Tối qua, sự kiện "Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng & Lễ trao tặng Un women weps awards năm 2024" đã diễn ra tại Hà Nội, vinh danh 17 doanh nghiệp Việt Nam với giải thưởng WEPs Awards 2024 của UN Women. Giải thưởng này ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng, hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho Việt Nam.
Lễ vinh danh WEPs Awards là một phần của chương trình “Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua mua sắm có trách nhiệm giới” (WE RISE Together). Chương trình này được Chính phủ Australia hỗ trợ, UN Women phối hợp với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thực hiện. Hiện tại, đã có 222 doanh nghiệp tại Việt Nam và 10.296 doanh nghiệp trên toàn thế giới cam kết thực hiện Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs).
Hình ảnh tại sự kiện |
Giải thưởng UN Women WEPs Awards được thiết lập nhằm tôn vinh những công ty tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua các sáng kiến và chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, giải thưởng cũng khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong hoạt động kinh doanh của mình.
6 hạng mục của UN Women WEPs Awards 2024 bao gồm:
- Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới
- Bình đẳng giới tại nơi làm việc
- Bình đẳng giới tại thị trường
- Bình đẳng giới thông qua tham gia cộng đồng và quan hệ đối tác
- Báo cáo về bình đẳng giới
- Đầu tư, tài trợ sáng tạo cho bình đẳng giới
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Bình đẳng và thịnh vượng không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và toàn xã hội. Sáng kiến UN Women WEPs Awards là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và cá nhân trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo, cam kết thực hiện bình đẳng giới, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và tiến bộ.”
Bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cũng khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thu hẹp khoảng cách giới. Bà cho biết WEPs Awards đã mở ra một kỷ nguyên mới, tạo ra sự chuyển đổi tích cực cho doanh nghiệp và thiết lập tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp khác noi theo, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình tiến tới bình đẳng giới.
Bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bà Christine Arab, Giám đốc UN Women Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ: “Tăng cường quyền năng cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp thực hành tốt bình đẳng giới thông qua đa dạng nhà cung cấp và mua sắm có trách nhiệm giới không chỉ thúc đẩy bình đẳng giới mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Dự án 'WE RISE Together' đã chứng minh rằng khi chúng ta đầu tư vào phụ nữ và bình đẳng giới, chúng ta đầu tư vào tương lai.”
WEPs Awards là sáng kiến chung của UN Women và UN Global Compact nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện bình đẳng giới. Giải thưởng được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2020 và tiếp tục được tổ chức vào các năm 2021, 2022 và 2024. Đây là sáng kiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên của UN Women nhằm ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Sau lễ trao giải tại Việt Nam, lễ trao giải WEPs Awards châu Á-Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 12.
Quang cảnh tại sự kiện (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Sự kiện không chỉ là dịp để vinh danh các doanh nghiệp xuất sắc mà còn là diễn đàn để các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các cơ quan bộ ngành cùng nhau tổng kết, thảo luận về những bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua quan hệ cộng đồng, đối tác, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và các sáng kiến tài chính.
Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết quốc tế về bình đẳng giới
Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới.