Bão số 9 hướng thẳng Quảng Ngãi- Phú Yên, 5 sân bay miền Trung đóng cửa, còn hàng chục nghìn dân chưa sơ tán

Ứng phó bão số 9, từ 18h hôm nay, 27/10, tạm dừng khai thác 5 sân bay Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 1490 yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão, tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Miền Trung chạy đua ứng phó với bão số 9, cơn bão mạnh nhất 20 năm đổ bộ vào khu vực này. Ảnh: VGP
Miền Trung chạy đua ứng phó với bão số 9, cơn bão mạnh nhất 20 năm đổ bộ vào khu vực này. Ảnh: VGP

Khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm nay và ngày mai, có thể cho nghỉ làm, nghỉ học nếu cần thiết.

Thủ tướng giao bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận, các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình, yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Quảng Ngãi được dự báo là tâm bão số 9 sẽ đổ bộ, con hơn 50.000 dân chưa sơ tán 

Chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) chiều nay, 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Quảng Ngãi là địa phương được dự báo là tâm bão số 9 sẽ đổ bộ, tình hình rất khẩn trương. Phó Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ số 1 là phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. 

Phó Thủ tướng nêu rõ: Theo dự báo mới nhất, bão vào đất liền có thể mạnh cấp 11, 12 và giật cấp 13, 14. 

Đến 17h tại Quảng Ngãi bắt đầu mưa khá to, gió thổi mạnh. 

Hiện tỉnh Quảng Ngãi mới sơ tán được 60.000 người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành việc sơ tán 55.000 người dân còn lại theo kế hoạch, kể cả cưỡng chế những người không chịu đi. Đồng thời rà soát lại toàn bộ các khu vực nguy hiểm để đảm bảo không còn người dân ở lại. 

Cảng Dung Quất chuẩn bị trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: VGP
Cảng Dung Quất chuẩn bị trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng yêu cầu đến 19 giờ tối nay phải hoàn thành việc sơ tán dân. Lực lượng công an bảo đảm trật tự an ninh, bảo vệ tài sản người dân đi sơ tán.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chằng néo nhà cửa, bảo vệ các công trình hạ tầng, sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, các công trình đang thi công, bảo đảm an toàn cả công trình và người lao động.

Cơn bão mạnh nhất trong 20 năm

Trước đó, thăm hỏi, động viên người dân tại khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm hướng vào miền Trung, các nhà yếu sẽ không chịu nổi.

“Bà con chịu khó vất vả, chủ động sơ tán. Tôi đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Tôi cũng đề nghị chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về”, Phó Thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương.

Bộ đội Biên phòng sơ tán người dân xã Tam Hải - Núi Thành - Quảng Nam đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: VGP
Bộ đội Biên phòng sơ tán người dân xã Tam Hải - Núi Thành - Quảng Nam đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: VGP

Theo báo cáo tại cuộc họp của Sở chỉ huy tiền phương, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h hôm nay.

Cụ thể, Quảng Nam, sơ tán 129.194 người. Quảng Ngãi có đến 94.269 người phải sơ tán. Bình Định sơ tán 96.513 người, dự kiến xong trước 19h/27/10.

Phú Yên di dới 27.653 người. Thừa Thiên Huế sơ tán 67.812 người. Đà Nẵng sơ tán 32.626 người.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cho học sinh nghỉ học trong ngày hôm nay, 27/10. Từ tối nay, người dân ở yên trong nhà. Riêng Đà Nẵng yêu cầu người lao động nghỉ làm trong ngày 28/10 để chống bão.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định cũng đã cấm biển.

Hiện các tỉnh đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, toàn khu vực có 190.959 lồng, bè và 29.980 ha nuôi trồng thủy sản.

Đóng cửa 5 sân bay miền Trung và sân bay Pleiku 

Cục Hàng không Việt Nam có công điện hỏa tốc yêu cầu các đơn vị hành động ứng phó với bão số 9 ở mức cao nhất. Cục Hàng không yêu cầu dừng tất cả hoạt động bay tại 5 sân bay Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa. Giờ khai thác trở lại dự kiến là 16h ngày 28/10.

Ngoài ra, sân bay Pleiku  (Gia Lai) cũng dừng khai thác từ 21h tối nay, 27/10 đến 19h ngày 28/10.

Do các sân bay trên đóng cửa, nên trong tối nay và ngày 28/7, hàng trăm chuyến bay nội địa đi/đến các sân bay trên phải huỷ, hoặc lùi giờ bay. 

Cụ thể, Vietnam Airlines huỷ toàn bộ 104 chuyến đến, đi từ các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định), Pleiku (Gia Lai), Tuy Hoà (Phú Yên).

Sân bay Đà Nẵng cùng 5 sân bay của khu vực miền Trung, Tây Nguyên tạm đóng cửa từ chiều nay. Ảnh: Zing
Sân bay Đà Nẵng cùng 5 sân bay của khu vực miền Trung, Tây Nguyên tạm đóng cửa từ chiều nay. Ảnh: Zing

Pacific Airlines huỷ 6 chuyến bay trên đường bay giữa TP.HCM và Đà Nẵng, 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Phù Cát (Bình Định).

Các chuyến bay đến, đi từ sân bay Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sẽ được Vietnam Airlines theo dõi để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời theo thực tế.

Cập nhật bão số 9

Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.

Đến 16h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 15,1 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, Bắc Tây nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp.

Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, cho biết trên Zing, trong vòng 5 tiếng qua, bão không đi chếch lên, mà đang đi theo chính tây (đi ngang). Với tốc độ rất nhanh là 25 km/h, bão sẽ đi thẳng vào bờ.

"Theo quy luật, bão đi ngang bao giờ cũng đi nhanh hơn so với các cơn bão đi chếch lên. Dự báo chỉ trong vòng 15-18 giờ tới, tâm bão sẽ cập bờ, ngay trên đất liền Quy Nhơn, hoặc ở khu vực giữa Quảng Ngãi - Bình Định", ông Hải dự báo.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương