1.Mấy năm trước, Nguyễn Quang Thạch gọi tôi ra quán cà phê, có việc gấp. Anh luôn như thế, hừng hực với những ý tưởng, nghĩ là làm ngay. Như là đi xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình “Sách hóa nông thôn”. Cứ lầm lũi kiên gan mà đi, trong khi 1 mắt đã hỏng, và mắt kia thì cũng sắp lòa.
Tại sao cứ phải mừng tuổi bằng tiền? Sao không mừng tuổi bằng sách? |
Tại sao mọi người cứ mừng tuổi trẻ con bằng tiền hả em? - Thạch vào đề ngay khi tôi đến - Sao không mừng tuổi bằng sách. Tiền khiến trẻ con háo hức, nhưng chúng sẽ làm gì với nó? Còn sách, bao nhiêu lợi ích, bao nhiêu tri thức. Mà sách thì nào có đắt đỏ gì? Thời buổi bây giờ, mừng tuổi vài chục nghìn, chẳng đứa trẻ nào thèm vui. Nhưng chỉ cần đôi ba chục nghìn là đã mua được quyển sách hay rồi.
Ý tưởng của anh hay đấy - Tôi rụt rè - Nhưng làm thế nào để nó lan tỏa. Chuyện mừng tuổi trẻ con bằng tiền là phong tục lâu đời, chưa kể người ta còn có yếu tố “qua lại” trong cái phong bì đỏ ấy nữa. Anh chuyển sang mừng tuổi bằng sách, có chắc người ta làm theo không?
Mình khởi xướng, khắc có người làm theo. Em ủng hộ anh, chúng ta cùng làm.
Thế rồi Thạch lập một fanpage trên Facebook tên là Mừng tuổi sách. Năm ấy, anh bỏ mấy triệu ra mua sách, cho vào từng túi, rồi mừng tuổi cho con cái khắp bạn bè. Con tôi cũng được anh mừng tuổi 2 quyển sách hay.
Nhưng cũng chỉ năm ấy.
Tôi thử mừng tuổi trẻ con bằng sách như Nguyễn Quang Thạch, thấy không ổn. Chỉ những trẻ rất nhỏ mới vui vẻ với những quyển truyện tranh. Còn trẻ lớn, chúng không giấu được sự thất vọng khi nhận mừng tuổi bằng sách (thứ mà ngày thường chúng vốn đã ngại đụng vào). Còn những phụ huynh, có người hiểu thì động viên cổ vũ, chứ tệ hơn có người cho đó là cảnh vẻ, học làm sang, họ mỉa mai trêu cợt làm mình chạnh lòng.
Sách, vừa gần vừa xa như thế.
2. Hồi mấy năm trước tôi có mở một quán cà phê sách. Mang sách ở nhà lên được khoảng trăm cuốn, còn đâu xin bạn bè. Hóa ra sách là thứ mà người ta rất sẵn lòng chia sẻ. Có bạn mang tới cho những cuốn sách ngoại văn cả trăm năm tuổi. Có bạn mang nguyên bộ sưu tập sách của một tác giả danh tiếng. Có anh chở tới cả một xe tải nhỏ đầy sách, tôi tá hỏa phải từ chối vì nếu nhận thì không biết lấy đâu chỗ cho khách… uống cà phê.
Vì sách xin được, nên quy định mượn sách của quán tôi cũng rất đơn giản. Ai đến uống cà phê, thích đọc cuốn nào thì ghi sổ, rồi cầm sách về khi nào đọc xong thì mang trả. Không cần đặt cọc tiền, hay giấy tờ tùy thân gì.
Nhiều người mượn rồi trả. Cũng nhiều người cầm sách rồi đi luôn. Nhưng sách cứ vơi lại đầy, nên tôi xem quán của mình như một chỗ trung chuyển, để sách được nối dài vòng đời của chúng, thay vì ngủ yên trên một cái kệ phủ bụi nào đó, dù chúng hay đến mấy.
Trong những ngày tháng làm chủ quán cà phê sách, tôi có nhiều đúc kết thú vị.
Đọc sách cần phải tĩnh |
Thứ nhất, đọc sách cần phải tĩnh. Tĩnh từ trong tâm ra đến cái ngoại cảnh. Chẳng hạn như để tạo không gian phù hợp việc đọc sách, tôi chọn đèn ánh sáng vàng nhạt, nhạc không lời rất nhẹ. Thậm chí một số món đồ uống đòi hỏi pha chế ồn ào, tôi cũng cho ra khỏi menu.
Nhưng khách đến quán nhiều người lại ồn ã một cách rất vô tư. Họ quăng đồ đạc, kéo bàn ghế, gọi điện thoại, rồi trò chuyện to tiếng. Sách không tự thân lên tiếng được, tôi cũng không. Tôi chờ đợi họ trọng sách.
Một dạng ồn ào khác, khá ồn ào dù không phát ra tiếng động, đó là những bạn vào ôm hàng chồng sách từ kệ xuống để trước mặt rồi chụp ảnh selfie. Tôi để ý, những cuốn sách các bạn này chọn để chụp ảnh thường dày và có tên ấn tượng. Kiểu như “Súng, Vi Trùng và Thép”, hay “Bông hồng vàng và Bình minh mưa”… Quá trình sắp xếp – chụp – chỉnh ảnh – post ảnh – trả lời comment về bức ảnh… luôn chiếm thời gian nhiều đến mức sau đó bạn chẳng kịp giở một cuốn sách nào, mà cũng không kịp cất sách trở lại kệ trước khi ra về.
Chúng tôi nhớ nhau bằng sách |
Tất nhiên, nhiều người đến để đọc. Cho đến tận ngày bán lại quán, tôi vẫn chưa biết tên một số khách quen. Vì họ chỉ đến và đọc, khẽ gọi đồ uống, trả tiền, rồi ra về. Nhưng tôi biết, chúng tôi sẽ không quên nhau ở phần còn lại của cuộc đời. Chúng tôi nhớ nhau bằng sách.
3. Con trai tôi lên 9, cháu học rất giỏi, nhưng lười đọc. Mọi nỗ lực của tôi để cháu chịu đọc sách đều ngày càng vô ích.
Cuối cùng, tôi quyết định thay vì đọc sách, chúng tôi sẽ cùng xem những bộ phim hay, những bộ phim có tính giáo dục. Đó là một giải pháp tình thế, tôi vẫn loay hoay tìm cách để khuyến khích con mình chịu đọc sách.
Đi họp phụ huynh, cô giáo dạy tiếng Việt than phiền một chút về sự lúng túng với ngôn từ của bọn trẻ. Chúng nó làm Toán nhanh, sử dụng thiết bị điện tử nhoay nhoáy, tiếng Anh bắn như súng liên thanh, nhưng chỉ một đề tập làm văn đơn giản như “Hãy viết về gia đình em” là như gà mắc tóc.
Ban phụ huynh đề nghị cô bố trí giờ đọc sách tập thể ở lớp. Rồi chúng tôi đi mua sách tạo thư viện cho bọn trẻ. Hiệu quả tuyệt vời. Bây giờ thì mỗi buổi trưa sau bữa ăn hoặc giữa giờ chiều, bọn trẻ cùng nhau say mê đọc sách.
Tôi vẫn loay hoay tìm cách khuyến khích con mình đọc sách |
- Các con hài lòng với tủ sách chứ? - tôi hỏi con trai khi đón cu cậu ở trường về.
- Rất hài lòng, bố ạ. Bọn con ngày nào cũng đọc. Có mỗi một vấn đề, là một số quyển sách bị mất rồi…
- Ừ, bố nghĩ đó là điều bình thường con ạ. Bạn nào đó đọc không dứt được, nên mang về nhà đọc tiếp. Rồi bạn ấy sẽ trả lại thôi. Vả lại, những người bạn sách ấy thì luôn tốt, dù là ở trong tay ai và theo cách nào đi nữa…
Đàn bà đọc sách
Cũng là đọc sách nhưng điều đó có giúp nàng hạnh phúc không?