Kết luận bãi cọc Cao Quỳ đã quá vội vàng?

Phát hiện ở cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng (Liên Khê, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) có thể xem như thông tin đáng kể nhất của ngành khảo cổ năm 2019-2020. Sau những thông tin khẳng định thời điểm cách đây nửa năm, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 55, các nhà chuyên môn đã bình tĩnh và đưa ra ý kiến đa dạng hơn về di tích này.

Người dân tự mang mẫu giám định C14

Thảo luận về bãi cọc Cao Quỳ tại Tiểu ban Champa-Óc Eo và Khảo cổ học dưới nước tại Hội nghị khảo cổ học lần thứ 55
Thảo luận về bãi cọc Cao Quỳ tại Tiểu ban Champa-Óc Eo và Khảo cổ học dưới nước tại Hội nghị khảo cổ học lần thứ 55

Phát hiện tại cọc Cao Quỳ được công bố vào tháng 10-2019. Khi đó Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và UBND huyện Thuỷ Nguyên đã tiến hành khai quật ba hố tại cánh đồng Cao Quỳ và phát hiện 27 chiếc cọc. Theo thông tin thời điểm đó, kết quả giám định niên đại tuyệt đối C14 cho thấy các cọc gỗ này có tuổi đời từ 1270-1430 sau Công nguyên. Đây cũng là một cơ sở khiến những kết luận ban đầu tin tưởng rằng bãi cọc Cao Quỳ liên quan đến trận chiến Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần chống Nguyên Mông.

Tuy nhiên, vào sáng 30-9, PGS -TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng C14 (Viện Khảo cổ học) đưa ra một thông tin khiến các nhà nghiên cứu tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 54 ngỡ ngàng. Ông Miên cho biết một trong các mẫu vật mà Viện khảo cổ học giám định niên đại bằng phương pháp đồng vị Carbon C14 do một trưởng thôn tên Thắng mang đến. Anh này nói lấy mẫu ở bãi cọc Cao Quỳ. Ông Miên nhận định các mẫu gỗ có niên đại khác nhau, cách đây khoảng 700 năm. 

Chưa xác định được niên đại từ những mẫu gỗ ở Cao Quỳ 
Chưa xác định được niên đại từ những mẫu gỗ ở Cao Quỳ 

Trước sự sai số khá lớn trong việc xác định niên đại mẫu vật, GS-TS Lâm Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, vô cùng ngạc nhiên: “Đừng nói khảo cổ sai số 100 năm là bình thường. Thế giới sai số thời tiền sử cũng chỉ 3-40 năm thôi”. Bà Dung cũng nói rằng việc chọn mẫu nào có thể giám định được cũng là một việc không đơn giản, không phải một người dân không chuyên môn có thể dễ dàng làm: “Chúng tôi từng gửi hàng trăm mẫu cho Australia, Anh thì người ta trả lời chỉ khoảng 50 mẫu có khả năng xác định niên đại được được, vì các mẫu khác loại trừ vì có nhiều vấn đề bị nhiễm bẩn. Ở bãi cọc này việc đầu tiên là nước nhiễm mặn, thứ hai là nằm trong một không gian kín hẹp có thể dẫn tới sai số”. TS Nguyễn Tiến Đông, trưởng Tiểu ban Champa-Óc Eo và Khảo cổ học dưới nước tại Hội nghị, cũng bày tỏ sự “choáng váng”: “Người dân lấy mẫu liệu có đảm bảo. Chúng ta là nhà chuyên môn, đều biết lấy mẫu đúng chuẩn, bảo quản không đơn giản, cắt sai một nhát dao là có thể có sai số. Đây là mẫu người dân tự gửi đến thì kết quả liệu có tin cậy?”.

TS Bùi Văn Hiếu, Phó phòng Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), người phụ trách đợt khai quật bãi cọc Cao Quỳ  cũng cho biết Viện đã tiến hành lấy mẫu vật gửi đi giám định tiếp tại TP Hồ Chí Minh và đến giờ chưa có kết quả.

Là người đã từng hơn 20 năm nghiên cứu các bãi cọc, TS Lê Thị Liên, nguyên Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, cũng cho rằng khi có kết quả C14 xác định mẫu vật từ năm 1288 bà đã không tin tưởng: “Không có gì 100% cả. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu. Tôi đề nghị làm rất nhiều mẫu tiếp. Khảo cổ làm C14 chênh rất nhiều, đừng bao giờ hy vọng trúng ngay”.

Như vậy thời điểm này, chưa có một kết luận nào được đưa ra về những niên đại của các cọc gỗ ở bãi cọc Cao Quỳ - cơ sở được đưa ra đầu tiên để khẳng định đây là bãi cọc nằm trong trận thuỷ chiến Bạch Đằng 1288. 

Bãi gỗ ở Cao Quỳ là gì?

Vị trí cắm cờ thể hiện cọc cho thấy sự thẳng hàng - dấu hiệu có khả năng của một kiến trúc
Vị trí cắm cờ thể hiện cọc cho thấy sự thẳng hàng - dấu hiệu có khả năng của một kiến trúc

TS Nguyễn Văn Anh, Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi phát hiện dấu vết cọc thì có bốn khả năng được đưa ra: “Một là cọc đáy cửa sông, hai là cọc của kiến trúc nào đó, ba là cọc gỗ của trận chiến, bốn là khả năng trước kia đó là rừng cây”.  Những ý kiến bất đồng về việc xác định mục đích thực sự của những thân gỗ tại di chỉ Cao Quỳ vẫn tiếp tục được đưa ra, tuy nhiên khuôn khổ một buổi sáng làm việc ở Hội nghị vừa qua khiến các tranh cãi không thể giải quyết được thấu đáo.

Ở Cao Quỳ, khả năng đây là khu vực rừng tự nhiên đã được loại bỏ, do các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những dấu tích có bàn tay con người rõ rệt  Việc đây là cọc đáy cửa sông cũng được các nhà khoa học cho rằng không hợp lý. TS Nguyễn Tiến Đông nhận định cọc đáy sẽ được cắm mật độ dày hơn. Còn GS – TS- NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cũng phân tích: “Cọc đáy không thể có cọc mấy người ôm thế được”.

Di tích bãi cọc Cao Quỳ đang gấp rút hoàn thiện
Di tích bãi cọc Cao Quỳ đang gấp rút hoàn thiện

TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện khảo cổ học, bày tỏ nghi vấn đây là dấu vết một kiến trúc: “Theo báo cáo ban đầu thì các cọc đóng không thẳng hàng nhau nhưng nhìn trên hình ảnh trình chiếu thì tôi có thể thấy bước gian bước cột của một cái nhà”. Tuy nhiên, TS Lê Thị Liên cho rằng: ”Chúng tôi từng đào di tích Đầm Lải (Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh – PV), có rất nhiều di vật từ gốm thời Trần đến Đông Sơn và chúng tôi cho rằng đó là một kiến trúc ven sông, thậm chí một nửa ngập trong sông. Kiến trúc đó hoàn toàn khác ở đây”. Bà Liên cũng đưa ra dẫn chứng đã đào thấy nhiều cột theo nhiều hướng khác nhau, có cái cắm xiên, có cái cắm thẳng, có cái cắm sâu hơn một mét nhưng có cái cắm rất nông. “Nếu đặt vào hệ thống kiến trúc tôi thấy rất phi lý”, bà Liên phản bác.

Tuy nhiên, trả lời báo chí bên lề, ông Kiên nói ông không tin đây là di tích bãi cọc của một trận thuỷ chiến: “Trình chiếu và báo cáo cho thấy cọc hầu hết vát bằng chứ không nhọn đầu và được đào hố chôn (chứ không phải “đóng”). Nghĩa là gỗ được chôn trên khu vực không ngập nước. Nhiều thân gỗ có đường kính quá lớn để gọi là cọc mà phải gọi là cột”. Một ví dụ là bãi cọc Quảng Yên (Quảng Ninh) – nơi đang được xác định là địa điểm có liên quan đến thuỷ chiến Bạch Đằng 1288 đã từng tìm thấy rất nhiều cây cọc vót nhọn đầu nhưng không có cây cọc nào có đường kính lớn như ở Cao Quỳ. “Ít nhất thời điểm này không thể kết luận là cọc hay cột”, TS Kiên nói. 

Mặc dù chưa xác định niên đại, với kinh nghiệm khảo sát và tham khảo tư liệu, TS Lê Thị Liên nghiêng về giả thiết đây là bãi cọc liên quan đến cuộc kháng chiến của nhà Trần: “Nhà Trần có khả năng đã chuẩn bị trận chiến từ lâu, xây dựng một thế trận toàn dân,  ngoài trận chiến chính thức còn các trận chiến giữ làng chẳng hạn”.

Ở góc độ tư liệu lịch sử, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định:  “Chúng tôi có tư liệu về vị trí bãi cọc. Khu vực đầu sông Hà Thần, mỏm nó hưởng ra Đá Bạc – chính là bãi cọc Cao Quỳ bây giờ - là căn cứ thuỷ quân rất lớn. Theo tôi đó là trung tâm chiến trường năm 1288 mà trận chiến quyết liệt nhất chính là ở cửa sống chỗ hướng ra núi Mỏ Vịt hay núi U Bò (nơi bây giờ đã cải tạo xây dựng thành khu di tích Bạch Đằng Giang). Sử có chép Ô Mã Nhi đã bị bắt ở đó”. 

Với những tranh cãi hiện tại, rõ ràng việc nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ đòi hỏi một sự nghiên cứu liên ngành và mở rộng để làm rõ các nghi vấn. Việc nhận định ban đầu rằng Cao Quỳ là chiến trường Bạch Đằng đã cho thấy sự nôn nóng.  Cùng thời điểm, năm 2019, cuộc khai quật tại khu di tích Thiên Long Uyển (Đông Triều, Quảng Ninh) cũng phát hiện ra những dấu tích có cọc gỗ, trong đó có 2 mẩu gỗ có niên đại xác định chính xác là thế kỷ 13-14. “Những phát hiện này đều gợi suy nghĩ liên quan đến chiến trường Bạch Đằng. Có thể chắc chắn rằng không chỉ các bãi cọc Yên Giang ở Quảng Ninh mà còn nhiều bãi cọc khác nhau, cho phép hình dung một thế trận trùng điệp chống quân xâm lược của nhà Trần”, GS-TS Tống Trung Tín, trưởng Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử, cho biết.

Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55 diễn ra từ 28 đến 30-9 tại Hải Phòng. Có 341 báo cáo của gần 800 tác giả đã được thảo luận.

Năm 2019-2020, trong hai cuộc khảo cổ tại xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng đã tìm thấy 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, 4 hố đất đen ở Cao Quỳ cùng 38 cọc gỗ ở Đầm Thượng. Hiện một khu bảo tồn đã được xây dựng tại vị trí bãi cọc, dự kiến tháng 10 sẽ đi vào hoạt động chính thức. Quy hoạch bảo tồn bãi cọc kéo dài 21km, chiều rộng ra sát mép sông Đá Bạc.

MN

Phát hiện ở 2 khu di tích bãi cọc Bạch Đằng là phát hiện nổi bật nhất khảo cổ học 2019-2020

Phát hiện ở 2 khu di tích bãi cọc Bạch Đằng là phát hiện nổi bật nhất khảo cổ học 2019-2020

"Có thể xác định đây là các khu di tích thuộc chiến trường Bạch Đằng chống xâm lược quân Nguyên Mông năm 1288"