Cú hích không thể dự đoán của nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu

Dường như đại dịch Covid-19 đang trở thành cú hích rất mạnh và nằm ngoài mọi phỏng đoán của giới chuyên môn với những thay đổi sâu sắc

Nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Nhưng “cứu tinh” Internet dường như đang giúp mọi thứ không vượt quá xa sự kiểm soát.

Hơn 22 triệu người đã được thưởng thức màn trình diễn tuyệt vời của giọng tenor nổi tiếng người Ý Andrea Bocelli tại Nhà thờ Duomo ở thành phố Milan (Ý) hôm 12/4. Có lẽ đó là giấc mơ mà rất nhiều người yêu nhạc trên thế giới không hề nghĩ có ngày thành hiện thực.

Với chủ đề “Music for Hope”, nam ca sĩ 61 tuổi đã chạm vào trái tim hàng triệu con người bằng những bản Thánh ca kinh điển như Ave Maria, Sancta Maria, Domine Deus và khép lại buổi diễn gần 30 phút của mình với bản nhạc Amazing Grace. Ông đã thực sự đem tới cho thành phố Milan, cho nước Ý quê hương mình và cho cả thế giới một đêm Phục sinh vô cùng đặc biệt của những ngày tháng dịch bệnh lịch sử.

Màn biểu diễn trực tuyến của Andrea Bocelli đạt hơn 20 triệu lượt xem
Màn biểu diễn trực tuyến của Andrea Bocelli đạt hơn 20 triệu lượt xem

Sự kiện trình diễn livestream qua YouTube của Andrea Bocelli là một trong rất nhiều động thái tiếp cận giữa các nghệ sĩ và khán giả qua internet được thực hiện trong khoảng 2 tháng nay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Hàng trăm festival âm nhạc bị huỷ, cùng với đó là rất nhiều tour diễn, buổi diễn lớn của các ngôi sao âm nhạc đại chúng trên khắp thế giới cũng rời ngày vô thời hạn. Rất nhiều dàn nhạc giao hưởng thông báo ngừng hoạt động trong 6 tháng hoặc hơn nữa. Tất cả đều là hệ quả và nằm trong những nỗ lực phòng chống dịch bệnh và giãn cách xã hội (social distancing) được cả thế giới thực hiện.

Tất nhiên, nền công nghiệp âm nhạc cũng giống như nhiều lĩnh vực xã hội khác phải hứng chịu tổn thất to lớn về kinh tế khi những hoạt động cơ bản của nó là trình diễn không thể thực hiện. Và nói như ông Tony Peyrot, đồng sáng lập công ty tổ chức biểu diễn nổi tiếng ở Mỹ là Dunn Pariser & Peyrot bình luận: “Nếu dịch bệnh này bùng nổ ở một thời điểm sớm hơn, khi mà Internet chưa phát triển và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người như hiện nay, chắc chắn sự ảnh hưởng tiêu cực với nền công nghiệp âm nhạc không chỉ là vấn đề kinh tế”.

Từ những đoạn clip ngắn đăng tải hàng ngày của các nghệ sĩ khi họ cũng đang cách ly như những khán giả của mình tới những dự án đăng tải miễn phí dữ liệu về các buổi diễn hay các buổi ghi hình chưa được công bố của nhiều ban nhạc đại chúng, dàn nhạc giao hưởng… Rồi những dự án “trình diễn online” thậm chí có nam ca sĩ Việt Nam còn thử nghiệm… bán vé concert trình diễn livestream. Tất cả những điều đó dù thực tế chỉ có thể giải quyết phần nào nhu cầu của cả người sáng tạo cũng như người thụ hưởng nhưng cũng đã đem lại nhiều năng lượng tích cực cho cả thế giới khi chúng ta phải tự nhốt mình trong nhà vì an toàn của bản thân và cộng đồng.

Và cứu rỗi cho tất cả những điều đó là Internet.

Cho tới nay, người ta vẫn không ngừng tranh cãi về sự ảnh hưởng của Internet với nền công nghiệp âm nhạc. Rõ ràng những lợi thế “ảo” đã và đang tiếp tục thay đổi thói quen tiếp cận với các loại hình nghệ thuật mà âm nhạc là điển hình rõ nét. Nghe nhạc streaming với kho nhạc số, livestream các sự kiện âm nhạc lớn cho tới sự thay thế của các fanpage trên mạng xã hội cho nền tảng “cổ điển” là website… Tất cả những điều đó tác động tới cả cách người ta thụ hưởng cũng như sáng tạo.

Nhưng dường như đại dịch Covid-19 đang trở thành cú hích rất mạnh và nằm ngoài mọi phỏng đoán của giới chuyên môn với những thay đổi sâu sắc sẽ tiếp tục xảy ra sau thời điểm này.

“Sau khi dịch bệnh được xác nhận đã kết thúc, người ta cũng sẽ không thể trở lại ngay nhịp sống và những thói quen trước khi có dịch bệnh. Dự đoán của chúng tôi là không dưới 1 năm để những hoạt động nghệ thuật trong đó có âm nhạc có thể tổ chức lại bình thường” - Kris Wiatr, một ông bầu nổi tiếng ở Nashville, thánh địa nhạc Country Mỹ, chia sẻ trên tờ Billboard. Và những người đứng sau nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu cho rằng giới làm nhạc cần có những quyết định sáng suốt để vượt qua khoảng thời gian này.

"Music Home" của nhạc sỹ Huy Tuấn cùng nhiều nghệ sỹ là một chương trình âm nhạc tiên phong xu hướng livestream tại Việt Nam

Các động thái tiếp cận với khán giả qua mạng xã hội của nghệ sĩ không chỉ là cách họ vượt qua sự chán chường trong những ngày cách ly tại nhà như chính… fan hâm mộ của mình. Đó còn là cách nghệ sĩ “ghi điểm” về vai trò xã hội của họ trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. “Chưa bao giờ chúng ta thấy khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả gần đến thế. Các nghệ sĩ đã góp phần truyền cảm hứng tích cực đến mọi người một cách rất hiệu quả” - cây viết Peter Horns của tờ Wired bình luận.

Khá nhiều nghệ sĩ hướng vào công việc sáng tác, viết các sản phẩm mới trong quãng thời gian không thể biểu diễn và phải cách ly trong nhà. “Chúng ta cần nhìn nhận đây là một cơ hội hơn là suy nghĩ tiêu cực về dịch bệnh dù những nguy cơ bất an quả là đang rình rập ngoài kia” - nữ ca sĩ Joss Stone chia sẻ trong đoạn clip trên trang cá nhân của mình hồi trung tuần tháng 3 khi cô bắt đầu tự cách ly tại nhà ở Anh.

Giống như Joss Stone, các nghệ sĩ chia sẻ với khán giả qua mạng xã hội những công việc hàng ngày của họ trong phòng thu bên cạnh những clip chơi nhạc hay những buổi livestream giao lưu giữa thần tượng và người hâm mộ.

Livestream các sự kiện biểu diễn không phải điều chưa được thử nghiệm trước khi dịch bệnh bùng nổ. Tuy nhiên, đa số giới làm nhạc vẫn thận trọng với điều này vì lo lắng về sự thay đổi trong cách tiếp cận của khán giả liệu có tiêu cực? Nhưng ở thời điểm này thì nó trở thành lựa chọn gần như là duy nhất của nghệ sĩ. Và nó không chỉ không khiến khán giả “lười” hay thậm chí ỷ lại vào những thứ được nghệ sĩ và các nhà sản xuất chia sẻ miễn phí trên mạng. Mà ngược lại, tôi tin rằng nó càng khiến khán giả thấy được giá trị to lớn của những buổi biểu diễn thực sự. Nó sẽ kích thích khán giả quay trở lại các buổi diễn sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn” - cây viết Peter Horns nhận định.

Chưa thể nói thời điểm dịch bệnh Covid-19 thực sự bị khống chế là khi nào. Nhưng ít nhất trong những ngày tháng này, hãy tận dụng cơ hội có một không hai được thưởng thức những buổi diễn được đăng tải miễn phí, nghe ca khúc mới mà chẳng cần bỏ tiền mua bản ghi âm đầu tiên hay thậm chí đề xuất ca khúc mình muốn thần tượng trình diễn và cho nghe. Đó là những “đặc quyền” mà đa số chúng ta chẳng bao giờ nghĩ sẽ có lúc được hưởng.

Độc Cầm

Ca sĩ Đỗ Tố Hoa: 'Chiến đấu' với đại dịch Covid-19 bằng 2 sản phẩm âm nhạc đặc biệt

Ca sĩ Đỗ Tố Hoa: "Chiến đấu" với đại dịch Covid-19 bằng 2 sản phẩm âm nhạc đặc biệt

Dưới đây là những chia sẻ của Đỗ Tố Hoa về 2 sản phẩm âm nhạc mới nhất trong đại dịch covid-19