Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh và hành trình xây dựng Làng tre Phú An

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh là một nhà thực vật học chuyên về tre nứa, với nhiều công trình nghiên cứu được công nhận trên thế giới.

 Làng Tre Phú An - khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á do Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh dày công xây dựng, đã nhận được giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học năm 2010.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh tốt nghiệp ngành sinh lý thực vật Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 1974, bà lấy bằng tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Paris 12 (Pháp) năm 1994 và hiện là giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. 

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, dành phần lớn thời gian làm việc ở làng tre - Ảnh: Thuận Thắng
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, dành phần lớn thời gian làm việc ở làng tre - Ảnh: Thuận Thắng

Trong một lần về thăm quê ở Phú An (Bình Dương), Tiến sĩ Mỹ Hạnh nhìn những rặng tre quanh làng và chợt nảy ra ý tưởng hình thành làng tre để giúp bà con có thêm thu nhập. Từ đó, bà bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt và nghiên cứu ứng dụng để chế tạo những sản phẩm thân thiện môi trường từ tre, nâng cao giá trị cây tre Việt Nam trong vai trò ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do dự án ban đầu nhỏ nên việc xin tài trợ gặp rất nhiều khó khăn. Tiến sĩ Mỹ Hạnh quyết định viết lại dự án mang tầm quốc tế, kêu gọi tài trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp). Khi dự án tạm hoàn tất thì nước Pháp bầu cử. Chính quyền mới không muốn thực hiện dự án, nên cử ông Jean Philipe Bayon - Phó Chủ tịch vùng Rhône Alpes sang Việt Nam với ý định bác bỏ việc tài trợ. Thế nhưng khi đến làng, nhìn thấy những bụi tre quý hiếm được sưu tầm, ông đã thay đổi ý định. Sau đó, Tiến sĩ Mỹ Hạnh được mời sang Rhône Alpes trình bày ý tưởng làng tre.

Năm 2003, Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 Euros (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). Kể từ đó, dự án chính thức được hình thành bởi sự hợp tác giữa 4 đơn vị, là tỉnh Bình Dương, ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat – cộng hòa Pháp.

Ngoài việc vùng Rhône Alpes ủng hộ tài trợ, tỉnh Bình Dương quyết định cấp 10 ha đất tại xã Phú An và đóng góp thêm khoản kinh phí 1,5 tỷ đồng để xây dựng nên làng tre Phú An. Chính vì vậy, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên Làng tre Phú An ra đời từ năm 1999, nhưng đến tháng 4/2008 khu du lịch sinh thái làng tre Phú An mới chính thức mở cửa và phục vụ du khách.

Năm 2010, Làng tre Phú An đã được trao giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 14/5/2016, Làng Tre Phú An được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp trên thế giới. Cá nhân Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, vì sự nghiệp giáo dục và bảo tồn đa dạng sinh học năm 2009.

 Một góc Làng tre Phú An. Ảnh: phnhan.vncgarden.com
 Một góc Làng tre Phú An. Ảnh: phnhan.vncgarden.com

Khi nhìn lại những thành quả đã đạt được, Tiến sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ: “Có lẽ chỉ có niềm đam mê mới giúp tôi làm được điều đó. Hễ nghe ở đâu có giống tre mà làng Phú An chưa có là tôi tìm đến ngay. Tôi di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào tìm được, từ xe ôm đến xe cải tiến, xuồng, xe tải… Lên miền núi thì ráng đi bộ, leo núi. Tôi vẫn nhớ những chuyến lội bộ không mỏi để tìm tre vuông ở miền núi phía Bắc, tre dây ở Thanh Hóa, tre gai ở đỉnh Fansipan”…

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của nữ tiến sĩ mà ngày nay, Làng tre Phú An trở thành nơi tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 200 loài khác nhau và được xem là trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á. Làng tre Phú An đang trở thành địa điểm lý tưởng cho học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí làm đề án tại làng tre...

Tiến sĩ Mỹ Hạnh giới thiệu với sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM một loại tre kiểng có tác dụng xử lý chất độc trong đất và nước - Ảnh: Thuận Thắng
Tiến sĩ Mỹ Hạnh giới thiệu với sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM một loại tre kiểng có tác dụng xử lý chất độc trong đất và nước - Ảnh: Thuận Thắng

Bên cạnh với việc bảo tồn tre, Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh lại tất bật với dự định nghiên cứu phát triển những tính năng của cây tre vào đời sống kinh tế, qua đó góp phần nâng cao giá trị hoạt động bảo vệ môi trường. Giá trị kinh tế của tre đã được biết đến nhiều trong chế biến thực phẩm, xây dựng, làm hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ... Nhưng giá trị về mặt môi trường còn lớn hơn nhiều, nhất là trong việc giáo dục ý thức bảo vệ sinh thái ở người dân. Trồng tre thành rừng trên đất đồi trọc sẽ giúp chống xói mòn, đồng thời bán được chỉ số carbon cho thế giới. 

Theo đó, mỗi loại tre sẽ được nghiên cứu để tìm ra các đặc điểm nổi bật để có những ứng dụng phù hợp. Ví như đối với tre gai thì theo Từ điển bách khoa dược thảo Larousse của Pháp (Larousse Encyclopédie des Plantes médicinales), gần như tất cả bộ phận của tre gai: từ rễ, lá đến măng đều được sử dụng trong y học cổ truyền. Nước ép từ thân tre gai chứa rất nhiều silice, có tác dụng tốt trong việc làm tăng sức chịu đựng của các mô xương và sụn.

Tiến sĩ Mỹ Hạnh đang phối hợp với trường dược để thử dược tính một số loại tre trong điều trị bệnh như làm hạ nhiệt, giảm căng thẳng… Đặc biệt, bà đã thử nghiệm thành công việc xử lý nước thải từ tre bằng cách xây hồ lớn, đổ đất vào và áp dụng nguyên tắc lọc gồm có đá lớn, đá nhỏ, cát rồi trồng tre ở bên trên. Nước thải từ nhà máy sẽ thẩm thấu qua bãi trồng tre, rễ tre sẽ hút và cho ra nước xử lý rất tốt.

Hiện nay, Công ty Sài Gòn Tantec do Đức đầu tư ở Khu công nghiệp Việt Hương, chuyên sản xuất và cung cấp da thuộc cho các hãng thời trang thế giới đã đặt hàng và sử dụng ứng dụng này để xử lý nước thải.

Trong suốt 23 năm hoạt động và phát triển, Làng Tre Phú An đã trải qua nhiều khó khăn có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng với quyết tâm, tình yêu dành cho cây tre và con người tại vùng đất quê hương của mình, Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã xây dựng được một vườn thực vật xứng tầm quốc tế.

Để xây dựng đã khó, bảo tồn và phát triển càng khó hơn. Do đó rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp nối đam mê xây dựng quê hương trong tương lai.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ tiến sĩ dùng vỏ thanh long tạo màng sinh học thay thế túi nilon

Nữ tiến sĩ dùng vỏ thanh long tạo màng sinh học thay thế túi nilon

Màng pectin từ vỏ thanh long do TS.Trang tạo ra có thể phân hủy đến 62,5% trong môi trường đất sau 7 ngày, là vật liệu tiềm năng thay thế túi nilon.