Thêm 3 người mắc bạch hầu ở Tây Nguyên

Mới đây, hai người ở Đăk Lăk, một người ở Gia Lai, dương tính với vi khuẩn bạch hầu, nâng tổng số ca bạch hầu tại Tây Nguyên lên 75.

Theo Sở Y tế Đăk Lăk, hai ca bạch hầu mới đều là nam, dân tộc H’Mông, cùng một gia đình. Người thứ nhất sốt, đau họng, mệt mỏi, vùng sau họng có giả mạc màu trắng xanh, khó bóc, rỉ máu. Người thứ hai chăm nuôi người thứ nhất, không đau họng, không có giả mạc ở họng, theo VnExpress.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk lấy mẫu bệnh nhân hai người này gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên . Kết quả xét nghiệm, cả hai dương tính với bạch hầu. Các bệnh nhân được điều trị và cách ly tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu. Ảnh: VietNamNet
Gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu . Ảnh: VietNamNet

Điều tra dịch tễ cho thấy hai bệnh nhân này đều sống và làm rẫy tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đăk. Trong thời gian ủ bệnh, hai người không đi xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bạch hầu.

Thôn 7 xã Cư Króa đã bị cách ly. 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Cơ quan chức năng phun khử khuẩn bằng Chloramin B tại nhà các bệnh nhân và 25 hộ xung quanh, điều tra, giám sát và cho người tiếp xúc gần sử dụng kháng sinh dự phòng, tiêm vaccine Td phòng bạch hầu cho cư dân xã từ 7-26 tuổi.

Tại Gia Lai ,một ca mắc mới là nữ, 3 tuổi, trú tại Đăk Smei, huyện Đăk Đoa. Hiện Gia Lai có 20 người bệnh bạch hầu, với 2 ổ dịch. Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết cơ quan chức năng đã nhanh chóng cách ly người bệnh, điều trị tích cực và triệt để khoanh vùng, dập dịch.

Như vậy sau gần một tháng, 4 tỉnh Tây Nguyên ghi nhận 75 ca bạch hầu, trong đó 3 người đã tử vong . Hiện Đăk Nông 28 ca, Kon Tum 24 ca, Gia Lai 20 ca và Đăk Lăk 3 ca.

Trước đó, chiều 9/7, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bạch hầu, trước hết tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đối tượng của chiến dịch là những người từ 2 tháng tuổi trở lên, theo VietNamNet.

Trong đó, trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT và người từ 4 tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, tiêm vắc xin bạch hầu là một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất, mang ý nghĩa chống dịch toàn diện và bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Đây là kế hoạch có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương