Bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam

Những bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế, và Việt Nam được cho là một lựa chọn sáng giá.

Trong báo cáo ngành điện mới đây, VnDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năng sẽ phục hồi từ 2022 khi Covid-19 được kiểm soát. Theo Bộ Công thương, tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép 8,1% trong giai đoạn 2021-2030.

Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong một thập kỷ, với tình trạng thiếu than dẫn đến tình trạng phải cắt giảm điện và thu hẹp sản xuất. Tương tự, Ấn Độ cũng đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng điện, do trữ lượng than ở mức thấp chưa từng thấy. Một số bang, như Rajasthan, đã lên lịch cắt điện và một số nhà máy nhiệt điện trên khắp đất nước đã đóng cửa.

Các vấn đề xảy đến bởi vô số yếu tố tác động, bao gồm giá than toàn cầu tăng cao, hoạt động kinh tế gia tăng, gián đoạn nguồn cung liên quan đến lũ lụt và cả căng thẳng địa chính trị. Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm không chính thức đối với nhập khẩu than từ Australia - một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự bất ổn của chuỗi cung ứng than có thể là một lợi ích cho năng lượng sạch, thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Thiếu điện ở Trung Quốc và châu Âu tạo cơ hội cho Việt Nam. VnDirect nhận định, giá điện khí và điện than tăng mạnh gần đây được coi như là một vấn đề toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và các nước châu Âu do nguồn cung tăng không đủ nhanh để theo kịp với sự phục hồi nhu cầu dự kiến. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện có vẻ còn tồi tệ hơn ở Trung Quốc khi Chính phủ nước này định hướng cắt giảm điện than vì mục tiêu giảm khí thải carbon. Điều này hiện nay đã gây áp lực ngày càng lớn cho các doanh nghiệp. Thậm chí, một số công ty buộc phải ngừng hoạt động trong giờ cao điểm hoặc tạm ngừng hoạt động 2-3 ngày/tuần.

Từ năm 2022, sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại nhờ các hoạt động phục hồi hậu Covid-19. Cùng với năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điện khí đối với quy hoạch phát triển công suất nguồn điện của Việt Nam trong giai đoạn 2020-45. Hiện tại, nguồn khí đầu vào trong nước đang dần cạn kiệt, trong khi các mỏ khí mới cần điều kiện khai thác phức tạp.

Giai đoạn 2010-2019, sản lượng điện của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2020, tốc độ này đã giảm chỉ còn 2,4% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khiến tiêu thụ điện giảm sút. Trong 7 tháng năm 2021, mặc dù Việt Nam vẫn phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch và phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong nhiều tháng, nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đã phục hồi ở mức cao hơn 6,4%. Song, con số này vẫn thấp hơn mức 8,1% dự kiến theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8.

Sản lượng điện của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm từ 2010 đến 2019 nhưng giảm tốc chỉ còn 2,4% so với cùng kỳ vào năm 2020 do ảnh hưởng từ Covid-19, khiến tiêu thụ điện giảm sút.  Trong 7 tháng năm 2021, mặc dù Việt Nam vẫn phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch và phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong nhiều tháng, nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đã phục hồi ở mức cao hơn 6,4%, nhưng vẫn thấp hơn mức 8,1% dự kiến theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)