Luật cấm sử dụng rượu, bia khi lái xe: liệu có "xin" được?

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức đã chính thức áp dụng nhưng vấn đề được quan tâm là thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 trong đó quy định cấm hoàn toàn việc người điều khiển các phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn. Như vậy, cho dù là ô tô, xe máy, xe kéo, xe máy điện, mô tô cũng như các phương tiện thô sơ đường bộ như xe đạp, xe lăn, xe xúc vật kéo… sẽ không được lái xe khi sử dụng rượu bia.

Đây là một bước xử phạt nghiêm khắc đối với các người điều khiển xe và được hầu hết mọi người ủng hộ. Vì trên thực tế, rượu bia mặc dù có tính chất giao lưu giải trí, tạo không khí vui vẻ nhưng lại chính là nguyên nhân của hàng chục nghìn vụ tai nạn mỗi năm, chưa kể là bao gồm cả các vấn đề khác như bạo lực gia đình, đánh nhau.

Năm 2016, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức y tế thế giới WHO đã thực hiện một cuộc khảo sát ở 10 tỉnh thành. Kết quả cho thấy có đến 39,6% tai nạn là do bia rượu, riêng số vụ tai nạn là 9.000/ 21.500 vụ. Thời gian gần đây con số này còn nâng lên 60 – 70%.

Theo Tạp chí y khoa Lancet (Anh), trong 189 quốc gia và lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Luật có hiệu lực và thực hiện như thế nào? Bởi việc thực hiện quy định pháp luật ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước vẫn chưa thực sự có hiệu quả, nhiều người còn tìm cách lách luật để trốn không bị phạt. Các quy định về xử phạt an toàn giao thông còn mang tính phong trào, hình thức, người tham gia giao thông chưa thực sự hiểu luật và áp dụng luật.

Những tháng được đánh giá là chấp hành nghiêm chỉnh đa phần là tháng an toàn giao thông, hết thời gian này tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn, thậm chí là nhiều người vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu còn không bị xử phạt. Cảnh sát giao thông cũng không thực hiện xử phạt một cách đầy đủ, vẫn nhận tiền để cho qua. Đặc biệt trong năm vừa qua, vụ nhóm CSGT ở TP Cần Thơ nhận 4,1 tỉ đồng bảo kê xe quá tải hay hàng loạt cán bộ Thanh tra giao thông ở Hà Nội nhận tiền bảo kê “xe vua”… khiến dư luận vô cùng bức xúc, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo về việc xử lý an toàn giao thông trong cả nước. Người dân dù biết về luật vẫn ngang nhiên vi phạm, dùng quan hệ cá nhân hoặc tiền để mặc cả.

Luật có được áp dụng hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào việc có tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới hay không. Thay vì chỉ đơn thuần thực hiện một phía, hãy tuyên truyền các quy định một cách nghiêm túc và nghiêm khắc với mọi người. Các cơ quan đoàn thể hãy áp dụng việc phổ biến và thực hiện luật như một phong trào thi đua, nâng cao ý thức của người lao động.

Về phía cảnh sát giao thông cần tăng cường kiểm soát người lái xe sử dụng bia, rượu, kiên quyết nói "không" với các trường hợp xin xỏ… tránh tạo thói quen xấu cho người điều khiển phương tiện.

Cần nghiên cứu hình thức xử phạt với cả những chủ nhà hàng bán rượu bia có thực khách vi phạm. Họ phải có trách nhiệm khi thấy khách uống rượu bia cần nhắc nhở, khuyến cáo. Thậm chí, nhà hàng có thể có đội ngũ nhân viên lái xe về nhà giúp khách như thường thấy ở nhiều nước.

Thanh Mai

Nhớ về cuốn tôm Hà Nội

Nhớ về cuốn tôm Hà Nội

Người Hà Nội thường ăn món cuốn lạnh trước khi dùng món thang nóng. Bởi vậy, các cụ thường gọi là một bữa thang cuốn.