Harper Lee và "Giết con chim nhại": 58 năm bản tình ca tuyệt mỹ về con người

Nelle Harper Lee (28/4/1926 - 19/2/2016) là nhà người Mỹ nổi tiếng với tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại) được xuất bản vào năm 1960.

Nelle Harper Lee (28/4/1926 - 19/2/2016) là nhà người Mỹ nổi tiếng với tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại) được xuất bản vào năm 1960. Tác phẩm đã giành giải thưởng Pulitzer năm 1961 và đã trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ hiện đại.

Harper Lee sinh năm 1926 tại Monroeville, Alabama, là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Mẹ của bà - Frances Cunningham Finch - là một phụ nữ làm nội trợ còn Amasa Coleman Lee - cha bà là một biên tập viên tờ báo địa phương, sau đó làm luật sư, từng công tác trong Cơ quan lập pháp bang Alabama từ năm 1926 đến 1938. Thời thơ ấu, Harper Lee chơi rất thân với cậu bé hàng xóm tên là Truman Capote, người sau này cũng trở thành một trong những phóng viên và nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Ngay từ khi học trung học tại quận Monroe, Lee đã yêu thích văn học, đặc biệt là văn học Anh Sau khi tốt nghiệp trung học năm vào năm 1944, giống như chị gái Alice Finch Lee, Harper Lee theo học trường nữ sinh Huntingdon College ở Montgomery trong một năm, sau đó chuyển đến Đại học Alabama ở Tuscaloosa, nơi bà theo học ngành luật từ 1945 - 1949. Trong thời gian học tại đây Harper Lee đã viết cho các tạp chí văn học trong trường như là báo Huntress ở Huntingdon và tạp chí hài Rammer Jammer ở Đại học Alabama. Bà thường viết truyện ngắn và các tác phẩm khác về vấn đề kỳ thị chủng tộc - một vấn đề ít được bàn luận ở trường học thời bấy giờ.

Vào mùa hè năm 1948, Lee tham dự một khóa học hè nghiên cứu nền văn minh Châu Âu ở Đại học Oxford (Anh) và nhận thấy mình không hứng thú với chuyên ngành luật ở Tuscaloosa. Lee đã rời trường đại học trước khi giành đủ số tín chỉ để lấy bằng Luật trước sự thất vọng của cha mình. Năm 1950, Harper Lee chuyển đến New York và làm việc cho tập đoàn hàng không British Overseas với vai trò thư ký.

Nhà văn Harper Lee
Nhà văn Harper Lee

 Tại đây bà bắt đầu viết các tiểu luận và truyện ngắn về con người ở Monroeville. Nhờ sự giới thiệu của bạn thân - nhà văn Truman Capote - bà gửi bản thảo tác phẩm đến một tổ chức văn học với mong muốn được xuất bản. Sau khi đọc tác phẩm của bà, Tổng biên tập tại J. B. Lippincott nói tác phẩm chưa thể xuất bản, cần phải viết lại và khuyên bà nên nghỉ việc ở công ty hàng không để tập trung vào nghiệp văn chương. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, bà dành một năm để tập trung viết sách.

Bà dành hai năm rưỡi để viết tiểu thuyết “Giết con chim nhại” và hoàn thành vào cuối năm 1959. Tác phẩm được xuất bản ngày 11/7/1960. Ban đầu tác phẩm được đặt tên là “Atticus” nhưng sau đó Lee đã đổi tên để câu chuyện vượt qua khuôn khổ chân dung về một nhân vật. Nhóm biên tập ở Lippincott nói với bà rằng có thể chỉ bán được vài ngàn cuốn. Trái với dự đoán, “Giết con chim nhại” nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách và được giới phê bình đánh giá rất cao. Tác phẩm đã mang về cho Harper Lee giải Pulitzer vào năm 1961.

Giống như nhiều tác giả chưa có tác phẩm xuất bản, Lee không mấy chắc chắn về tài năng của mình. “Tôi không hy vọng tiểu thuyết sẽ thành công… Tôi lo rằng nó sẽ bị chết yểu bởi những nhà phê bình, nhưng đồng thời tôi mong rằng ai đó sẽ thích nó để tôi có được sự khích lệ. Khích lệ từ độc giả. Chỉ là hy vọng nhỏ nhoi thôi, như tôi đã nói, nhưng thành công lại rất lớn, và trong chừng mực nào đó thì điều này cũng đáng sợ như là cái chết yểu” - Lee trả lời phỏng vấn vào năm 1964.

Thay vì bị “chết yểu”, Reader’s Digest Condensed Books đã in lại cuốn sách dưới dạng từng phần, góp phần làm cho nó được nhiều người đọc hơn. Cuốn sách được tái bản thường xuyên kể từ lần xuất bản đầu tiên. “Giết con chim nhại” còn được chuyển thể thành do Horton Foote viết kịch bản và Robert Mulligan làm đạo diễn vào năm 1962. Bộ phim đã được đề cử tám giải Oscar và giành được bốn giải, bao gồm Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Peck và Kịch bản hay nhất cho Horton Foote. Tác phẩm còn được đưa lên sân khấu kịch Broadway và trở thành một trong những tác phẩm văn học đáng chú ý nhất thế kỷ 20 của văn học Mỹ.

Một ấn bản của “To Kill a Mockingbird”
Một ấn bản của “To Kill a Mockingbird”

 Vào ngày 5/11/2007, Tổng thống George W.Bush đã tặng Harper Lee Huân chương Tự do của Tổng thống. Đây là giải thưởng dân sự cao nhất ở Hoa Kỳ và công nhận những cá nhân đã có “đóng góp đặc biệt xứng đáng cho an ninh hoặc lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, hòa bình thế giới, văn hóa hoặc những nỗ lực công cộng hoặc tư nhân quan trọng khác”.

Năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã trao cho Lee Huân chương Nghệ thuật Quốc gia, giải thưởng cao nhất do Chính phủ Hoa Kỳ trao tặng cho “những đóng góp nổi bật cho sự xuất sắc, phát triển, hỗ trợ và sẵn có của nghệ thuật”. Ngoài ra bà còn được nhận nhiều giải thưởng có giá trị khác.

Lee là một nhà văn khá đặc biệt. Bà gần như nổi tiếng chỉ với một tác phẩm để đời. Tác phẩm thứ hai, “Set A Watchman” được xuất bản được xuất bản tháng 7/2015, gần 60 năm sau khi tuyệt tác “Giết con chim nhại” được xuất bản. Tác phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi và được coi như bản nháp của “Giết con chim nhại”. Dù không được như “Giết con chim nhại” nhưng tác phẩm này cũng đứng đầu bảng xếp hạng best-seller tại nhiều quốc gia trong thời gian dài, lọt vào danh sách những ấn phẩm văn học nổi bật nhất năm 2015 do nhiều tạp chí danh tiếng bình chọn.

Thông tin trên Publishers Weekly, sau hơn thế kỷ kể từ khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết tiếp tục được nghiên cứu bởi các học sinh trung học và đại học. Tác phẩm này đã bán được hơn 30 triệu bản - và vẫn bán được gần một triệu bản mỗi năm trước lễ kỷ niệm 50 năm xuất bản vào năm 2010. Nó đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ.

“Giết con chim nhại” lấy bối cảnh ở miền Nam nước Mỹ vào những năm 1930 với nạn phân biệt chủng tộc nặng nề. Câu chuyện được kể bởi cô bé Scout, 8 tuổi, xoay quanh cuộc sống của cô với người anh trai lớn hơn 4 tuổi tên Jem và người cha Atticus Finch - một luật sư. Ông là người đứng lên bảo vệ Tom Robinson - một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Chính điều này đã đem đến những rắc rối với ba bố con họ.

Bản chuyển ngữ
Bản chuyển ngữ "Giết con chim nhại" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

 Với giọng kể hồn nhiên, ngây thơ, giản dị của Scout, cả thế giới tuổi thơ với những hiếu kỳ, trải nghiệm, tò mò, những trò nghịch ngợm hiện ra thật trong sáng. Nhưng hơn hết, tác phẩm này gợi cho bạn đọc những suy nghĩ sâu sắc về những giá trị nhân văn và lòng trắc ẩn.

Đọc “Giết con chim nhại”, bạn đọc có cảm giác đây là cuốn tự truyện của chính Harper Lee. Mặc dù Lee phủ nhận điều này nhưng rõ ràng có nhiều điểm tương đồng giữa “To Kill a Mockingbird” và thời thơ ấu của Lee. Bố của Lee cũng là một luật sư giống như cô bé Scout trong truyện. Đặc biệt, nhân vật Scout cũng có cậu bạn thân tên Dill giống người bạn thân thời thơ ấu của Lee - Truman Capote - người sau này cũng trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Cho đến nay, tác phẩm này đã được đưa vào giảng dạy tại hơn 70% số trường học ở Mỹ từ hệ thống trung học đến đại học. Tại sao “Giết con chim nhạn” được lựa chọn chứ không phải là một tác phẩm nổi tiếng nào khác? Có lẽ bởi những giá trị mà tác phẩm này đã mang lại. Nó đã đề cập đến một vấn đến vốn được coi là gai góc, phức tạp mà nhiều người trong xã hội Mỹ thời đó né tránh. Đó là nạn phân biệt chủng tộc, màu da, những định kiến của xã hội… 

Thông qua “Giết con chim nhại” Harper Lee đã vạch trần những góc khuất trong xã hội Mỹ thời bấy giờ. Đó là một xã hội được coi là tiến bộ, văn minh nhưng vẫn còn tồn tại đầy rẫy những bất công, hủ lậu. Sự băng hoại đạo đức do thiếu giáo dục và ngu dốt vẫn bao trùm lên cuộc sống con người. Những định kiến của xã hội khiến hệ thống hành pháp trở nên bất lực. Và điều đáng lên án nhất là tình trạng phân biệt chủng tộc sâu sắc dẫn đến những con người nhỏ bé bị đẩy vào tình trạng khốn cùng.

Giống như những con chim nhại, chẳng phương hại gì đến những người xung quanh, những con người trong sáng, vô tội lại bị chính những xấu xa, tàn độc của xã hội hủy hoại. Tom Robinson, với tấm lòng trong sáng, thiện tâm, muốn giúp đỡ người khác để rồi bị chính người mà anh vô tư giúp đỡ vùi dập đến mất hết niềm tin vào sự công bằng để rồi phải chết khi tự tìm đường giải thoát cho mình. Hay như Boo Radley phải thu mình lại trước những xấu xa của cuộc đời.

Anh chàng da đen Tom Robinson bị cả xã hội ở Maycomb ruồng rẫy và lên án bởi theo như tố cáo của Mayella Ewell - một cô gái da trắng thì bị anh ta hãm hiếp. Chỉ một mình Atticus tin vào lẽ phải, đứng về phía anh chàng da đen và cũng bị những người dân ở thị trấn cười nhạo và phỉ báng. Dù biết rằng, để chống lại đa số, chống lại sự kỳ thị của mọi người là điều vô cùng khó khăn và cơ hội chiến thắng không nhiều nhưng ông vẫn làm vì trách nhiệm của một người bảo vệ lẽ phải, vì lương tâm của con người.

Phiên bản điện ảnh của
Phiên bản điện ảnh của "Giết con chim nhại" do Horton Foote viết kịch bản. 

“Đơn giản bởi vì, cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố gắng”. Câu nói của Atticus với các con mình gợi cho bạn đọc không ít suy nghĩ. Nó vừa thể hiện sự quyết tâm cao độ, lòng can đảm đối mặt với khó khăn nhưng nó cũng hàm chứa một kết quả không được mong muốn cho những cố gắng đó.

Giống như Tom Robinson, trong xã hội đầy rẫy định kiến thì với việc làm của mình Atticus cũng trở thành một người đơn độc. “Ba mấy đứa không hơn gì bọn mọi đen và thứ cặn bã mà ông ta phục vụ”. Những lời nói của những người dân trong thị trấn chĩa vài hai đứa trẻ khiến chúng vô cùng đau khổ. Nhưng với Atticus, ông luôn biết dạy các con mình đối đầu với những khó khăn chứ không phải né tránh những điều ấy. Ông luôn dạy các con mình ứng xử nhẹ nhàng, giải quyết vấn đề một cách tinh tế.  “Các con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố mà đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi”.

Không chỉ chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, nói lên được những vấn đề mang tính thời đại, cuốn tiểu thuyết này còn như một cuốn cẩm nang nuôi con cho bất kỳ một ông bố bà mẹ nào. Cách mà bố Atticus dạy con mình, cách ông âu yếm, chiều chuộng, an ủi cũng như nghiêm khắc khi cần thiết rất đáng để các bậc làm cha mẹ nghiền ngẫm. Tôi đặc biệt tâm đắc với một câu nói của bố Atticus nói với các con mình: “Khi con trưởng thành, hãy luôn nói sự thật, đừng làm hại người khác, và đừng nghĩ mình là người quan trọng nhất thế gian”. Chúng ta có thể dạy con mình rất nhiều thứ, nhưng trước hết, bài học làm người đó là sự trung thực và thiện lương.

Phạm Ngọc

Bạn sách

Bạn sách

Những người bạn sách ấy thì luôn tốt, dù là ở trong tay ai và theo cách nào đi nữa…