Chiều 16/9, bác sĩ Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, nói cơ sở này sẽ hết thuốc tê trong 2 tuần tới, "nguy cơ đóng cửa rất cao". Hiện 2/3 dịch vụ ngoại trú của đơn vị này phải sử dụng thuốc tê.
Lý do là vì giấy phép lưu hành thuốc tê của các công ty dược chưa được gia hạn, trong khi chỉ có 2-3 đơn vị nhập loại thuốc này về Việt Nam. Trên thế giới không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm sản phẩm thay thế cũng gặp nhiều thách thức.
Bác sĩ Hà cho biết thời gian thuốc được nhập về đến Việt Nam sẽ mất 3-4 tháng.
Với một số loại thuốc tê thiết yếu đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại khác có tính năng tương tự nhưng "không thể hoàn hảo".
Thuốc gây tê được chia làm hai loại, gồm chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng nhược điểm là gây tăng huyết áp nên người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không được dùng loại này.
Hiện Bộ Y tế chưa có phản hồi về đề nghị của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4. Tại Hà Nội, các bệnh viện thiếu vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp. Còn TP.HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện đang thiếu thuốc giải độc vì đây các thuốc đặc biệt, hiếm, nhiều công ty không muốn nhập khẩu vì lợi nhuận thấp. Các bệnh viện cũng không thể dự trữ, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thiên về đấu giá quyền sử dụng đất