Vải cũng như một số loại trái cây khác, nếu không biết cách bảo quản thì rất nhanh hỏng. Thường muốn vải thiều dùng được lâu bạn sẽ cần bảo quản lạnh chúng. Nhưng với mỗi cách bảo quản khác nhau, vải thiều có thể giữ được độ tươi ngon trong vài ngày hoặc tới cả tháng.
Bảo quản vải thiều bằng túi zip, giữ độ tươi cả tuần
Vải thiều mới mua về, bạn muốn giữ nguyên độ tươi ngon của nó trong vài ngày để dùng dần mà không bị héo, hỏng, thực hiện theo các bước dưới đây: Cắt rời từng trái vải, chừa lại phần cuống 1 - 2 cm trên mỗi trái. Sau đó rửa sạch và để trái vải ráo nước, thật khô và chia thành từng phần nhỏ trong các túi zip rồi bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.
Bảo quản bằng hộp và giấy báo, độ tươi ngon duy trì đến 2 tháng
Điều cần ghi nhớ nhất khi muốn bảo quản vải dùng lâu ngày là tuyệt đối không rửa chúng mà để khô nguyên như khi hái trên cây xuống. Cắt rời trái vải, chừa phần cuống khoảng 1cm, để rổ cho ráo nước. Chuẩn bị 1 hoặc vài hộp nhựa theo số lượng vải muốn bảo quản và 1 ít giấy báo.
Lót vài lớp giấy báo xuống đáy hộp và bắt đầu xếp vải thiều vào, sau 1 lớp quả là 1 lớp báo. Cuối cùng là bọc lớp giấy bảo cho kín toàn bộ chỗ vải, càng nhiều giấy báo càng tốt.
Đậy nắp hộp và cho vào ngăn mát tủ lạnh, có thể để lâu tới 2 tháng. Vải khi bảo quản vẫn bị hấp hơi nên có 1 vài quả có thể xuất hiện dấu hiệu hỏng, nhưng tổng thể vẫn tươi ngon như thời điểm ban đầu.
Nếu không có hộp giấy, bạn dùng túi nylon hay màng bọc thực phẩm thay thế, nhưng chúng sẽ không sạch sẽ và an toàn cho bằng hộp nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm.
Bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh, vải thiều dùng được cả năm
Nếu muốn trữ vải thiều tươi từ mùa vải đến tết thì cũng cách bọc bảo quản bằng hộp và giấy báo trên, bạn cho chúng lên ngăn đá tủ lạnh, khi ăn mang rã đông bình thường, hương vị vẫn thơm ngon như mới.
Ngoài ra, để gọn hơn, bạn có thể bóc vỏ trái vải rồi xếp chúng lại gọn gàng trong hộp nhựa, rắc thêm xíu đường cát nếu muốn, đậy nắp hộp rồi bảo quản trong ngăn đá. Khi rã đông sử dụng, hương vị trái vải không thua kém vải tươi bao nhiêu.
Nếu có máy ép chân không, bóc vỏ quả vải rồi xếp chúng vào túi chuyên dụng và hút chân không chúng, bảo quản trên ngăn đông dùng dần.
Ngoài các cách bảo quản trên thì còn một số cách bảo quản khác, nhưng không giữ được độ tươi vì vải đã qua chế biến mà vẫn giữ được dưỡng chất trong vải. Đó là một số phương pháp sau:
Phơi hoặc sấy khô
Cách bảo quản này vải sẽ không còn độ tươi và mọng nước, thịt vải chuyển sang màu nâu cánh gián, nhưng vẫn khá thơm ngon và chứa nhiều dưỡng chất.
Sau khi phơi sấy thành vải khô, vải thiều bảo quản được lâu nhất mà không sợ bị hư hỏng.
Ngâm nước vải
Lột lấy phần thịt vải thiều và để ráo nước. Nấu đường cát hoặc đường phèn với 1 ít nước cho đường tan và sôi lăn tăn, hơi sánh rồi bắc ra để thật nguội. Xếp thịt vải vào keo hay tô thủy tinh có nắp, đổ nước đường cho ngập mặt vải và đậy kín bỏ vào ngăn mát tủ lạnh qua 1 đêm cho thấm đường. Sau đó có thể dùng dần trong 1 - 2 tháng.