6 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút 2,21 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, từ ngày 1/1-20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 2,21 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ.

TP.HCM cấp mới có 304 dự án với vốn đăng ký đạt 231,1 triệu USD, giảm 12,6% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động thông tin và truyền thông có 68 dự án, vốn đăng ký là 101,4 triệu USD, chiếm 43,8% vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo là hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 124 dự án vốn đăng ký là 59,2 triệu USD, chiếm 25,6%; chuyên môn, khoa học công nghệ có 81 dự án, vốn đăng ký 22,3 triệu USD, chiếm 9,6%.

Về nhà đầu tư nước ngoài, Singapore dẫn đầu với 54 dự án, vốn đăng ký đạt 108,1 triệu USD, chiếm đến 46,8%. Kế đến là Nhật Bản 36 dự án, vốn đăng ký 38,4 triệu USD, chiếm 16,6%, Hàn Quốc có 42 dự án, vốn đăng ký đạt 32,6 triệu USD, chiếm 14,1%.

Đối với điều chỉnh vốn đăng ký có 68 lượt dự án với số vốn tăng 1.377 triệu USD, tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 11 dự án, vốn đăng ký 852,6 triệu USD, thông tin và truyền thông có 5 dự án, vốn đăng ký 256,3 triệu USD.

Singapore vẫn là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1.137 triệu USD.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 1.166 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 605,1 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 241 triệu USD, chiếm 39,8% tổng vốn góp; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 135 triệu USD, chiếm 22,3%; kinh doanh bất động sản 86,3 triệu USD, chiếm 14,3%.

Hàn Quốc và Singapore là 2 quốc gia có tỷ trọng cao lần lượt chiếm 31,4% và 22,7%.

Tính đến ngày 20/6, số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 10.726 dự án với vốn đăng ký là 55,19 tỷ USD (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Bên cạnh đó, cũng trong nửa đầu năm nay, TP.HCM đã cấp phép 21.413 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 260.130 tỷ đồng, tăng 13,4% về giấy phép và giảm 23,5% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 15.673 doanh nghiệp thành lập, tăng 13,3% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 195.517 tỷ đồng, giảm 13,4%.

Phân theo loại hình doanh nghiệp, Công ty TNHH có 18.692 đơn vị, tăng 14,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 135.172 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ. Công ty CP có 2.525 đơn vị, tăng 2,9%, vốn đăng ký 124.869 tỷ đồng, giảm 22,6%. Doanh nghiệp tư nhân 195 đơn vị, tăng 19,6%, vốn đăng ký 88 tỷ đồng, giảm 35,3%.

Theo loại hình kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 82 doanh nghiệp được cấp phép với vốn đăng ký đạt 1.020 tỷ đồng, giảm 55,7% về vốn so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp, xây dựng cấp phép cho 4.249 doanh nghiệp, tăng 14,0% so với cùng ky; vốn đăng ký đạt 57.383 tỷ đồng, giảm 43,9%. Trong đó, ngành xây dựng có 1.858 doanh nghiệp, vốn đạt 17.838 tỷ đồng, giảm 38,5% về vốn so với cùng kỳ; nhóm ngành công nghiệp có 2.391 đơn vị với số vốn đăng ký đạt 39.545 tỷ đồng, giảm 46,1% về vốn.

Khu vực thương mại, dịch vụ cấp phép 17.082 doanh nghiệp, tăng 13,4% so với cùng kỳ, vốn đăng ký đạt 201.727 tỷ đồng, giảm 14,3%. Trong đó, thương nghiệp 8.196 đơn vị với vốn đăng ký đạt 70.265 tỷ đồng, giảm 0,9% về vốn; tài chính ngân hàng có 278 đơn vị với vốn đăng ký đạt 16.489 tỷ đồng, tăng 45,6%; kinh doanh bất động sản có 1.453 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 73.266 tỷ đồng, tăng 8,8%.

Tổng Hợp