Thụy Sỹ sẽ trải qua suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1975 do dịch COVID-19

Nền kinh tế của Thụy Sĩ sẽ chịu sự suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 gây thiệt hại sản lượng và việc làm...

Theo đó, Bộ Kinh tế Thụy Sỹ (SECO) cho hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 6,2% trong năm nay, ghi dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1975, thời điểm Thụy Sỹ bị ảnh hưởng bởi cú sốc giá dầu.

Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020, do hoạt động giao thương quốc tế bị ảnh hưởng, chi tiêu của người tiêu dùng bị thu hẹp và các công ty hồi phục chậm do các biện pháp tạm dừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, dự báo trên đã có sự cải thiện nhẹ so với mức ước tính giảm 6,7% mà các nhà kinh tế của Chính phủ Thụy Sỹ đưa ra trong báo cáo hồi tháng Tư. Sang năm 2021, SECO dự báo tăng trưởng kinh tế của Thụy Sỹ có thể đạt 4,9%, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn cao ở mức 4,1%.

Nhân viên trang trí cửa hàng giày Navyboot, trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 11/6. Ảnh: Reuters.
Nhân viên trang trí cửa hàng giày Navyboot, trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 11/6. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Sỹ cũng dự kiến sản lượng kinh tế có thể mất hơn 100 tỷ USD do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Theo ước tính, GDP năm 2020 của nước này ước sẽ vào khoảng 652 tỷ CHF (687,26 tỷ USD), giảm so với dự báo hồi tháng 12/2019 là 712 tỷ CHF (751,7 tỷ USD). Sang năm 2021, con số này dự kiến sẽ là 688 tỷ CHF (726,3 tỷ USD), giảm so với dự báo trước đó là 725 tỷ CHF (765,4 tỷ USD).

Nhà kinh tế Ronald Indergand của Chính phủ Thụy Sỹ cho biết nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Thụy Sỹ có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để khắc phục hoàn toàn các tác động của dịch COVID-19. Điều này là do tình trạng thất nghiệp gia tăng và thương mại đình trệ vì sự giảm tốc ở các nền kinh tế khác.

Chuyên gia này cảnh báo vẫn còn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và có những lo ngại về việc dịch bệnh sẽ được ngăn chặn thế nào. Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ dẫn tới hậu quả rất tiêu cực và làm chậm đáng kể sự phục hồi của nền kinh tế.

Ông Indergand nói thêm nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp cũng như nợ hộ gia đình sẽ tăng lên đáng kể, và điều này có thể khiến chi tiêu và tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Theo TTXVN

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương