Nhà dài của người Mạ lần đầu tiên được tái hiện tại Festival hoa Đà Lạt 2019

Lần đầu tiên tại Festival hoa Đà Lạt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian văn hóa của người Mạ, một dân tộc thiểu số ở bờ Bắc thượng nguồn sông Đồng Nai

Từ ngày 20/12/2019 đến ngày 2/1/2020 sẽ diễn ra sự kiện Festival hoa Đà Lạt năm 2019. Một trong những điều đặc biệt là tại Festival năm nay, lần đầu tiên du khách được chiêm ngưỡng không gian văn hóa của người Mạ (Người Mạ là một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam thuộc ngữ hệ Môn - Khơme, cư trú ở một số tỉnh như Lâm Ðồng, Ðăk Lăk, Ðăk Nông, Ðồng Nai, Bình Phước…, nhưng gắn bó lâu đời ở vùng hạ lưu sông Ðạ Dâng (các huyện phía Nam tỉnh Lâm Ðồng). 

Theo truyền thống, người Mạ cư trú thành từng bon (buôn, làng), mỗi bon có từ 5-10 nhà sàn dài (còn gọi là Nhà dài). Mỗi nhà sàn dài là nơi cư trú của nhiều thành viên có cùng huyết thống trong dòng tộc. Khi các thành viên trong nhà dài kết hôn, nhà dài của ông bà, bố mẹ, lại được nối dài thêm cho gia đình mới một không gian riêng, nên có khi ngôi nhà dài tới 20-30 m. Bên ngoài nhà dài thường có một kho lúa.

Hình ảnh nhà dài truyền thống của người Mạ. Ảnh: Mai Văn Bảo
Hình ảnh nhà dài truyền thống của người Mạ. Ảnh: Mai Văn Bảo

Đây là một phần trong công trình nghiên cứu và sưu tầm của nhà báo, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga. Ngôi nhà dài vừa xuất hiện bên bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt) trong sự kiện lần này là công sức của bà Nga và cộng sự, đang tạo nên một sức hút đặc biệt đối với công chúng.

Theo nhà dân tộc học Đinh Thị Nga: “Đây là ngôi nhà dài duy nhất ở Nam Tây Nguyên, còn sót lại cho đến ngày nay. Ngôi nhà do gia đình già làng Điểu K’Banh và gia đình em rể Điểu K’Rư làm cách đây 50 năm ở Buôn Go, huyện Cát Tiên. Cột nhà được làm từ cây gỗ mun, nên ngôi nhà có thể tồn tại trên 200 năm. Cách làm nhà dài truyền thống của người Mạ đến nay cũng chỉ còn 4 ông Điểu K’Banh, Điểu K’Rư, Điểu K’Huế và Điểu K’Lố biết làm và dùng tay để đo kích thước”.

Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và một góc trưng bày thổ cẩm. Ảnh: T.Vân
Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và một góc trưng bày thổ cẩm. Ảnh: T.Vân

Trong ngôi nhà dài còn sót lại của người Mạ, các hoạt động đời sống truyền thống của người dân sẽ được tái hiện, như: dệt vải, nhuộm vải bằng lá cây rừng, làm gốm, thử rượu, nướng khoai, bắp... cùng những âm thanh cồng chiêng rộn ràng do chính đồng bào Mạ, K’Ho, Chu Ru trình diễn... Một kho lúa truyền thống của người Mạ cũng được tái hiện cạnh nhà dài. Đúng như tên gọi, đây là nơi đựng lúa, cùng các loại thực phẩm khác như bắp, khoai, mì... và được dựng trên cao để tránh các con vật nuôi phá phách...

Cùng với nhà dài là rất nhiều vật dụng, chum ché, ghè cổ, công cụ lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm gắn liền với cuộc sống núi rừng. Cuộc sống của cư dân người Mạ không thể tách rời với tín ngưỡng tâm linh và lễ hội truyền thống. Rượu cần là thứ chưa bao giờ vắng mặt trong các sự kiện quan trọng.

Tái hiện không gian văn hóa người Mạ trong lòng Đà Lạt. Ảnh: CAND
Tái hiện không gian văn hóa người Mạ trong lòng Đà Lạt. Ảnh: CAND

Trong không gian văn hóa người Mạ bên tái hiện hồ Xuân Hương nhân sự kiện Festival hoa Đà Lạt năm 2019, những ghè, chóe này cũng đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, trưng bày, giới thiệu tới du khách.

LA (t/h)

Thực hành Then được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thực hành Then được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.