Mức độ rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 đến 91%, Pouyuen với 62.000 công nhân vẫn hoạt động bình thường

Những chiếc khẩu trang như một “kim bài miễn dịch” để khi có nó, dù không đeo, họ vẫn yên tâm len lỏi trong đám đông.

Không “khoảng cách an toàn”

Ngày 8/4, trên tuyến Quốc lộ 1, trước cổng khu công nghiệp Pouyuen (gọi tắt là Pouyuen), hàng trăm chiếc xe 45 chỗ đưa đón công nhân đã đậu sẵn, nối đuôi nhau, kéo dài gần 2km lấn ra lòng đường. Lực lượng cảnh sát giao thông vã mồ hôi chia nhau điều tiết để các phương tiện lưu thông trên đường có thể chen qua được. 

Hàng ngàn người đi, đứng tràn khắp lề đường. Bên ngoài, hàng trăm chiếc xe đưa đón đã chực sẵn, còn chen giữa các công nhân là chợ tự phát (nhiều năm vẫn chưa dẹp được) cùng hàng chục người ngồi trên xe máy, vẻ như chờ đợi người thân, có cả xe ôm công nghệ. 

Khung cảnh hỗn loạn ở Pouyuen giờ tan ca - Ảnh: Minh Anh
Khung cảnh hỗn loạn ở Pouyuen giờ tan ca - Ảnh: Minh Anh

Dấu hiệu duy nhất của việc “chống dịch” ở nơi này là đa số mọi người dùng khẩu trang, có chiếc đeo ngay ngắn, có chiếc được kéo xuống cằm, có chiếc được cầm trên tay hoặc treo lủng lẳng trên tay ga chiếc xe máy đang dừng. Người tập trung đến đây bán hàng nhiều vô kể, người bán “lưu động” trên xe máy như chị bán khoai lang cũng nhiều. Đáng kể nhất là số “gian hàng” đang trải dưới đất, nối nhau xếp kín lề đường, bọc hết cổng công ty. Công nhân tan ca, như mọi khi, vẫn túm tụm bên các gian hàng, chen chúc. 

Khung cảnh nơi này phơi bày sự hỗn loạn. Ngoài kia, xe 45 chỗ đậu lớp lớp; trong này, người ta chen nhau mua bán, đón rước, chờ đợi. Không có “giãn cách xã hội”, không có “khoảng cách an toàn”. Những chiếc khẩu trang như một “kim bài miễn dịch” để khi có nó, dù không đeo, họ vẫn yên tâm len lỏi trong đám đông.

Mỗi người góp một câu, như để lý giải về sự đông đúc một cách lạ lùng ở nơi này trong khi cả nước đang thực hiện giãn cách. Mà nguyên nhân chỉ đơn giản: “Công việc thì phải chịu thôi”.

Níu áo nhau đi kiếm xe

Sau “buổi chợ” chen chúc, hàng ngàn công nhân bắt đầu từ đám đông chia nhau từng tốp hớt hải nắm tay, níu áo, dáo dác tìm chiếc xe đúng tuyến đưa họ về nhà, giữa hàng trăm chiếc xe.

Những chiếc xe gần cổng của Pouyuen nhất nhanh chóng đủ số lượng công nhân nhưng bị kẹt cứng giữa hàng trăm chiếc xe bao bên ngoài, thi nhau bấm còi inh ỏi. 

  Hàng trăm người sát rạt, chen kín

Hàng trăm người sát rạt, chen kín

Nhiều công nhân cho biết, họ không được sắp xếp để lên chuyến xe nào, đậu ở đâu. Giữa hàng trăm chiếc xe lẫn hàng ngàn công nhân ken kín, đội ngũ gồm bảo vệ của Pouyuen, thanh niên xung phong cùng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông như lọt thỏm, yếu ớt, bất lực trong công tác điều phối. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Pouyuen hiện có khoảng 62.000 công nhân đang làm việc, trong đó, trên dưới 16.000 người ở các tỉnh lân cận TPHCM. Trước đây, mỗi ngày, Pouyuen có hơn 390 xe đưa rước công nhân về các tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có nội dung giãn cách xã hội, Pouyuen đã chủ động thuê thêm hơn 400 xe đưa rước, phần lớn là từ các hợp tác xã xe buýt. Việc tăng cường này nhằm đáp ứng yêu cầu mỗi xe chỉ vận chuyển khoảng 20 người, giảm một nửa so với trước đây.

Mặc dù vậy, theo quan sát, trong hàng trăm chiếc xe, có chuyến chỉ khoảng 20 công nhân, mỗi người ngồi một ghế. Ngược lại, phần lớn xe tăng cường đều đông đúc.

Việc duy trì được hoạt động sản xuất trong dịch bệnh là điều đáng ủng hộ, với điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về phòng, chống dịch. Hơn thế, ở Pouyuen, việc duy trì sản xuất giúp hàng chục ngàn công nhân không bị mất thu nhập.

Công nhân T.Đ. cho biết: “Trong công ty, chúng tôi vẫn làm việc gần nhau, ăn uống cũng ngồi sát nhau. Nói chung, không có gì khác với trước khi có dịch”. 

Thật sự Pouyuen đang phớt lờ các chỉ đạo về phòng, chống dịch và không hề sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm. Bởi dù theo bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 để áp dụng cho các doanh nghiệp (do UBND TPHCM ban hành), Công ty Pouyuen tự đánh giá mức độ rủi ro là 52%. Tuy nhiên, đoàn công tác liên ngành của TPHCM đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 của doanh nghiệp này lên đến 91% - là mức độ rủi ro lây nhiễm rất cao, doanh nghiệp không được hoạt động.

Minh Trâm - Tuyết Dân - Tam Nguyên

theo Phụ nữ TP.HCM

#cáchlyxãhội: Hà Nội vắng yên không một bóng người lúc 7h tối

#cáchlyxãhội: Hà Nội vắng yên không một bóng người lúc 7h tối

Một tuần sau lệnh cách ly xã hội, từ 7h tối, Hà Nội vắng im không một bóng người