Báo cáo ngành sản xuất gạo - Triển vọng theo đà tăng giá

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, chiếm khoảng 7,8% thương mại gạo toàn cầu; và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần.

Ngay từ đầu năm, nhiều dự báo được đưa ra, ngành gạo có cơ hội tăng trưởng tốt, nhu cầu gạo gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraina càng thúc đẩy nhu cầu dự trữ gạo, theo đó giá bán cũng tốt hơn.

Giá bán gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới tuần qua tăng khoảng 5 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 11/3/2022 được chào bán trên thị trường thế giới ở mức 413 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm cũng tăng thêm 5 USD/tấn, bán ra ở mức 388 USD/tấn, gạo 100% tấm giữ nguyên ở mức 338 USD/tấn.

Trong hai tháng đầu năm 2022, sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt 469 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, sản lượng xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 6,3 triệu tấn.

Hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu dành để tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu vào khoảng 6 - 6,5 triệu tấn/năm. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng gạo cả nước và đóng góp đến 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm.

Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam so với các nước vẫn có nhiều lợi thế về giá (so với gạo Thái Lan) và về chất lượng (so với gạo Ấn Độ và Pakistan). Đơn cử, gạo 5% tấm của Thái Lan đang bán với giá 425 USD/tấn, cao hơn 12 USD/tấn so với gạo Việt Nam.

Từ tháng 3/2022, bước vào vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân, xuất khẩu gạo dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn. Cùng với đà tăng của giá gạo trên thị trường thế giới, giá gạo tại thị trường nội địa cũng đang nhích lên. Doanh nghiệp ngành gạo đang đứng trước cơ hội tăng trưởng doanh thu tốt.

TRUNG HIẾU