Cập nhật COVID-19 ngày 8/4: Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm, thế giới tiến đến mốc 1,5 triệu người

Cập nhật COVID-19 ngày 8/4 nhanh nhạy và đầy đủ các nước trên thế giới và Việt Nam từ các nguồn tin cậy, chính xác.
20h59

Cấm đuổi người nợ tiền thuê nhà ra đường trong Covid-19

Hội đồng Tư pháp bang California cấm toà án thực thi lệnh cưỡng chế với người không trả được tiền thuê nhà do khó khăn vì Covid-19, VnExpress đưa tin.

Tòa án còn bị yêu cầu tạm ngưng mọi thủ tục tố tụng liên quan tranh chấp dạng này, theo quyết định ngày 6/4 của Hội đồng Tư pháp bang California - cơ quan hoạch định chính sách cho hệ thống tòa án.

Ở Mỹ, khi chủ nhà đệ đơn yêu cầu, nếu người đi thuê không phản hồi, tòa án sẽ ra lệnh cưỡng chế đuổi người thuê nhà. Nhưng theo Hội đồng Tư pháp bang California, trong Covid-19 lệnh cưỡng chế như trên đã "đe dọa đẩy người dân ra khỏi chính nơi họ được dặn phải ở bên trong".

  Tổ chức vận động bảo vệ người thuê nhà và kiểm soát tiền thuê nhà treo thông báo với nội dung

Tổ chức vận động bảo vệ người thuê nhà và kiểm soát tiền thuê nhà treo thông báo với nội dung "Tiền thuê nhà quá cao". Ảnh: Los Angeles Times.

Đây là một trong số những quy định khẩn cấp mới được Hội đồng Tư pháp California thông qua nhằm đối phó tác động của Covid-19. Quy định mới có hiệu lực từ 6/4 tới 90 ngày sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Một quy định quan trọng khác được công bố lần này là tòa án sẽ không yêu cầu người bị tình nghi phạm tội ít nghiêm trọng nộp tiền bảo lãnh để giảm tải trại giam trong Covid-19. Theo đó, mức tiền bảo lãnh với tội phạm ít nghiêm trọng sẽ được ấn định 0 USD trên phạm vi toàn bang. Quy định này không áp dụng với người bị tình nghi phạm tội bạo lực bao gồm tội danh liên quan súng đạn, tình dục, bạo hành gia đình,

Bên cạnh miễn tiền bảo lãnh, quy định mới cho phép tòa án có thể thực hiện thủ tục tố tụng từ xa, lấy lời khai nhân chứng từ xa, đồng thời gia hạn thời hiệu khởi kiện.

18h21

Chiều nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nào

18h ngày 8/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV nào, tổng số bệnh nhân ở Việt Nam hiện là 251, hơn 50% số này đã khỏi bệnh. Như vậy, hôm nay tổng cộng ghi nhận 2 ca nhiễm mới vào buổi sáng. Thêm 4 bệnh nhân điều trị tại TP HCM khỏi Covid-19, nâng số khỏi lên 126. 

Trong khi đó, số ca tử vong tại Iran trong 24 giờ qua là 121 ca, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên hơn 4.000. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, cũng trong khoảng thời gian trên, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận thêm 1.997 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, tính tới nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Iran là 67.286, trong đó có 3.956 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn lây lan nhanh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố một số công ty sẽ tiếp tục phải đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tuy nhiên, những công ty nào mà hoạt động của nó không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 11/4. 

Tính đến 18h30 ngày 8/4, thế giới ghi nhận 1.444.821 ca nhiễm COVID-19. Số ca tử vong đến thời điểm hiện tại là 83.103. Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu với hơn 400.000 ca nhiễm và gần 13.000 ca tử vong.

Cùng ngày, Tổng thống Rouhani đã hối thúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản tín dụng khẩn cấp, trị giá 5 tỷ USD cho nước này để đối phó với dịch COVID-19. Phát biểu trong cuộc họp nội các, Tổng thống Rouhani đã thúc giục các tổ chức quốc tế thực hiện các trách nhiệm của mình. Theo ông, Iran là một thành viên của IMF và không nên có sự phân biệt đối xử nào trong việc cho vay.

Bên cạnh đó, Tổng thống Iran cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ vi phạm các hiệp ước y tế quốc tế, coi đây là "sự khủng bố về y tế và kinh tế".  Ngày 12/3 vừa qua, Iran thông báo đã đề nghị IMF cho nước này vay 5 tỷ USD từ Sáng kiến Tài chính nhanh - một chương trình hỗ trợ khẩn cấp các nước đối phó với những cú sốc bất ngờ như thảm họa tự nhiên, nhằm giúp nước này có thêm nguồn lực đối phó với đại dịch COVID-19.

Đây là lần đầu tiên Iran đề nghị IMF hỗ trợ kể từ năm 1979. Một quan chức IMF cho biết hiện thể chế tài chính này đang thảo luận với Iran nhằm hiểu rõ nhu cầu của quốc gia Trung Đông này cũng như những điều kiện để thúc đẩy khoản tín dụng.   

Cũng trong ngày 8/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo dù tỷ lệ tử vong theo ngày có giảm nhẹ, song trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 757 người tử vong do mắc COVID-19.  Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 14.555 người tử vong do mắc COVID-19. Tỷ lên tử vong theo ngày hiện là 5,5%, giảm 0,2% so với một ngày trước đó.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Tây Ban Nha cũng tăng thêm 146.690, đưa tổng số người mắc bệnh 140.510. Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu Hans Kluge (Han Clu-giơ) khẳng định dịch COVID-19 tại châu Âu "rất đáng quan ngại", đồng thời hối thúc các chính phủ "cần cân nhắc rất thận trọng" trước khi nới lỏng các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, cố vấn cấp cao Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward - người vừa có chuyến công tác tới Tây Ban Nha, cho rằng hiện quá sớm để lạc quan, nhưng dịch COVID-19 tại đây chắc chắn đang "giảm dần".

15h18

Mỹ tính chuyện kiện Trung Quốc tích trữ đồ bảo hộ y tế

Theo tờ New York Post, các công ty sản xuất trang bị bảo hộ hàng đầu của Mỹ trình bày với Nhà Trắng rằng Trung Quốc cấm công ty này xuất khẩu các sản phẩm mà họ sản xuất tại Trung Quốc giữa lúc COVID-19 lây lan. Bắc Kinh dường như đang muốn dồn thị trường sản phẩm bảo hộ y tế trên thế giới vào chân tường. 

Bà Jenna Ellis, cố vấn pháp lý cao cấp trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, được Fox News dẫn lời ngày 5/4 cho biết hiện nay, chính quyền ông Trump đang cân nhắc kiện Trung Quốc về những hành động bị cáo buộc này.

Bà Jenna Ellis, một cố vấn pháp lý cao cấp trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, nói: "Trong luật hình sự, việc này được so sánh với các mức độ giết người. Người ta đang chết dần chết mòn. Khi có những hành động cố ý, có âm mưu giết người không ghê tay như kiểu Trung Quốc hiện nay, thì đây được xem như là giết người cấp độ 1".

Tính đến 15h15 ngày 8/4, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt ngưỡng 400.000, mặc dù số ca tăng thêm trong 24h qua chỉ ở mức 211 người. Số người chết vì COVID-19 tại quốc gia này hiện đã gần 13.000 ca.

Bà Ellis nói rằng các biện pháp lựa chọn đang được xem xét bao gồm kiện trước Tòa Nhân quyền châu Âu hoặc làm việc thông qua Liên hợp quốc (LHQ). Theo một viên chức cao cấp Nhà Trắng, giám đốc điều hành của công ty 3M và Honeywell nói với các giới chức Mỹ rằng chính phủ Trung Quốc bắt đầu chặn việc xuất khẩu khẩu trang N95, máy trợ thở, giày, găng tay và những sản phẩm khác do các công xưởng của họ sản xuất tại Trung Quốc.

Viên chức này cho biết Trung Quốc trả tiền cho các nhà sản xuất theo giá bán sỉ tiêu chuẩn nhưng cấm bán các sản phẩm thiết yếu cho bất cứ ai. Viên chức Nhà Trắng cho biết trong khi đó, dữ liệu trên mạng cho thấy Trung Quốc nhập 2,46 tỷ đơn vị "các chất liệu phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh" trong thời gian từ ngày 24/1 cho đến ngày 29/2.

Các trang bị này trị giá gần 1,2 tỷ USD gồm hơn 2 tỷ khẩu trang và hơn 25 triệu chất liệu để may quần áo bảo hộ từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như từ Australia, Brazil và Campuchia.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc chứng tỏ nỗ lực của nước này nhằm dồn thị trường thế giới về các mặt hàng bảo hộ vào chân tường bằng cách thu mua số lượng lớn các mặt hàng này. Trong khi Trung Quốc - nước  sản xuất trang bị bảo hộ lớn nhất thế giới, đã hạn chế xuất khẩu.  

Tuần qua, ông Trump áp dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để ra lệnh cho công ty 3M có trụ sở tại St. Paul, Minesota, ưu tiên sản xuất khẩu trang N95 cho Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên bang FEMA. Ông Michael Wessell, thành viên sáng lập của Ủy ban Duyệt xét Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, xác nhận điều này và nói rằng việc Trung Quốc dùng mánh khóe đã khiến cho các bệnh viện Mỹ thiếu hụt trang bị bảo hộ trầm trọng để chống lại khủng hoảng.

Ông Wessell nói: "Một số hành động của Trung Quốc có lẽ là bất hợp pháp nhưng đưa sự kiện này ra trước pháp luật giữa lúc chúng ta rơi vào cuộc khủng hoảng thì không giúp ích gì nhiều cho các bệnh nhân đang dùng máy trợ thở trong bệnh viện". 

Ông Christian Whiton, cựu Cố vấn cao cấp về ngoại giao và thương mại, mô tả việc Trung Quốc kiểm soát trang bị bảo hộ là "một cuộc chiến tranh chính trị". Ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump và là người hướng dẫn chương trình "Phòng chiến tranh: Đại dịch" nhận định thái độ của Trung Quốc tương tự như "thảm họa Chernobyl". Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, Đài Sputnik cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về khẩu trang, mặt nạ y tế trong cuộc khủng hoảng chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) . 

Ông Jin Hai, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết kể từ ngày 1/3 vừa qua, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,86 tỷ khẩu trang, 37,5 triệu bộ quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Các lô hàng đã được gửi đến hơn 50 quốc gia. 

Theo ông Zhang Qi thuộc Cục quản lý giám sát dược phẩm nhà nước Trung Quốc, trong khi các dụng cụ vật tư y tế hiện được coi là thiết yếu và đang bị thiếu hụt trầm trọng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Trung Quốc đã tăng công suất của các cơ sở sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 lên đến 4 triệu bộ mỗi ngày.

Hiện nay, Trung Quốc hàng ngày sản xuất hơn 110 triệu khẩu trang, nghĩa là gấp 12 lần so với thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát...Chuyên gia cao cấp Zhou Rong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng một số nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đang gia tăng khối lượng sản xuất, một số doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác đang chuyển sang sản xuất dụng cụ vật tư y tế.  

Hiện nay, Trung Quốc có hơn 38.000 công ty sản xuất khẩu trang, nhiều hơn 1.560% so với cách đây một năm. Tuần trước, một số cơ quan chính phủ Trung Quốc đã đưa ra bản tuyên bố chung cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty trong nước định hướng xuất khẩu các sản phẩm y tế để góp phần vào cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch. Các cơ quan chính phủ cũng cam kết sẽ tăng cường cơ chế kiểm tra để đảm bảo chất lượng cao của các sản phẩm y tế xuất khẩu.

14h29

Ca nhiễm COVID-19 ở Đức vượt 100.000

Ca nhiễm COVID-19 mới tại Đức tăng trở lại, thêm hơn 4.000 trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm vượt 100.000, trong đó hơn 1.800 người tử vong, theo VnExpress.

Viện Robert Koch Institute (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, cho biết thêm 254 người chết vì nCoV hôm 7/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.861. 

Liên tiếp 4 ngày từ 2/4 đến 5/4, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Đức giảm, đến 6/4 lại tăng 3.834 ca và 7/4 tăng 4.003 ca, nâng tổng số lên 103.228. Với số liệu này, Đức là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, lần lượt sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp.

  Người dân đeo khẩu trang ở thủ đô Berlin, Đức hôm 7/4. Ảnh: Reuters.

Người dân đeo khẩu trang ở thủ đô Berlin, Đức hôm 7/4. Ảnh: Reuters.

Lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh thiết yếu, gồm nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các hoạt động giải trí tại Đức được kéo dài ít nhất đến 20/4. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài nếu có lý do đặc biệt, bị cấm tập trung quá hai người và được yêu cầu luôn giữ khoảng cách 1,5 m với người khác. Những người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch sẽ bị phạt tiền.

Trước đó, số ca nhiễm mới giảm 4 ngày liên tiếp khiến giới chức Đức bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh, song Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo còn quá sớm để nhận ra xu hướng diễn biến của đại dịch cũng như nới lỏng các biện pháp ứng phó.

Giám đốc RKI Lothar Wieler cho rằng các biện pháp hạn chế Covid-19 của chính phủ bước đầu có hiệu quả, nhưng cũng thừa nhận còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Ông Wieler khuyến cáo cần tiếp tục duy trì "hạn chế cộng đồng", kêu gọi dân chúng tuân thủ các biện pháp ứng phó dịch của chính phủ. 

14h12

Mỹ dự phòng thêm 110.000 máy thở trong vài tuần tới

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 cho biết chính phủ liên bang đã có 8.675 máy thở trong kho dự trữ vật tư y tế quốc gia để sẵn sàng cung cấp cho các bang cần trong bối cảnh số ca mắc bệnh COVID-19 tăng đột biến, và trong vài tuần tới sẽ có thêm 110.000 máy.

Phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, ông Donald Trump nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ cần số máy thở đó, nhưng chúng ta sẽ dự phòng cho tương lai và chúng ta cũng có thể giúp các nước đang thiếu trầm trọng".

Cập nhật COVID-19 ngày 8/4: Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm, thế giới tiến đến mốc 1,5 triệu người

Cũng tại cuộc họp báo, ông Trump cho biết quân đội Mỹ đang xây dựng các cơ sở điều trị với 150.000 giường bệnh tại các điểm nóng, trong đó có thành phố Chicago.

Trước đó, ông Donald Trump cho biết Anh đã đề nghị Mỹ hỗ trợ nước này 200 máy thở để điều trị bệnh nhân nguy kịch.

Liên quan trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19, ngày 7/4, Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cho biết ông đã thảo luận với Đại sứ Trung Quốc tại Brazil và Đại sứ quán sẽ giúp đảm bảo việc Trung Quốc cung thiết bị y tế cho Brazil chống dịch.

Phát biểu giới báo giới, ông Mandetta cho biết Brazil đối mặt với "vấn đề nghiêm trọng" do thiếu máy thở trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này tăng mạnh trong những ngày qua. 

Đến nay Brazil đã ghi nhận 13.717 ca mắc COVID-19 và 667 ca tử vong, đặc biệt trong 24 giờ qua nước này ghi nhận hơn 100 ca tử vong - lần đầu tiên số tử vong trong một ngày vượt ngưỡng 100 ca.

Tuần trước, ông Mandetta cho biết Trung Quốc đã hủy một số đơn đặt hàng của Brazil mua trang thiết bị y tế.

11h05

Thụy Sĩ huy động quân đội tham gia chống đại dịch COVID-19

Thụy Sĩ đã huy động quân đội với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Hơn 8.000 quân nhân Thụy Sĩ đã được huy động, không chỉ hỗ trợ lực lượng y tế mà còn giúp kiểm soát biên giới, hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ an ninh trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Trong đó, khoảng 5.000 nhân viên quân y đang hỗ trợ các nhân viên y tế dân sự.

Tuy nhiên, ngày 7/4, Thiếu tướng Raynald Droz - chỉ huy trưởng các hoạt động của Bộ Quốc phòng Liên bang, cho biết đã có 728 binh sỹ đang phải cách ly, 49 binh sỹ được chăm sóc riêng và 172 binh sỹ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo Thiếu tướng Droz, quân đội đang cân nhắc chỉ giữ lại những lực lượng thực sự cần thiết để hỗ trợ y tế, những binh sỹ khác có thể trở về đảm nhận nhiệm vụ cần thiết khác.

10h17

Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải quan chức giám sát gói cứu trợ COVID-19 hơn 2.000 tỷ USD

Fox News cho biết, ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Tổng thanh tra đặc trách giám sát việc thực thi gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.300 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 Glenn A.Fine – người đứng đầu nhóm giám sát việc triển khai gói cứu trợ hơn 2.000 tỷ USD.

  Tổng thống Mỹ donald Trump đã loại bỏ ông Glenn Fine khỏi vị trí người đứng đầu cơ quan giám sát việc thực hiện gói cứu trợ 2.000 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ donald Trump đã loại bỏ ông Glenn Fine khỏi vị trí người đứng đầu cơ quan giám sát việc thực hiện gói cứu trợ 2.000 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Politico dẫn thông tin từ người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua (7/4) cho biết: “Ông Fine không còn làm việc trong Ủy ban Phụ trách Giải quyết Đại dịch”. Theo nguồn tin này, ông Fine sẽ trở lại vai trò chính vốn được Thượng viện xác nhận đó là quyền Tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tổng thống Trump đã tạm thời bổ nhiệm Tổng thanh tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Một phần của gói cứu trợ hơn 2.000 tỷ USD được thông qua hồi tháng 3/2020 được phân bổ cho việc thành lập Ủy ban Phụ trách Giải quyết Đại dịch – một cơ quan gồm có các thanh tra viên để xác định và điều tra xem liệu có xảy ra việc lãng phí hay lạm dụng chi tiêu theo dự luật đã được thông qua hay không.

Quyết định sa thải ông Fine được đưa ra trong bối cảnh đang có một cuộc tranh luận tại Quốc hội về các nỗ lực của phe Dân chủ nhằm thành lập các ủy ban điều tra bổ sung để giám sát cách thức ứng phó của chính quyền Tổng thống Trump trước đại dịch Covid-19. Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban lưỡng đảng thuộc Hạ viện để giám sát phản ứng của chính quyền.

09h53

Mỹ ghi nhận 2.000 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua

Tính đến đêm 7/4 (theo giờ Mỹ), số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cho thấy Mỹ đã ghi nhận gần 2.000 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.421.669  trường hợp, trong đó số ca tử vong đã lên tới 81.696 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 7.042 người nữa thiệt mạng và 75.665 người mắc bệnh COVID-19.

Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các nước cũng ghi nhận 300.740 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 47.834 người đang trong tình trạng nguy kịch.

01h34

Số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp vượt ngưỡng 10.000

 Tính đến tối 7/4, Pháp ghi nhận 10.328 trường hợp tử vong do COVID-19, bao gồm 7.091 ca trong bệnh viện (tăng 607 ca trong 24 giờ) và 3.237 ca tại các viện dưỡng lão (tăng 820 ca).

Như vậy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số đó trên 70 tuổi. Trong số 30.000 bệnh nhân phải nhập viện (tăng 305 ca trong 24 giờ), 7.131 trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt, 61% trong số đó từ 60 đến 80 tuổi và 104 người dưới 30 tuổi.

Đến nay đã có 19.337 người khỏi bệnh và ra viện. Số trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận qua xét nghiệm tại các bệnh viện là 78.167 người (tăng 3.777 ca trong 24 giờ). Số trường hợp được xác nhận trong các cơ sở y tế-xã hội cũng lên tới 30.902 người.

Giới chức y tế Pháp khẳng định hiện chưa phải lúc tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, vì nước này vẫn trong giai đoạn tăng cao của dịch bệnh.

01h16

Italy và Mỹ tiến hành xét nghiệm máu tìm kháng thể 

Giới chức tại miền Bắc Italy đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm máu các nhân viên y tế nhằm tìm ra kháng thể có thể giúp xác định cá nhân trong cộng đồng "miễn nhiễm" với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 6/4, giới chức vùng Veneto ở miền Đông Bắc Italy, nơi cũng là tâm dịch COVID-19 tại nước này, đã bắt đầu xét nghiệm máu cho các nhân viên y tế, dự kiến từ 2.000 - 3.000 người. Sau khi tiến trình này hoàn tất, việc xét nghiệm sẽ được mở rộng sang các nhân viên và cư dân ở các viện dưỡng lão và những người lao động công cộng.

Cập nhật COVID-19 ngày 8/4: Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm, thế giới tiến đến mốc 1,5 triệu người

Thống đốc Veneto Luca Zaia cho biết mục tiêu của chiến dịch này là tìm ra những cá thể "miễn dịch" với virus SARS-CoV-2, từ đó cấp phép để họ quay lại làm việc. Bước đi trên được triển khai trong bối cảnh số ca tử vong và ca mắc COVID-19 tại Italy có dấu hiệu "ổn định" và chính phủ đã bắt đầu cân nhắc về giai đoạn 2 của khủng hoảng y tế, khi các doanh nghiệp cũng như các ngành nghề kinh doanh vốn phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa có thể hoạt động trở lại.

Trong ngày 6/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Italy là 132.547 ca, tăng 3.599 ca - mức tăng trong ngày thấp nhất được ghi nhận kể từ ngày 17/3 vừa qua. Trong khi đó, số ca tử vong trong cùng ngày là 636 ca, nâng tổng số lên 16.523 ca. 

Bên cạnh Italy, Mỹ cũng đã bắt đầu khởi động chiến dịch xét nghiệm máu tìm kiếm những người đã có sự miễn dịch với virus SARS-CoV-2.  Hãng tin AFP dẫn thông báo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm và sẽ sớm công bố kết quả.

CDC sẽ tổ chức 3 cuộc khảo sát, trong đó cuộc đầu tiên là xét nghiệm máu đối với những người chưa được chẩn đoán COVID-19 ở một số điểm nóng dịch bệnh tại Mỹ; thứ hai là khảo sát trên toàn quốc tại nhiều vùng khác nhau; thứ ba là xét nghiệm đối với các nhân viên y tế. Cuộc khảo sát đầu tiên đã được tiến hành vào cuối tuần qua song hiện chưa có lịch trình cụ thể về việc tiến hành 2 cuộc khảo sát còn lại. 

Khác với việc lấy dịch mũi để xác định virus SARS-CoV-2, các chuyên gia CDC sẽ tìm kiếm những kháng thể nhất định hiện diện trong máu cho thấy cơ thể người nhiễm virus đã tự chiến đấu và phục hồi thậm chí ngay cả khi họ không xuất hiện triệu chứng.

Thử nghiệm này được đánh giá đóng vai trò then chốt giúp giới chức Mỹ cân nhắc từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa, bằng cách cho phép những người đã có miễn dịch tái hòa nhập cộng đồng.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương