Ba người con gái tài năng của GS Đặng Thai Mai

Những người con của ông đều là các trí thức, được kính nể về cả tài năng và nhân cách.

Giáo sư Đặng Thai Mai (1902-1984) là một nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam...

Những người con của ông đều là các trí thức, được kính nể về cả tài năng và nhân cách. Ba người con gái Đặng Bích Hà là phó giáo sư sử học; Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào là phó giáo sư về văn học phương Tây. 

Đặc biệt, trong bốn “chàng rể hiền” của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai, thì có đến ba người mang quân hàm tướng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư và Trung tướng Phạm Hồng Sơn.

  GS Đặng Thai Mai cùng vợ và các con. Từ trái sang: Đặng Thị Hạnh, Đặng Bích Hà, Đặng Thai Hoàng, Đặng Xuyến Như, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. Ảnh chụp tại Hà Nội năm 1962.

GS Đặng Thai Mai cùng vợ và các con. Từ trái sang: Đặng Thị Hạnh, Đặng Bích Hà, Đặng Thai Hoàng, Đặng Xuyến Như, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. Ảnh chụp tại Hà Nội năm 1962.

Bà Đặng Bích Hà 

Bà Đặng Bích Hà là con gái cả của GS. Đặng Thai Mai và là phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên của bà có nghĩa là "ráng biếc", (nằm trong một hệ khác hẳn với tên những người em sau, tên thuộc hệ hoa).

 Khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Ảnh: TRẦN HỒNG
 Khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Ảnh: TRẦN HỒNG

Bà là Phó Giáo sư Sử học. Bà kết hôn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1946, hai năm sau cái chết của Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của Đại tướng. Suốt hai phần ba thế kỷ làm bạn đời, bên cạnh chồng, bà Đặng Bích Hà lặng thầm làm hậu phương vững chắc cùng ông đi suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ cho đến khi ông về với thế giới người hiền.

Bà Đặng Thị Hạnh

PGS Đặng Thị Hạnh (94 tuổi) đã ra đi vào lúc 16h50 ngày 24/5 do tuổi cao sức yếu. Bà sinh năm 1930, là con gái thứ hai của cố GS Đặng Thai Mai. Chồng bà Đặng Thị Hạnh là trung tướng Phạm Hồng Cư. 

Bà tốt nghiệp Đại học Văn khoa (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) Hà Nội năm 1956. Năm 1984, bà được phong học hàm phó giáo sư và nhận danh hiệu nhà giáo Ưu tú năm 2010. PGS Đặng Thị Hạnh từng công tác tại khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đến khi nghỉ hưu năm 1990. Một số công trình khoa học tiêu biểu của bà có thể kể đến: Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, Bà và cháu (Hồi ức), Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX, Cô bé nhìn mưa (Hồi ức)... Ở mảng dịch thuật, PGS. Đặng Thị Hạnh nổi tiếng với tác phẩm dịch Thư Hà Nội của Jean Tardieu hay Biến dạng của Kafka.

PGS.NGƯT Đặng Thị Hạnh tại nhà riêng (Ảnh: Thành Long).
PGS.NGƯT Đặng Thị Hạnh tại nhà riêng (Ảnh: Thành Long).

Bà là người đóng góp rất lớn cho ngành khoa học Văn học, đặc biệt là chuyên ngành Văn học Pháp. Tác phẩm Cô bé nhìn mưa của bà được xuất bản lần đầu vào năm 2008, cuốn sách được trao giải B Giải thưởng Sách quốc gia vào tháng 10/2022.

Cô bé nhìn mưa là cuốn hồi ức về gia đình của bà gắn với những biến động của lịch sử Việt Nam, cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Tâm sự về con đường và cơ duyên đưa mình đến với khoa học, cụ thể là việc giảng dạy, nghiên cứu văn học, văn hóa Pháp, PGS Đặng Thị Hạnh chia sẻ: "Tôi vốn thuộc về một thế hệ chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Học phổ thông dưới thời Pháp thuộc, học đại học trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp bùng nổ, rồi làm việc khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt. Nhưng điều may mắn nhất của tôi cũng như những anh chị em khác trong nhà là được xuất thân trong một gia đình gia giáo, ông nội cũng như ông cụ thân sinh ra chúng tôi đều là những người có vốn hiểu biết uyên thâm. Chính vì điều đó mà ngay từ khi còn rất nhỏ, anh chị em chúng tôi đều được tiếp xúc với nguồn tài liệu vô cùng phong phú và dồi dào trong lĩnh vực văn học. Tuy chiến tranh là vậy, nhưng nguồn tư liệu bằng văn bản tiếng Pháp mà chúng tôi được tiếp cận đều không bị gián đoạn, do những người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của cụ thân sinh ra chúng tôi là GS Đặng Thai Mai thường xuyên gửi từ Pháp về Việt Nam".

Bà Đặng Anh Đào

PGS.TS Đặng Anh Đào sinh năm 1934, nguyên là giảng viên khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, dịch giả được nhiều người biết đến, với các tác phẩm Tài năng và người thưởng thức, Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX, Truyện ngắn phương Tây, Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong Tấn trò đờiTầm xuân và những ký ức muộn...

  PGS. TS Đặng Anh Đào. Ảnh: KIỀU MAI SƠN.

PGS. TS Đặng Anh Đào. Ảnh: KIỀU MAI SƠN.

Bà là người dẫn dắt nhiều học trò thành danh như giáo sư Lê Huy Bắc, tiến sĩ Trần Hinh, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Châu La Việt...

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá phó giáo sư Đặng Anh Đào là một nhà nghiên cứu xuất sắc, giảng dạy về văn học Pháp, có nhiều đóng góp cho nghiên cứu văn học Pháp ở Việt Nam. Bà có công rất lớn trong việc bảo vệ những hiện tượng mới, giá trị mới của văn học trong nước.

Bà kết hôn với Trung tướng - GS Phạm Hồng Sơn (1923 - 2013), một danh tướng trí thức. Ông trực tiếp cầm quân, trưởng thành từ trung đoàn trưởng trong kháng chiến chống Pháp đến Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng mặt trận tại Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Bà giúp ông hoàn thiện hồi ký Nhớ và quên xuất bản năm 2011, để bổ sung vào “vành trăng khuyết” trong lịch sử quân sự...

Bà Đặng Anh Đào đã qua đời vào đầu năm 2023. Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn say mê làm việc, nghiên cứu. Dù đi lại khó khăn, bà nhận dịch, viết sách báo, dạy cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh tại nhà.

Thanh Mai

Ra mắt “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ”

Ra mắt “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ”

Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết những trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ.