Giá vàng nhảy múa, chỉ nên mua để dự trữ

TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cho rằng, nếu mua vàng trong thời điểm này chỉ nên dừng lại ở góc độ mua để dự trữ hoặc để phân bổ tài sản đầu tư nhưng nếu vay vốn để đầu tư thì rủi ro sẽ rất lớn.

Sau phiên tăng nóng hơn 3 triệu đồng ngày 24/2, giá vàng trong nước sáng nay đã hạ nhiệt, giảm từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng mỗi lượng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (25/2), hầu hết doanh nghiệp trong nước đều đã giảm hơn 1 triệu đồng ở cả 2 chiều mua và bán với mặt hàng vàng miếng.

Tính đến 8h45, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng khu vực TP.HCM ở mức 46,5-47,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu chiều mua và 1,2 triệu chiều bán.

Giá vàng nhảy múa, chỉ nên mua để dự trữ

Tại Hà Nội, giá kim loại quý cũng giảm tương ứng hiện bán ra ở mức 47,82 triệu đồng/lượng. Dù giảm hơn 1 triệu đồng, vàng trong nước hiện vẫn ở vùng giá cao so với đầu năm. Tại mức giá này, người dân mua vàng tại SJC từ chiều qua đến sáng nay mang bán sẽ chịu khoảng lỗ 2,5 triệu đồng mỗi lượng.

Nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao những ngày qua được lý giải là do dịch Covid-19. Cụ thể, nếu tính từ thời điểm bắt đầu dịch bệnh Covid-19 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng một mạch từ ngưỡng 1.480 USD/ounce lên mức cao nhất 1.688 USD/ounce trong ngày 24/2, tương đương mức tăng 14%.

Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng tới 18%. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, đà đi lên của giá vàng thế giới đã bằng tốc độ tăng của cả năm 2019; trong khi giá vàng trong nước cũng tăng gần 16% từ mức trên 42 triệu đồng lên vượt 49 triệu đồng/lượng...

Đánh giá về đà tăng giá “bất thường” của vàng trong ngày hôm qua 24/2, chuyên gia đầu tư vàng Phan Dũng Khánh, cho biết, sáng nay, giá vàng đã giảm 50 USD, bằng đúng số đã tăng ngày hôm qua. Điều này cho thấy trong ngắn hạn rủi ro của đầu tư vàng cực kỳ cao. Tiếp đến, nhìn vào biến động giá vàng ngày hôm qua có thể thấy một số điểm bất thường chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử.

Thứ nhất, chênh lệch giá mua và giá bán của vàng SJC thời điểm biến động mạnh nhất cũng chỉ từ 500 - 700 nghìn đồng/lượng, nhưng hôm qua lại giãn mạnh tới 1,5 triệu đồng/lượng; thông thường chỉ có vàng 9999 mới xảy ra chuyện đó.

Giá vàng nhảy múa, chỉ nên mua để dự trữ

Thứ hai, lần đầu tiên vàng SJC của Việt Nam cao hơn vàng thế giới tới 2 triệu đồng/lượng, đây cũng là một chuyện rất hiếm có trong lịch sử.

“Điều này cho thấy trong những thời điểm vàng biến động, các tiệm vàng - cơ sở kinh doanh vàng đều đẩy giá lên cao, trước hết là để đón đầu giá vàng và tiếp đến là để giảm thiểu rủi ro thấp nhất cho họ; chưa kể các hiện tượng làm giá ở trong đó nữa, mặc dù nhu cầu thực tế thì không tăng mạnh đột biến”, ông Phan Dũng Khánh nói.

TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cho rằng, nếu mua vàng trong thời điểm này chỉ nên dừng lại ở góc độ mua để dự trữ hoặc để phân bổ tài sản đầu tư nhưng nếu vay vốn để đầu tư thì rủi ro sẽ rất lớn.

Cụ thể, ông Tín dẫn chứng, giai đoạn 2008 - 2012, giá vàng đã lên đỉnh điểm 1.900 USD/ounce nhưng sau đó tụt xuống liên tục, rất nhanh khiến nhiều nhà đầu tư vàng trong nước thua lỗ, thậm chí là phá sản, đặc biệt là những người vay tiền của người thân, ngân hàng để đầu tư vào kim loại này.

“Giá vàng là hàm số đa biến, phụ thuộc vào rất nhiều biến số và rất dễ biến động do đó, nếu muốn đầu tư vàng thì cần phải hiểu về thị trường vàng, biết cách phân tích thị trường vàng tài chính, pháp luật, chính sách của các nước... thì mới có thể hạn chế rủi ro, bởi quá khứ giai đoạn 2008 - 2012 đã cho thấy thậm chí với các nhà đầu tư chuyên nghiệp còn có thể bị thua lỗ bởi thị trường vàng biến động”, ông Tín nói thêm.

KIM THOA (t/h)

Bitcoin lao dốc, thị trường tiền ảo chìm trong sắc đỏ

Bitcoin lao dốc, thị trường tiền ảo chìm trong sắc đỏ

Giá Bitcoin hôm nay 19/11 Bitcoin lao dốc về vùng 56.000 USD, kéo theo thị trường tiền ảo phủ sắc đỏ. Đà sụt giảm mạnh khiến tổng vốn hóa rơi về mức 2.470 tỷ USD.