Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ I)

Trong sự hoang tàn lạnh lẽo của mùa đông ở Nam Cực, người ta đang chuẩn bị cho con người lên sao Hỏa.

Tháng 6/2018, NASA chính thức công bố kế hoạch chiến dịch mặt trăng - Sao Hỏa như một phần của các văn bản Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết hồi tháng 12-2017. Văn bản yêu cầu tiếp tục thăm dò mặt trăng và bắt đầu các nhiệm vụ Sao Hỏa do con người trực tiếp thực hiện vào năm 2030.

Để chuẩn bị cho kế hoạch đó, trong nhiều năm, người ta đưa các nhóm người tới các trạm nghiên cứu ở Nam Cực, trong đó có trạm Concordia để tiến hành các thử nghiệm tâm lý con người.

Tiến sĩ Nadja Albertsen là bác sĩ được cử đến Concordia để theo dõi sự biến đổi tâm lý của những người ở Nam Cực mùa đông 2019.

PV CNN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nadja Albertsen trong thời gian cô vẫn ở Concordia. Và đây là bài viết ghi lại cuộc sống từ lúc ánh mặt trời biến mất cho đến khi mặt trời trở lại suốt mùa đông ở nơi được mệnh danh là sao Hoả trắng (cuối tháng 8). Bài viết có 4 phần. Xin lược dịch.

Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ I)

Đó là một nơi sâu thẳm trên Trái Đất, ở độ cao ba ngàn mét trên mực nước biển, một sa mạc lạnh đến mức gần như không thể chịu đựng. Một khung cảnh băng giá và bề mặt phẳng lì. Sẽ tốt hơn nếu đến đây vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên -30 độ C và có đủ ánh sáng để các máy bay nhỏ loại có thể hạ cánh và cất cánh.

Nhưng bây giờ là mùa đông, trời tối suốt nhiều tháng và nhiệt độ xuống -80 độ C. Chẳng có chuyến bay nào cả và chỉ có 13 người cô quạnh.

Một trong số 13 người đó là Tiến sĩ Nadja Albertsen, với một tài khoản Skype sắp sửa không còn liên lạc được. Cô đã kể cho PV nghe cô đã sống qua những ngày ở Nam Cực ra sao, khi mà cả thế giới đều chìm vào thinh không.

Đó là ngày 5/6 và đã một tháng kể từ lần cuối cùng cô bác sĩ người Đan Mạch nhìn thấy ánh mặt trời. Hàng loạt các báo khoa học và các thông tin về mùa đông Nam Cực đã khiến tôi tưởng tượng về một người đang bị mắc kẹt trong bóng tôi. Nhưng đáp lại ý nghĩ của tôi (PV CNN) là sự sôi động lanh lợi của Albertsen khi bắt đầu câu chuyện.

Albertsen, 36 tuổi, là một nhà nghiên cứu y sinh học tại trạm Concordia, một nơi chuyên nghiên cứu cực do Ý và Pháp xây dựng, đặt ở vùng bình nguyên phía đông Nam Cực rộng lớn. Nơi cô đang ở một trong những nơi cô đơn nhất trên thế giới, gần như bị cô lập trong 9 tháng và có gần 4 tháng chìm trong bóng đêm.

Hàng xóm gần nhất của họ là trạm nghiên cứu Vodstok do Nga điều hành, cách đó 600km. Về mặt trang thiết bị, Concordia có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện tại vượt xa cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Sơ đồ Nam Cực và các căn cứ nghiên cứu
Sơ đồ Nam Cực và các căn cứ nghiên cứu

Concordia có thể coi như ISS trên Trái đất, nó tồn tại ở một nơi mà con người không nên sống. Thậm chí cả vi khuẩn cũng phải đấu tranh đế sinh tồn trong cái lạnh, khô của sa mạc Nam Cực.  Oxy rất ít. Mùi vị cũng bị triệt tiêu và đa phần là sự im lặng bao trùm. Nơi này được mệnh danh là sao Hoả trắng.

Và vì vậy, Concordia là nơi lý tưởng để thực hành nghiên cứu các tác động khắc nghiệt của sự cô lập và khí hậu đối với tâm trí và thể xác con người. Đó là lý do Albertsen ở đó. Cô ấy góp phần giúp nhân loại hiện thực hoá giấc mơ lên sao Hoả, và hơn thế nữa.

Và câu chuyện về hành trình của cô ấy bắt đầu vào một đêm dài mùa đông.

Kỳ I: Sao Hỏa trắng

Tham vọng sao Hỏa của con người đòi hỏi ngoài các giải pháp kỹ thuật, còn cả chuẩn bị tâm lý và sinh lý cho người lên đó. Giống như trước khi thực hiện phải kiểm tra, sửa chữa, thử nghiệm, điều chỉnh tàu vũ trụ thì con người cũng phải trải qua giai đoạn như vậy. Không thể tốn thời gian và tiền bạc để gửi một phi hành đoàn đi 34 triệu dặm lên sao Hoả và chẳng được gì?

Jennifer Ngo-Anh (người gốc Việt - ND)  là trưởng nhóm tại Cơ quan thám hiểm con người và robot của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Bà cũng giám sát chương trình nghiên cứu của Albertsen. Trong kế hoạch lên sao Hoả bà cũng thừa nhận chính con người là các mắt xích yếu nhất.

Kịch bản cho chương trình đưa người lên sao Hoả kéo dài khoảng 30 tháng, Jennifer Fogarty, Giám đốc khoa học Chương trình nghiên cứu con người của NASA, nói. Nghĩa là chương trình bao gồm 6-9 tháng cho quãng đường lên sao Hoả, ở lại trên bề mặt sao Hoả 1 năm và 6-9 tháng cho hành trình trở về.

“Đó là một sự cô lập, giam cầm xa cách Trái Đất cực lớn. Bạn phải thực sự dự đoán trước và tính toán các sự hỗ trợ, nguồn lực để giải quyết các vấn đề xảy ra”, Fogarty giải thích.

Các công việc để hạn chế sai lầm được tiến hành. Ngo-Anh mô tả việc tiếp xúc với bức xạ không gian ngoài vũ trụ là một trở ngại chính trong việc thực hiện nhiệm vụ dài hơi.  Fogarty nói rằng phi hành đoàn có nguy cơ cao ung thư, tuy nhiên ung thư khó có thể biểu hiện trong chuyến đi. Tuy nhiên, trong thời gian làm nhiệm vụ, sự tiếp xúc lâu dài với bức xạ có thể gây ra phản ứng cảm xúc chậm chạp, nhận thức kém đi, các thành viên khó hiểu nhau hơn. Những thí nghiệm trên chuột đã cho thấy tác hại lên thần kinh của việc tiếp xúc với bức xạ kéo dài.

NASA đưa ra hàng trăm vấn đề, và họ cùng nhiều cơ quan đang đầu tư vào các nghiên cứu để hỗ trợ cao nhất sức khoẻ các phi hành gia cho sứ mệnh lên mặt trăng và sao Hoả trong tương lai.  Một trong lĩnh vực trọng tâm chính là nghiên  cứu cách con người tồn tại trong sự cô lập, giam cầm suốt hành trình.

Nam Cực, với các cụm cơ sở nghiên cứu khoa học trải rộng trên diện tích 14.2 triệu cây số là lựa chọn chính xác cho công việc nghiên cứu vũ trụ. Một phần lý do là mùa đông ở đây có 4 tháng liên tục không thấy mặt trời.

Dải Ngân Hà và cực quang trên đỉnh trạm Concordia vào một ngày cuối tháng 8/ Ảnh: Albertsen
Dải Ngân Hà và cực quang trên đỉnh trạm Concordia vào một ngày cuối tháng 8/ Ảnh: Albertsen

Người ở lại Nam Cực trong những tháng tối om đó là những đội mùa đông. Họ là những đối tượng bị mang ra thử nghiệm. Những người  tham gia các chương trình tương tự ở Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston (NASA) có thể rời đi nếu cảm thấy căng thắng quá mức chịu đựng. Nhưng ở Nam Cực, sẽ không có đường lui. Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA đã thử  chương trình nghiên cứu ở Concordia từ 2015. Mỗi năm họ đều luân chuyển các đoàn. Và Albersten là lứa thứ 15 đến đây.

Albertsen tốt nghiệp trường y ở Đan Mạch năm 2011. Trước khi làm bác sĩ đa khoa ở Greenland (đảo lớn nhất thế giới, nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương), cô muốn đi sâu vào chuyên ngành ung thư. Tuy nhiên, từ kế hoạch ở Bắc Cực 3 tháng, cuối cùng cô ở tận 3 năm, giữa một không gian xa xôi với  các vấn đề cấp cứu, giải cứu, phẫu thuật, tâm lý. 

“Bạn sẽ thấy ở đây có một số thứ được phép tồn tại và phát triển tới một mức độ cho phép, điều mà bạn không thể thấy ở các nước châu Âu. Chẳng hạn như vi khuẩn lao, virus gây ra các bệnh tình dục. Hay việc săn bắn điên cuồng”, cô nói về thời gian ở Greenland.

Cô kể có một ngày một con gấu Bắc Cực bị bắn chết ở phía bờ biển phía Tây ở Paamiut (1 thị trấn tây nam Greenland - ND). Không có bác sĩ thú y ở đó, công việc của cô là kiểm tra các mô tìm ký sinh trùng trước khi người ta mang gấu đi làm thịt. Cô được cắt một phần thịt của nó để nghiên cứu dưới kính hiển vi. Người dân địa phương thì ăn thịt gấu luộc kỹ.

Với những kinh nghiệm của Albertsten ở Greenland, ESA nói cô chắc chắn có một suất đi Concordia vào tháng 11/2018. Kế hoạch thành bác sĩ nghiên cứu ung thư thay đổi. 

Khi cô đặt chân Concordia, Nam Cực vẫn còn ánh nắng mùa hè, dân số ở đây vào khoảng 80 người, gồm cả đội mùa đông và mùa hè. Cần có một thời gian giao thoa để bàn giao công việc.

Mùa đông năm 2019, cả đội mùa đông có với 3 người phụ nữ và 10 người đàn ông: 3 nhà hoá học, 1 kỹ sư sinh học đồng thời là đội trưởng, một phi hành gia kiêm vị trí IT,  1 chuyên gia công nghệ, 1 kỹ thuật điện, 1 đầu bếp, 1 thợ sửa ống, 1 thợ cơ khí, 1 kỹ thuật viên trưởng, 1 bác sĩ và Albertsen.

Nadja Albertsen trong một bức ảnh tự chụp, tại phòng thí nghiệm của ESA nơi cô lấy các mẫu từ các thành viên trong đội để thực hiện các nghiên cứu/ Ảnh: Albertsen
Nadja Albertsen trong một bức ảnh tự chụp, tại phòng thí nghiệm của ESA nơi cô lấy các mẫu từ các thành viên trong đội để thực hiện các nghiên cứu/ Ảnh: Albertsen

 Albertsen bảo một số thành viên đoàn nói nghĩ đến những đóng góp cho nghiên cứu vũ trụ trong tương lai nên họ chấp nhận ở lại. Họ tìm cách khắc phục, tìm kiếm, thử nghiệm, lấy mẫu nghiên cứu. Họ cũng trải qua các lần đánh giá, tự đánh giá, các câu hỏi tâm lý trên chuyến bay thử nghiệm ở mô hình tàu vũ trụ Soyuz – một thử nghiệm yêu thích của cả nhóm.

Albertsen thu thập dữ liệu phục vụ cho 9 chương trình nghiên cứu khoa học ở châu Âu – những chương trình đang đầu tư vào ESA. Một vài kinh nghiệm thời ở Bắc Cực được sử dụng, còn lại là hoàn toàn mới. 

Những bài kiểm tra bắt đầu trong vòng vài ngày khi Albertsen đặt chân đến Concordia, nắm bắt phản ứng của cơ thể với sự thay đổi thời tiết và nhiệt độ ở Nam Cực. Các thành viên trong đó có cả Albertsen bắt đầu có các phản ứng như phù nề, cơ thể tích nước, mất ngủ. Có thể do ánh sáng mặt trời kéo dài, có thể do lệch múi giờ. Tất cả đều sụt cân.

Đến ngày 12/2, đội mùa hè cuối cùng rời trạm. Và đội mùa đông phải chống chọi trong điều kiện thời gian có ánh sáng mỗi ngày một ngắn đi. Họ bắt đầu thích ứng hơn, một số người đã lấy lại được cân nặng vốn có.

Vào ngày 2 và 3/5, cả đội bắt đầu thấy những tia nắng mặt trời cuối cùng xuất hiện. Từ trên ban công, một vệt nắng màu vàng ấm áp nhất trải dài trên bầu trời không tì vết, trước khi biến khỏi tầm mắt.

Từ ngày 4/5, đêm trường bắt đầu.

Concordia vào một ngày cuối tháng 7/ Ảnh: Albertsen
Concordia vào một ngày cuối tháng 7/ Ảnh: Albertsen

 “Những tuần đầu tiên khi mất ánh sáng mặt trời hơi khó chịu”, Albertsen nói, “Có những mâu thuẫn nhỏ giữa các thành viên. Nhưng chúng nhanh chóng được giải quyết. Tôi nghĩ mọi người đều lo lắng khi đối diện bóng tối và tôi nghĩ có thể tranh thủ điều chỉnh giấc ngủ”.

Ngủ là một trong những vấn đề ở Concordia. Triệu chứng của hội chứng mùa đông Nam Cực có thể xuất hiện từ trước khi mùa đông chính thức đến, và sau đó ngày càng rõ nét.  Các nghiên cứu đã chỉ ra các giai đoạn của giấc ngủ (mới ngủ, ngủ hơi sâu, ngủ sâu và ngủ say) bị đảo lộn khi ở Nam Cực, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Thành viên trong đội phải vật lộn với việc ngủ suốt một thời gian dài, họ thường xuyên buồn ngủ hoặc mất ngủ hoàn toàn. Biện pháp đối phó chỉ tập thể thao và các trị liệu tâm lý.

Albertsen hay mơ linh tinh khi mới tới Concordia. Nhưng cô không bị chứng mất ngủ ảnh hưởng. Cô nghĩ quãng thời gian ở Bắc Cực đã giúp ích cô. Những người khác không may mắn thế. Ngủ li bì hay mất ngủ đều trở thành một cái vòng luẩn quẩn. Thậm chí ảnh hưởng đến cả tâm trạng con người.

Dần dần, cả đội đã bắt đầu lấy lại cân bằng. Những căng thẳng cũng đi theo ánh mặt trời  biến mất dần và cả nhóm cảm thấy khoẻ hơn.

Trong đáy cùng thế giới, giữa cái đống băng giá rác rưởi, mọi thứ đang trở lại bình thường.

Kỳ tới: Ngưỡng khủng hoảng

"Quả táo cuối cùng đã biến mất. Người lấy nó vẫn là một bí ẩn. Sự biến mất của quả táo đánh dấu sự cạn kiệt của nguồn hoa quả tươi và rau xanh trong mùa đông ở Concordia..."

MN (Theo CNN)

Tỷ phú Jeff Bezos: Tôi chi hàng tỷ USD vào vũ trụ vì chúng ta đang hủy hoại Trái Đất

Tỷ phú Jeff Bezos: Tôi chi hàng tỷ USD vào vũ trụ vì chúng ta đang hủy hoại Trái Đất

Ông cho biết lý do đầu tư vào vũ trụ đó là muốn con người có thể tiếp tục nền văn minh của loài người trước sự diệt vong của Trái Đất.