dầu, và đã được đề cử tham gia hội đồng quản trị của Gazprom.

Cần tìm nguồn năng lượng thay thế khác

Thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng có thể bị thắt chặt.

Người Mỹ ngày càng lo ngại rằng, việc thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sẽ phá vỡ thị trường nội địa, khiến giá cả mặc hàng này tại Mỹ tăng lên.

Kirsten Westphal, CEO của H2 Global Foundation và là thành viên của Hội đồng Hydrogen Đức, cho biết: “Đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về chuyển đổi, đa dạng hóa năng lượng theo hướng tách rời khỏi Nga, nhưng thực tế chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên và Nga.

Bà nói, giải pháp cuối cùng cho vấn đề này là tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa vào việc phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế cho khí tự nhiên, bao gồm hydro – nguồn năng lượng mà nhiều người hy vọng nó có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các đường ống và nhà máy điện hiện có.

“Bây giờ là lúc chính phủ thực sự thúc đẩy việc chuyển đổi nguồn năng lượng sang khí xanh nhằm hạn chế lượng khí thải carbon và làm cho cơ sở hạ tầng cho việc sẵn sàng đón nhận khí hydro”, bà nói.

Trong khi đó vẫn là mục tiêu của chính phủ Đức, các nhà lãnh đạo tạm thời buộc phải thừa nhận thực tế về việc họ phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga và những mối nguy hiểm mà sự phụ thuộc gây ra cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

"Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch", ông Habeck nói với các nhà lập pháp vào tháng trước và thừa nhận rằng, việc mở rộng năng lượng tái tạo sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều hoặc không có sự phản kháng từ một số góc độ.

“Về mặt chiến lược, đó là điều đúng đắn cần làm, không chỉ để bảo vệ khí hậu mà còn để tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế Đức”, ông nói.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương