Triển lãm "Thép và Vải' của hai người đàn bà làm nghệ thuật

"Thép và Vải" là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sĩ nổi bật của mỹ thuật Việt Nam đương đại Lê Thị Hiền và Trần Thanh Thục

Chất liệu từ xưa đến nay luôn đóng một vai trò quan trọng trong thực hành nghệ thuật. Đối với nghệ thuật đương đại, chất liệu đôi khi không chỉ là nguyên liệu để nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm mà chúng đã đóng vai trò quan trọng, tạo thành tiếng nói của tác phẩm. Chất liệu giúp người nghệ sĩ tư duy về nghệ thuật và giúp họ tìm ra những ngôn ngữ, phong cách cho bản thân sáng tạo của họ.

Ngày 26/5 vừa qua, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra cuộc triển lãm của hai nghệ sỹ điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục có tên gọi "Thép và Vải"

Triển lãm

Đây là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sĩ khá nổi tiếng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tên triển lãm cũng là thể loại chất liệu đặc trưng, sở trường của hai nghệ sĩ.

Cùng trưởng thành nghề nghiệp từ Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, hai nữ tác giả này đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Tên triển lãm cũng là thể loại chất liệu đặc trưng, sở trường của họ. 6 tác phẩm điêu khắc thép của Lê Thị Hiền và hơn 30 tác phẩm tranh vải của Trần Thanh Thục đã tạo nên một cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng giữa hai chất liệu, hai tâm hồn đa cảm của hai người đàn bà làm nghệ thuật.

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền được xem là một trong những tác giả nữ thuộc thế hệ thứ nhất của giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới. Chị là cựu giảng viên khoa điêu khắc Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và cũng là người góp phần đào tạo những thế hệ các nhà điêu khắc trẻ hiện nay.

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền
Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền

Chất liệu sở trường của Lê Thị Hiền là đá và thép. Trong nhiều năm theo đuổi khuynh hướng điêu khắc tối giản, chị ưa thích chú trọng đến khối, nét và sự chuyển động. Các tiết diện vuông, tam giác được xem như một biểu tượng đa diện trong các thể hiện điêu khắc của Lê Thị Hiền ít nhiều liên tưởng đến bản nguyên con người và tính nữ.

Màu hồng sen là màu chị ưa thích thể hiện với những tác phẩm chất liệu thép khoảng 10 năm trở lại đây. Với chị sắc hồng này không chỉ là điểm nhấn, mà nó còn là tín hiệu đơn mà đa sắc cho sự biểu cảm đầy nữ tính. Nó làm cho thép trở nên quyến rũ, uyển chuyển mà cũng rất tự nhiên trong những không gian sắp đặt khác nhau.

Tác phẩm 
Tác phẩm "Cổng và gió" của Lê Thị Hiền

Trần Thanh Thục là họa sĩ sớm được ghi nhận là một nữ tác giả độc sáng với chất liệu tranh vải. Trong số ít ỏi các nữ họa sĩ dùng vải làm chất liệu, thì chị là người có một phong cách riêng hoàn toàn. Không chỉ tận dụng màu của vải để tạo hình, mà chị còn sử dụng một cách rất khéo léo và tinh tế những chi tiết, họa tiết được in sẵn bằng màu công nghiệp trên những thước vải với những chủng loại khác nhau để sáng tác.

Họa sĩ Trần Thanh Thục
Họa sĩ Trần Thanh Thục

Đề tài yêu thích của nữ họa sĩ là phong cảnh và tĩnh vật với một biên độ rộng mở và đa diện. Tranh chị thể hiện những khoảng khắc tươi đẹp của đất nước và con người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, hải đảo đến miền núi, những nơi chốn chị từng đặt chân đến. Nhưng có lẽ tình yêu lớn nhất của nữ họa sĩ tranh vải này vẫn là dành cho Hà Nội.

"Phố cổ Hà Nội" của Trần Thanh Thục

Nhưng góc phố cũ kỹ rêu phong hiện lên trong tranh chị dường như đầy nồng nàn. Kỹ càng trong từng nét cắt, cẩn trọng trong cách bồi dán các mép vải, nhưng đồng thời trên những tác phẩm của chị ta vẫn thấy được sự ngẫu hứng của cảm xúc hiển hiện ra như tâm hồn đa cảm của người đàn bà làm nghệ thuật.

Hơn 30 tác phẩm của chị được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này cũng là những sáng tác mới nhất trong hai năm trở lại đây.

Nguyễn Trần Thùy An

Đào tạo Mỹ thuật nhìn từ hiệu ứng tranh “Cà khịa”

Đào tạo Mỹ thuật nhìn từ hiệu ứng tranh “Cà khịa”

Những ngày giáp Tết, bức tranh “Thưởng trà” của danh họa Mai Trung Thứ trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết