Cẩn trọng với các thông tin về thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin được lan truyền về các loại thuốc Đông y, Tây y có thể điều trị virus Covid-19.

Nhan nhản các bài thuốc dân gian

Gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đang lan truyền nhiều "thần dược" khẳng định chữa khỏi virus Covid-19 như tỏi, sả tươi, củ gừng, nghệ tươi, hành tây.... Hay các bài thuốc từ nhân sâm, tam thất, hà thủ ô, hồ lô ba, hoàng kỳ, sinh khương, trầm, ma hoàng... được sao vàng tán thành bột.

Chưa hết, trên mạng còn xuất hiện nhiều "đơn thuốc" rất kỳ dị như uống nước tiểu kết hợp với các thực phẩm thực dưỡng. 

  Một trang mạng xã hội lan truyền loại thảo dược được cho là trị được virus corona. 

Một trang mạng xã hội lan truyền loại thảo dược được cho là trị được virus corona. 

Tuy nhiên theo nhiều bác sĩ Đông y, những vị thuốc được nhắc tới trong các "bài thuốc" trên đều mua khá dễ dàng nhưng không có cơ sở nào khẳng định nó có tác dụng diệt virus corona. Lương y Hà Ngọc Thạch - Hội Đông y quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết tỏi có thể chấp nhận như gia vị trong các bữa ăn để hỗ trợ, phòng một số bệnh cúm, phong hàn khác nhưng chưa ai nghiên cứu ăn tỏi có thể diệt virus Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho rằng người dân cần cẩn trọng về những loại thức uống được người dùng mạng xã hội "nâng cấp" thành bài thuốc Đông y và đang trôi nổi trên mạng hiện nay.

Thuốc điều trị sốt rét có tác dụng với virus Covid-19?

Ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trên CNN cho biết Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý cho sử dụng thuốc trị sốt rét điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp bệnh nặng tại Mỹ. Trung Quốc cũng có nghiên cứu tương tự và đang thử nghiệm. 

Sau khi một số thông tin về việc sử dụng thuốc trị sốt rét có chứa hoạt chất chloroquine và hydroxycloroquine có thể dự phòng và điều trị Covid-19 lan truyền trên mạng, nhiều người đã đổ xô đi tìm mua loại thuốc này 

Thuốc điều trị sốt rét do Việt Nam sản xuất có tên thương mại là Cloroquin Phosphat.
Thuốc điều trị sốt rét do Việt Nam sản xuất có tên thương mại là Cloroquin Phosphat.

Giá thuốc từ dưới 100.000đ/hộp tăng gấp 1,5 lần chỉ trong buổi sáng rồi tăng liên tục, giá mua buôn đã trên 200.000 đồng, thậm chí nhiều cửa hàng bán lẻ cũng đã hết hàng. Loại thuốc nhập khẩu tăng lên 500.000 đồng 1 hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên. 

Ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương, cho biết đây là thuốc vẫn được dùng để điều trị sốt rét ở Việt Nam nhưng muốn sử dụng để điều trị bệnh khác thì phải có phác đồ do Bộ Y tế phê duyệt. Thuốc chống chỉ định với các trường hợp dị ứng thuốc, bị bệnh gan. Đây cũng là không phải thuốc dùng cho dự phòng mà chỉ dùng khi mắc bệnh. 

Bác sĩ Huynh Wynn Tran, bác sĩ gốc Việt đang làm việc tại Mỹ cũng chia sẻ trên trang cá nhân, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như ói mửa, buồn nôn, đau bụng, nổi mẩn, xuất huyết dưới da, ảnh hưởng đến mắt và thị lực. Người bệnh thận, tiểu đường và mắt phải thật cẩn thận khi uống và phải theo dõi kỹ với bác sĩ khi dùng.

Cục Quản lý dược cho biết tại Việt Nam thuốc nói trên được sản xuất trong nước và dùng trong điều trị lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp nhưng chưa có chỉ định điều trị Covid-19. Nếu chưa có phác đồ do Bộ Y tế hướng dẫn thì không được sử dụng. Tại Mỹ, thuốc cũng chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng, không sử dụng để dự phòng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện chưa có loại thuốc đặc trị nào được xác nhận có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị virus Covid-19. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh nhưng quá trình thử nghiệm này sẽ phải mất cả năm thì vắc -xin mới được đưa vào sử dụng.

Thanh Mai

Chuyên gia lo ngại các nước kém phát triển khó đối mặt với dịch bệnh

Chuyên gia lo ngại các nước kém phát triển khó đối mặt với dịch bệnh

Các chuyên gia hàng đầu thế giới bày tỏ sự lo lắng vì các nước kém phát triển gặp rất nhiều vấn đề về việc xét nghiệm trên diện rộng.