Nhật ký #cáchlyxãhội: Paris những ngày đầu phong tỏa

Các bạn Pháp sau nhiều tháng lơ mơ với dịch bệnh thì giờ bừng tỉnh lại nghĩ ra một chuyện cũng hay, là tối nào 8h mọi nhà cũng ra cửa vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Paris toàn tiếng vỗ tay và hoan hô. Thôi thì thắp sáng bằng âm thanh cũng được.

Dưới đây là những ghi chép của Biên tập viên Mỹ Linh, BTV của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thường trú tại Paris (Pháp) trong những ngày đầu tiên Paris thực hiện lệnh phong tỏa:

Ngày đầu tiên...

Tôi khẩu trang bịt mặt, găng tay màu xanh lững thững ra khỏi nhà sau giờ giới nghiêm. Túi thủ thẻ nhà báo. Tay cầm tờ giấy đăng ký ra đường. Lý do: ốm. Đi bác sĩ. Là lý do thật. Chuẩn bị tâm lý sẽ một mình một đường, một mình một phố. Nếu gặp ai thì sẽ đứng xa 2 mét và hỏi chuyện... tuỳ tình hình mà hỏi.

Đi sắp đến ngã tư, tôi hình dung sẽ có cảnh sát, ơ hay 100.000 cảnh sát trên toàn quốc cơ mà. Xung quanh chỗ tôi ở nhiều quảng trường nhiều siêu thị, chắc phải có vài anh để kiểm tra. Thế mà tịnh không có anh nào. À, đề cao tính tự giác đây mà. Bàng hoàng nhận ra người ăn mày vẫn ngồi đúng chỗ mọi khi, ừ thì vô gia cư lại không thể làm online thì anh ra đường (tự an ủi vậy). Rồi tẽn tò khi thấy một anh thong dong ngồi uống cafe thanh nhàn như không có "Cô Vy". Rồi phì cười khi thấy có hai mẹ con lũn cũn chạy trên đường (ừ thì cho phép chạy). Rồi bần thần khi thấy một cụ ông nắm tay cụ bà, cha dắt con, người yêu ôm nhau đi trên phố. Bèn nghĩ chắc họ đi mua thuốc, hoặc đi gửi con, cũng có thể là đi mua thịt…

Ừ thì nghĩ thế để không cảm thấy giận dỗi ai. 

Nhật ký #cáchlyxãhội: Paris những ngày đầu phong tỏa

Gặp bác sĩ, thập thò bảo nói thật là tôi rất ngại gặp ông trong những ngày này, chả biết thế nào...

Chưa nói hết thì ông bác sĩ già đã khoát tay “rất cảm ơn đã lo lắng cho tôi, chị đừng lo, tôi có khẩu trang, tôi có cồn rửa tay và chúng tôi ở đây để làm việc này“. Cay hết cả mắt. Ơ nhưng mà  tự nhiên cáu. Tôi bảo tôi không hiểu sao vẫn có người ra đường bằng được. Ông bác sĩ khà khà cười sau khẩu trang bảo “tôi rất nhớ hồi làm việc với giáo sư Tôn Thất Tùng (lúc cụ Tùng sang Pháp làm việc) ông bảo tôi hai dân tộc chúng ta rất giống nhau về cả xấu lẫn tốt, mà xấu nhất là tính kỷ luật" . Nghĩ bụng, thồi, các cụ đã nói thế thì thôi!

Không nói gì nữa. Về, đi mua thuốc. Rồi tự dưng lại thấy cáu. Gây sự với chị dược sĩ quen, tôi bảo chả hiểu sao nước Pháp đến giờ này mới nói về khẩu trang, sao không nói từ một tháng trước. Sao giờ mới hứa sản xuất, sao giờ mới bảo nhau dùng. Chị dược sỹ thủng thẳng, uh thì trăm năm nay chúng tôi làm gì có dịch to thế này. Ừ thì nước Pháp chưa quen, ừ thì...

Tôi rảo bước ra về. Đường vẫn thế, nắng vàng rực rỡ. Hoa nở trên đầu, hoa nở dưới chân. Xuân rồi. Con gái nghỉ học lại bị nhốt trong nhà cuồng cẳng lôi tóc ra xén phát đến ngang vai, hết cả thục nữ. Tôi rất phân vân. Cầu nguyện suốt ngày cho hết dịch mà không ai chết, tất cả đều bình yên, nhưng cô cũng muốn nọc ai đấy ra mà oánh. Nhất là bọn nhân danh quyền tự do cá nhân mà phớt lờ cộng đồng.

Ngày mai.

Ngày kia.

15 ngày là hết con virus nhiều tên đi nhé.

Ngày thứ hai...

Ngày thứ hai làm xong mọi việc thì đã trưa, cả đêm không ngủ vì máy treo nên cũng chẳng biết trời có gì đất có gì. Tôi ngủ. Ngủ dậy gọi hỏi thăm con trai, theo phản xạ mẹ Việt lại đưa lời khuyên "ra ngoài chạy đi con, được phép chạy mà trời lại đẹp, chả tội gì". Đầu dây bên kia quát loạn: "con không cần chạy, mẹ tuân thủ việc ở nhà một tí đi, ủng hộ chính phủ đi, ngần ấy người chết chưa đủ à". Ái dà, anh làm như tôi không đọc báo. Tôi phát ốm vì đọc đủ tin tức, tìm tin làm tin rồi, anh đừng doạ. Trời đẹp, nhiều người chạy. Nhiều người già già đi đủng đỉnh cầm cái bánh mỳ.

Từ hồi có dịch, tôi đâm nhạy cảm với người già, hay nhìn nhìn, hay muốn hỏi chuyện. Dở hơi nhất là hay sợ với chính cái ý nghĩ cứ len vào trong đầu là cụ này trong khu liệu có trụ được không, cụ kia liệu có ổn.

Năm 2003 châu Âu trải qua một đợt nóng khủng khiếp, lên đến 40 độ. Cũng là cái nóng như thế mà ở Việt nam thì là bình thường nhưng ở Châu Âu thì kinh hoàng lắm. Kinh hoàng vì chưa ai quen, kinh hoàng vì chả nhà ai có máy lạnh. Dân ngoại ô, tỉnh lẻ hay thôn quê nhà cửa rộng rãi sân vườn mênh mông, dân Paris toàn căn hộ, vô phúc ở tầng áp mái thì thôi, coi như chỉ há mồm mà thở. Đợt nóng ấy 15 ngàn người trên nước Pháp đã chết, toàn Châu Âu là 70 ngàn. Thương nhất là nhiều người già. Nóng tháng 8 lại đúng đợt toàn dân đi nghỉ hè, người già ở nhà một mình. Nhiều cụ căn hộ bé tẻo tèo teo, nóng quá, không trụ được.

Tôi trót dại xem một phóng sự mà phóng viên đi theo đội cứu hộ, mười mấy năm không thể quên. Cụ chết gục trong buồng tắm, cụ đau tim nửa nằm nửa ngồi trên giường, cụ lết ra hành lang thì chết, cụ cắt tay, chắc chết cho xong chuyện. Thế nên hôm nay cô rất ân hận với ý nghĩ của chính cô hôm qua, là sao phải ra đường.

Ừ, Paris nhiều người ở chật chội, 15 ngày không ra đường sẽ điên. Tôi nhớ ra mấy bạn sinh viên quen, 3 đứa 10 mét vuông trên tầng áp mái, nằm chân gác lên valise. Nhớ ra bà giúp việc hai vợ chồng căn phòng 12 mét. Bập bập tự xin lỗi. Mình suy nghĩ chỉ theo logic của mình, hoàn cảnh của mình, nhiều khi vô tâm là có tội. Chính phủ bảo cho ra đi chợ, đi chạy nhanh nhanh rồi về, là có lý.

Dịch Covid này nó cho mỗi người một cơ hội nhìn lại nhiều thứ. Hết dịch tôi chắc nhiều người sẽ thay đổi. Xã hội thay đổi thì là tất nhiên rồi. Kinh tế ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người nghèo đi, thậm chí trắng tay. Thân phận thay đổi. Hôm qua bạn tôi thông báo sẽ cho nghỉ việc mấy chục nhân viên tư vấn cho Club med, hôm kia cậu sinh viên tôi quen thông báo chắc quán cậu làm sẽ đóng cửa. Nghĩa là ở đấy mấy chục gia đình sẽ lao đao, mà đều học hành đầy đủ, chữ nghĩa đàng hoàng.

8h tối hàng ngày, người dân Paris ra cửa vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Paris toàn tiếng vỗ tay và hoan hô.
8h tối hàng ngày, người dân Paris ra cửa vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Paris toàn tiếng vỗ tay và hoan hô.

Tôi hình dung ra nhiều em sinh viên Việt Nam nguồn sống chính khi đi du học là làm nhà hàng, phen này chắc lại bẽn lẽn cầu cứu cha mẹ. Lạy trời cho thế giới mau qua cơn hoạn nạn này.

Tôi lẩn thẩn nghĩ đến đạo đức và lương tâm thời dịch bệnh nó cũng khác thường ngày. Sợ chết quá thì làm người ta hèn kém và trở nên độc ác. Bản năng sinh tồn lấn át hết nhận thức lý trí. Tôi rùng mình nhớ đến cái video trót dại xem các bạn Tàu hàn cửa, đổ xỉ than trước nhà người nhiễm bệnh để không cho ra. Tôi nghĩ đến cái thông báo của toà nhà không muốn có người nhiễm bệnh lưu lại. Sợ chết làm người ta đôi khi mất hết nhân tính, nghĩ ra những thứ độc địa bản năng như cầm thú mà thường ngày hoặc kiểm soát được hoặc không tự biết. Coi thường cái chết đôi khi lại làm người ta thành tội đồ.

Ta chả sợ chết nhưng đôi khi ta tước đi mạng sống của người khác mà chẳng biết. Ta chẳng sợ chết ta nghĩ Covid như cúm mùa nhưng cả xã hội nghĩ như cúm mùa thì nhiều người sẽ đói. Đói đúng nghĩa đen. Thế nên chẳng bao giờ tôi nhạy cảm với thói vị kỷ như lúc này. Tôi ghét thái độ sợ hãi, tôi cũng giận sự nhơn nhơn. Đấu tranh giữa sự tiện lợi của bản thân với lợi ích cộng đồng chứ đùa đâu.

À, các bạn Pháp sau nhiều tháng lơ mơ với dịch bệnh thì giờ bừng tỉnh lại nghĩ ra một chuyện cũng hay, là tối nào 8h mọi nhà cũng ra cửa vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Paris toàn tiếng vỗ tay và hoan hô.

Thôi thì thắp sáng bằng âm thanh cũng được.

Mỹ Linh

Việt kiều châu Âu hạch sách ở khu cách ly COVID-19 Pháp Vân

Việt kiều châu Âu hạch sách ở khu cách ly COVID-19 Pháp Vân

Nhóm Việt kiều châu Âu về Việt Nam tránh dịch COVID-19 to tiếng với cán bộ phụ trách nơi đây khu cách ly Pháp Vân (Hà Nội) vì muốn đổi phòng.