Cấp giấy phép lái xe hạng A0: Phù hợp với thực tế nhưng còn nhiều điều đáng lo ngại

Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp bằng lái xe là hoàn toàn phù hợp với thực tế tuy nhiên quan trọng vẫn là ý thức của các em học sinh.

Mới đây, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đã chính thức được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT. Hiện dự thảo này đang nhận được nhiều chú ý và đóng góp ý kiến từ người dân, chuyên gia, trong đó đặc biệt là nội dung bổ sung giấy phép lái xe A0 cho người trên 16 tuổi.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết việc quy định giấy phép lái xe A0 trong dự thảo là để phù hợp với các quy định của Công ước Vienna, đáp ứng được yêu cầu thực tế người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe đảm bảo an toàn. 

Cấp giấy phép lái xe hạng A0: Phù hợp với thực tế nhưng còn nhiều điều đáng lo ngại

Hiên nay, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn, vượt đèn đỏ... diễn ra thường xuyên. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16-18 (học sinh THPT). Bậc THPT hiện có 52% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe. 

Việc dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung các quy định đối với 16 tuổi khi điều khiển xe máy có dung tích xilanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW phải có giấy phép lái xe hạng A0 là vô cùng cần thiết. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về quy định này. Đó là bằng lái xe chỉ là hình thức, vì có thể các em sẽ không hoàn toàn hiểu về luật, việc này cần ý thức cá nhân nhiều hơn. Một số ý kiến khác lại cho rằng việc thi bằng lái A0 là không cần thiết, mất thời gian và tốn kém tiền bạc và vẫn nhấn mạnh về việc nâng cao ý thức cá nhân.

Người dân cũng cho rằng việc tăng cường các buổi ngoại khóa, thực hành lái xe trong trường do cơ quan chức năng và nhà trường tổ chức hằng năm là chưa đủ, các em cần phải tham gia thi bằng lái xe theo quy định tại trường sát hạch. Mặc dù vậy, quy trình học và thi phải thuận tiện và tiết kiệm, nếu không tình trạng "mua bằng, bao đậu" sẽ gây phản tác dụng.

Còn về phía học sinh, nhiều em lại đồng tình với dự thảo luật. Em  Ngọc Mai (học sinh Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) nói: "Em nghĩ việc thi bằng lái A0 là cần thiết. Hiện rất nhiều bạn phóng xe ra đường nhưng không hề biết một tí gì về biển báo, về các quy định của Luật giao thông đường bộ. Như em, nhiều lúc đi không hiểu biển báo, đến khi bị xử phạt mới biết mình phạm luật gì, bị lỗi gì".

Theo ý kiến của em thì bằng lái xe A0 sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông, xóa bỏ tình trạng học sinh chỉ sợ CSGT bắt phạt, sợ trường hạ hạnh kiểm... nên mới tuân thủ quy định khi lái xe.

Một số em khác thì lo ngại không có thời gian đi học bằng vì còn nhiều lịch học trên trường, đồng thời mức phí để thi học bằng A0 vẫn chưa được nắm rõ. 

Về vấn đề này, theo bà Hạnh, dự thảo luật cũng đã tính đến phương án có thể miễn học đối với học sinh đã tham gia học các khóa học tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ do trường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức, và phải tham dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể và khuyến khích xã hội hóa để phục vụ nhu cầu thi giấy phép lái xe A0.

Thanh Mai

Phụ nữ tập lái xe hơi có đơn giản?

Phụ nữ tập lái xe hơi có đơn giản?

Trên thực tế, phụ nữ nếu tập lái xe cẩn thận và tập trung, nhiều lúc còn lái tốt và an toàn hơn nam giới.