Lê Văn Duyệt, người chính thức được đặt tên đường ở Sài Gòn là ai?

Sáng 16/9, TP.HCM chính thức tổ chức lễ đặt tên Lê Văn Duyệt cho một đoạn đường ở Bình Thạnh. Vậy Lê Văn Duyệt là ai?

Lê Văn Duyệt , xuất thân và sự nghiệp 

Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh vàm Trà Lọt, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Nội tổ là Lê Văn Hiếu từ Quảng Ngãi đi vào Nam sinh sống. Sau khi ông Hiếu qua đời, cha của ông là Lê Văn Toại và thân mẫu là Phúc Thị Hào... rời Trà Lọt đến ở tại vùng Rạch Gầm, thuộc làng Long Hưng, Tiền Giang ngày nay.

Lê Văn Duyệt. Ảnh minh họa
Lê Văn Duyệt. Ảnh minh họa

Ông sinh ra đã mang tật kín bẩm sinh (ái nam ái nữ). Thuở nhỏ ít chịu học hành mà chỉ thích bắt chim, đánh cá, nhất là việc nuôi gà, đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. Sau này, ông còn là người rất mê xem đấu hổ, đấu voi. Ngoài ra ông cũng là người sành thưởng thức hát bội và thường tự tay cầm chầu.

Tương truyền ông khỏe mạnh, thông minh, giỏi võ thuật, tuy không học nhiều, nhưng biết nhiều tuồng tích Tàu. Vì thế, ông luôn ước ao trở thành hào kiệt như trong truyện xưa miêu tả; mới 15 tuổi, Lê Văn Duyệt đã nói "sinh ở đời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu".

Năm Lê Văn Duyệt lên 17 tuổi, cơ may đến với ông. Một đêm, chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân nhà Tây Sơn đuổi gấp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của đối phương không đuổi kịp.

Tưởng vậy đã yên, nào ngờ khi vừa đến vàm Trà Lọt thì thuyền chở chúa  bị sóng lớn làm cho suýt chìm. Lê Văn Duyệt xuất hiện đúng lúc, cứu Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn. Biết là gặp dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, cho tất cả tạm trú ở đây, nhân đó ông được Nguyễn Phúc Ánh tuyển dụng làm thái giám .

Ít lâu sau, Lê Văn Duyệt được phong làm cai cơ trông coi nội binh. Từ năm 1789 ông bắt đầu đứng vào hàng tướng lãnh của chúa Nguyễn. Năm 1793, Lê Văn Duyệt cùng với Nguyễn Phúc Ánh đi đánh Qui Nhơn, lấy được phủ Diên Khánh và phủ Bình Khương.

Đường Lê Văn Duyệt nằm ở quận Bình Thạnh. 
Đường Lê Văn Duyệt nằm ở quận Bình Thạnh. 

Tháng 1/1801, ông cùng chúa và các tướng lãnh khác như Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại (trận Thị Nại), khiến quân Tây Sơn thua to.

Tháng 4 Nguyễn Phúc Ánh đem thủy quân ra Đà Nẵng. Đến tháng 5 vào cửa Tư Dung, Lê Văn Duyệt phá được quân Tây Sơn, bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách rồi vào cửa Eo. Vua Cảnh Thịnh  mang quân ra giữ cửa Eo nhưng thua phải chạy ra Bắc.

Ngày 3 tháng 5, Nguyễn Phúc Ánh đem binh vào thành Phú Xuân. Tháng 5 năm 1802 chúa Nguyễn lên ngôi, chọn đế hiệu: Gia Long. Vua phong ông là Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân, lệnh cùng với Lê Chất mang quân  thâu phục Bắc Hà. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn thì xong việc.

Nhiều công lao lớn nên Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần, với đặc ân được vào chầu vua không phải lạy (nhập triều bất bái) và được đặc quyền chém trước tâu sau (tiền trảm hậu tấu) nơi biên thùy, nên sau này ông không chịu lạy vua Minh Mạng và đã giết Huỳnh Công Lý, cha một quí phi của ông vua này, vì tội tham nhũng.

Ông còn là người được vua Gia Long triệu vào cung hỏi ý kiến về việc chọn ngôi Thái tử. Tuy vua không nghe lời ông chọn con của Đông Cung Cảnh nối ngôi, thay vì hoàng tử Đảm (là vua Minh Mạng sau này), nhưng ông vẫn phò tá cho đến hết đời, mặc dù lòng không kính phục ông vua trẻ. Ngược lại, Minh Mạng cũng không ưa gì ông nhưng vẫn phải dùng đến.

Năm 1823 ông được Minh Mạng ân thưởng ngọc đái với lời dụ: "Từ xưa hoàng tử, chư công chưa ai được ân tứ ngọc đái này, nay khanh đã nhiều công lao nên đặc biệt ân tứ vậy."

Tượng Tả quân đúc bằng đồng nguyên chất tại khu Lăng thờ Lê Văn Duyệt ở TP.HCM. Ảnh: Internet
Tượng Tả quân đúc bằng đồng nguyên chất tại khu Lăng thờ Lê Văn Duyệt ở TP.HCM. Ảnh: Internet

Tả Quân Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn thành Gia Định hai thời kỳ. Lần thứ nhất từ năm 1813 đến năm 1816: Ông lãnh chức tổng trấn thành Gia Định, kiêm trông coi luôn cả Bình Thuận và Hà Tiên. Đến năm 1816 ông được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về ngôi Thái Tử. Lần thứ hai từ năm 1820 cho đến khi mất, năm 1832.

Tài trị an và cầm binh của Tả Quân Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt là người có khả năng về quân sự lẫn chính trị, ngoại giao; là một vị quan cai trị nghiêm khắc, thanh liêm. Dù quyền hành lớn, ông không hề hiếp đáp kẻ dưới, hoặc tìm mọi cách để tư túi riêng. Nhiều lúc Lê Văn Duyệt còn bỏ tiền của mình để làm việc hữu ích chung. Quân lính của ông rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc...

Một khi được triều đình cử đi dẹp loạn ở nơi nào, ông cho điều tra kỹ để biết rõ nguyên nhân tại sao dân nỗi loạn. Nếu biết chắc do đám quan lại sở tại tham nhũng, bức hiếp làm cho dân chúng quá khổ sở, thì ngài thẳng tay trừng trị bọn tham quan trước, rồi mới kêu gọi những kẻ làm loạn trở về đầu thú. Nhờ chính sách sáng suốt, khoan dung đó nên ông đã vỗ yên ở nhiều nơi nhanh chóng, mà không tốn kém nhiều tiền bạc và nhân mạng.

Ngoài đức tính thanh liêm ra, ông còn có cái dũng của bậc trượng phu. Ông không hề e ngại hay né tránh bất kỳ vụ việc gì, miễn là nó làm lợi cho dân cho nước.

Cổng vào Lăng Ông, nơi chôn cất mộ phần, thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân ở Bà Chiểu (người Sài Gòn quen gọi Lăng Ông Bà Chiểu), quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Internet
Cổng vào Lăng Ông, nơi chôn cất mộ phần, thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân ở Bà Chiểu (người Sài Gòn quen gọi Lăng Ông Bà Chiểu), quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Internet

Tương truyền, tả quân lúc bấy giờ rất uy quyền, lòng người ai cũng kính phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Thượng Công. Đương thời, các nước lân cận đều sợ oai phong của ông nên ông còn có biệt danh khác là Cọp Gấm Đồng Nai, một trong ngũ hổ tướng (bốn người còn lại là Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu).

Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam bộ, khiến cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giàu có. Thêm vào đó, Lê Văn Duyệt phản đối việc nối ngôi của vua Minh Mạng và bảo vệ các tín đồ Công giáo khỏi chính sách bế quan tỏa cảng và trọng Nho giáo của vua này.

Những việc này đã khiến ông thường xuyên xung đột với nhà vua và dẫn đến việc triều đình đã hạch tội và cho phá mộ sau khi Lê Văn Duyệt mất. Vì việc này, người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã nổi dậy chống lại triều đình. Sau khi cuộc nổi dậy bị dập tắt, Lê Văn Duyệt tiếp tục bị truy tội đến mãi đời Thiệu Trị thì vụ án mới được xét lại, và ông mới được phục hồi danh dự.

Lê Văn Duyệt đã thành lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" để rèn luyện võ nghệ cho trẻ thích việc kiếm cung và "Giáo dưỡng" để cho những trẻ khác và quả phụ học văn chương, nghề nghiệp.

Thành Phiên An (tức thành Gia Định) do ông cho xây đắp thêm, đến năm 1830 thì xong. Thành được xây bằng đá ong, thành cao, rộng nên khi Lê Văn Khôi, con nuôi của ông, khởi loạn chiếm thành, quân triều đình vây đánh 3 năm mới hạ được.

Tả quân lâm trọng bệnh và mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi.

Miếu mộ của ông được xây cất tại Bình Hòa Xã (Gia Định), nơi ngày nay người dân Sài Gòn quen gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, có người kính cẩn gọi là "Lăng Ông" hay đền thờ Đức Thượng Công, còn các tộc người Hoa tôn xưng đền là "Phò Mã Da Da Miếu."  

TP.HCM chính thức có đường mang tên Lê Văn Duyệt vào ngày 16/9/2020

Sáng 16/9, Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức Lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) thành đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Tham dự buổi Lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cùng lãnh đạo Sở ngành TP.HCM, UBND quận Bình Thạnh; ông Lê Văn Hòa - Hậu duệ đời thứ 6 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt và các tầng lớp nhân dân quận Bình Thạnh.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho biết, ngày 11/7/2020, Hội đồng nhân dân TP.HCM ban hành Nghị quyết số 26 về việc bổ sung Quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu trên địa bàn quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt. 

Việc đổi tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn quận Bình Thạnh có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.  

Ông Hoàng Song Hà cho biết thêm, quận Bình Thạnh sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân thay đổi, bổ sung hồ sơ quyền sở hữu nhà và đất ở, giấy tờ, hộ khẩu, Chứng minh nhân dân... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình trên tuyến đường có tên mới tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, lòng lề đường luôn xanh - sạch - đẹp, duy trì nâng cao nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư, góp tham gia xây dựng quận Bình Thạnh ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương