"Trung Quốc tự cho mình giữ vai trò “người tốt” trong vấn đề Biển Đông"

Trung Quốc xây dựng hạ tầng, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhưng lại cáo buộc Mỹ gây bất ổn cho Biển Đông.

Tờ Hoàn Cầu thời báo của Nhân Dân nhật báo - Đảng cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài xã luận có tiêu đề How to defuse South China Sea tensions? (tạm dịch: Làm thế nào để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông?).

Bài viết kêu gọi cần có một khung pháp lý và cơ chế hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông để đảm bảo ổn định khu vực. Bên cạnh đó bài viết còn nhắm đến Mỹ và lên án nước này đã có những cuộc tập trận, thực hiện tự do hàng hải gây bất ổn cho Biển Đông, nhưng không nhắc gì đến hành vi của Trung Quốc.

  Trung Quốc xây dựng hạ tầng, quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. ẢNH: MAI THANH HẢI

Trung Quốc xây dựng hạ tầng, quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. ẢNH: MAI THANH HẢI

Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng Trung Quốc luôn khẳng định hành động của mình trên Biển Đông là nhất quán, mang lại sự ổn định cho khu vực, nên đã cáo buộc Washington gây mất ổn định, trở thành nguồn gốc gây xích mích trong ASEAN. Tuy nhiên, nhưng tuyên bố như vậy là không đúng với thực tế. Bản thân Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông khiến Mỹ buộc phải tăng cường hoạt động quân sự tại vùng biển này.

PGS Stephen Robert Nagy nói: "Chính việc Trung Quốc từ chối phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào năm 2016 về vấn đề chủ quyền Biển Đông, dẫn đến việc Mỹ tăng cường hoạt động. Đó là chưa kể các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines".

Đồng quan điểm, PGS-TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines) phân tích: “Suốt thời gian qua, khi có bất cứ căng thẳng nào ở Biển Đông, Bắc Kinh lại nhanh chóng lên tiếng đổ trách nhiệm cho các nước ở khu vực”.

“Giờ đây, Trung Quốc tự cho mình giữ vai trò “người tốt”, chuyển sang đổ lỗi cho các nước bên ngoài. Khi nước nào (như Mỹ, Úc, các nước châu Âu…) lên tiếng về Biển Đông, Trung Quốc lại “gắn mác” cho các nước này đã gây bất ổn. Rộng hơn, Bắc Kinh cho rằng những nước như thế là đồng minh của Mỹ và đang hành xử như giữa một cuộc Chiến tranh lạnh”, PGS-TS Heydarian phân tích.

Bắc Kinh từng mở ra các trung tâm nghiên cứu tham vấn để công bố các báo cáo, đồng thời chiêu dụ nhiều chuyên gia quốc tế để đưa ra các phân tích đều phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Một trong số đó là Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) - Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tháng 3 vừa qua, SCSPI từng công bố báo cáo "US military operations in South China Sea increase risk of confrontation, think tank says" (tạm dịch: Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ) quy kết Mỹ chịu trách nhiệm về bất ổn ở Biển Đông, trong báo cáo này không nhắc đến trách nhiệm và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đầu năm, SCSPI đã đưa ra cáo buộc tàu cá của Việt Nam xâm phạm trái phép vùng nước của đảo Hải Nam. Theo giới chuyên gia quốc tế đã chứng minh cáo buộc của SCSPI là thiếu căn cứ và vô lý.

Dù vậy, Bắc Kinh dường như sẽ còn tiếp tục theo đuổi chiến lược trên để đánh tráo khái niệm nhằm thay đổi thực tế diễn biến ở Biển Đông.

Thanh Mai

Bão số 9 tiến vào Biển Đông, tâm bão nằm gần vùng biển Quảng Nam - Phú Yên

Bão số 9 tiến vào Biển Đông, tâm bão nằm gần vùng biển Quảng Nam - Phú Yên

Bão Molave duy trì vận tốc 20-25 km/h trong suốt thời gian di chuyển và tiến vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày 28/10.