Cập nhật dịch COVID-19 ngày 25/3: Iran cảnh báo làn sóng bùng phát thứ 2

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 25/3 tại Việt Nam và thế giới nhanh và đầy đủ. Mỹ đang là tâm điểm của hôm nay với số ca nhiễm tăng chóng mặt.

* Iran cảnh báo làn sóng bùng phát thứ 2   

Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 25/3 cảnh báo này có thể đối mặt với một làn sóng bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ 2 vì nhiều người dân phớt lờ những chỉ dẫn mà giới chức y tế ban hành nhằm kiềm chế sự lây lan dịch bệnh.  

Theo truyền hình nhà nước, ông Rabiei nêu rõ: "Đáng tiếc, nhiều người dân Iran bỏ qua lời khuyên từ các quan chức thuộc Bộ Y tế và đã di chuyển trong dịp lễ Năm mới (của Iran). Việc này có thể dẫn tới một làn sóng COVID-19 thứ hai. Việc di chuyển giữa các thành phố đã bị cấm và những người vi phạm sẽ đối mặt với pháp luật".

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 25/3: Iran cảnh báo làn sóng bùng phát thứ 2

Ông Rabiei đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh nhiều người dân Iran không tuân thủ các khuyến cáo của chính phủ khi hàng trăm người vẫn đổ ra các đường phố để tận hưởng kỳ nghỉ Năm mới kéo dài 2 tuần.

Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại tỉnh miền Trung Qom hôm 19/2, đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 27.017 ca mắc bệnh và 2.077 ca tử vong. 

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 và tử vong trong nước ngày một tăng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc cấm đi lại. Theo nhà lãnh đạo Iran, các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 15 ngày và có thể được tiến hành ngay từ đêm 25/3.

Cùng ngày, Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo đã thông báo 2 ca đầu tiên mắc bệnh COVID-19 đầu tiên ở nước này. 

Còn tại Ai Cập, Bộ trưởng Y tế Hala Zayed ngày 25/3 cho biết nước này đã phát hiện thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 442 ca. Ngoài ra còn có thêm 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này lên 21 ca.     

Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã bắt đầu công tác phun khử trùng tại khu vực Kim Tự Tháp. Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý Kim Tự Tháp Ashraf Mohieddin cho biết việc phun thuốc khử trùng được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế và sử dụng các loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép. Ngày 25/3 cũng đánh dấu ngày đầu tiên Ai Cập áp dụng lệnh giới nghiêm trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 19h cho đến 6h sáng hôm sau.

Trong khi đó, Nam Sudan đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vào quốc gia Đông Phi này. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã ban hành một sắc lệnh vào tối 24/3 áp đặt giới nghiêm trên toàn quốc từ 20h đến 6h sáng hôm sau. Toàn bộ các cơ quan an ninh và cơ quan thực thi pháp luật được chỉ đạo để đảm bảo sắc lệnh này được tuân thủ chặt chẽ. 

Cho đến nay, Nam Sudan chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Song nước này đã triển khai một số biện pháp phòng ngừa như cấm các cuộc tụ tập đông người, hủy các chuyến bay quốc tế và đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu biên giới. Cũng trong ngày 25/3, các nước khác tại châu Phi tiếp tục thông báo ghi nhận các ca mắc bệnh và tử vong mới như Tunisia (1 ca tử vong và 25 ca mắc bệnh mới), Uganda (5 ca mắc bệnh mới), Nigeria (2 ca mắc bệnh mới).

* Thêm 7 ca nhiễm COVID-19

Vào lúc 19h30 ngày 25/3, Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 141 ca.

CA BỆNH 135 (BN135): Bệnh nhân nữ, 27 tuổi, địa chỉ của bố mẹ: đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng. Ngày 19/3/2020 bệnh nhân khởi hành từ Copenhagen, Đan Mạch, quá cảnh tại Doha và Bangkok, nhập cảnh Việt Nam ngày 21/3/2020 tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay số hiệu PG947, số ghế 16A.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng Quân khu 5, kết quả xét nghiệm dương tính vi rút SARS-CoV-2 và hiện trong tình trạng ổn định.

CA BỆNH 136 (BN136); Bệnh nhân, nữ, 23 tuổi, địa chỉ ở: Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân học sinh từ Mỹ, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16/2/2020. Sau khi nhập cảnh, BN về nhà tự cách ly. Ngày 21/3/2020, Bệnh nhân có sốt, ngày 22/03/2020, Trung tâm Y tế Hoàng Mai đến lấy mẫu làm xét nghiệm và cho kết quả Bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Ngày 24/3, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho kết quả dương tính với Covid-19. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

CA BỆNH 137 (BN137): Bệnh nhân nam, 36 tuổi, địa chỉ ở: Yên Thành, Nghệ An. Bệnh nhân là du khách từ Đức, nhập cảnh về Nội Bài ngày 15/03/2020. Sau khi nhập cảnh, Bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của Hà Nội và lấy mẫu làm xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

CA BỆNH 138 (BN138): Bệnh nhân nam, 23 tuổi, địa chỉ ở: Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân là học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/3/2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của Hà Nội và lấy mẫu làm xét nghiệm.

Ngày 24/3, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

CA BỆNH 139 (BN139): Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, địa chỉ: Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, là vợ của bệnh nhân dương tính với SARS CoV-2, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/3/2020 trên chuyến bay VN0054.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly tại Khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp và lấy mẫu làm xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

CA BỆNH 140 (BN140): Bệnh nhân nam, 21 tuổi, địa chỉ : Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/3/2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của Hà Nội và lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

CA BỆNH 141 (BN141): Bệnh nhân là bác sỹ, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Bác sỹ bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho BN28, bị phơi nhiễm cùng ngày với một bác sĩ khác cùng làm việc tại Khoa này (BN116).

* Thái tử Anh nhiễm COVID-19

Thái tử Charles, 71 tuổi, dương tính với COVID-19 và có triệu chứng nhẹ.

Cung điện Clarence (đại diện cho Thái tử Anh) hôm nay ra tuyên bố cho biết ông Charles "vẫn có sức khỏe tốt mặc dù có triệu chứng nhẹ và đã làm việc tại nhà trong vài ngày qua như bình thường".

Vợ của Thái tử, Camilla "cũng đã được xét nghiệm và âm tính với COVID-19", Cung điện Clarence cho biết. Hai người đang tự cách ly tại nhà ở Scotland.

* Campuchia xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch COVID-19

Tuyên bố trên được Thủ tướng Hun Sen nêu trong cuộc gặp mặt hơn 400 bác sỹ tình nguyện phòng chống Covid-19 tại văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh đang xem xét về khả năng sử dụng điều 22 của Hiến pháp để xin Quốc vương áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Ngày 25/3, Campuchia phát hiện thêm 2 người nước ngoài có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên con số 93, trong đó 6 người đã bình phục.

* Các nhà đàm phán Mỹ đạt thỏa thuận về dự luật ngân sách đối phó dịch COVID-19

Theo Reuters, quan chức Nhà Trắng Eric Ueland ngày 25/3 cho biết các Thượng nghị sỹ Mỹ và giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm giảm bớt tác động về kinh tế do sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu với các phóng viên, ông Ueland khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận" sau nhiều ngày đàm phán về gói kích thích kinh tế, dự kiến trị giá 2.000 tỷ USD.

* Pháp vượt 1.000 ca tử vong, Ấn Độ phong tỏa toàn quốc

Ngày 24/3, giới chức Pháp ghi nhận thêm 240 ca tử vong do SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 1.100 người, biến Pháp trở thành quốc gia thứ 5 có hơn 1.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh sau Trung Quốc, Italy, Iran và Tây Ban Nha.

Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Pháp đã tăng lên 22.300 người, tăng 12% trong vòng 24 giờ qua, trong đó, 2.516 người hiện đang trong tình trạng nguy kịch, tăng 21% so với ngày 23/3.

* Theo mạng The Hindu, tính đến tối 24/3, Ấn Độ ghi nhận 561 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 11 người tử vong.

Thủ tướng Narendra Modi thông báo sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày tính từ đêm 24/3.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Thủ tướng Modi kêu gọi người dân Ấn Độ nghiêm túc thực hiện lệnh này, đồng thời cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc ra khỏi nhà trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh biện pháp dãn cách xã hội sẽ áp dụng với tất cả mọi người, kể cả Thủ tướng.

* Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới 

Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến 23h00 tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 395.753 người, trong khi số ca tử vong là 17.235 người. Đại dịch COVID-19 đến nay đã lây lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Một diễn biến đáng chú ý trong ngày 24/3 là việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm COVID-19 là từ châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%.

Tính đến tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 46.168 trường hợp mắc COVID-19 và 582 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ trong ngày 23/3 đã không thể vượt qua bất đồng để thông qua dự luật cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 1.000 tỷ USD.

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 25/3: Iran cảnh báo làn sóng bùng phát thứ 2

Tại châu Âu - tâm dịch hiện nay của thế giới - số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 24/3 đã vượt 200.000 người, trong đó Italy với 63.927 ca nhiễm và Tây Ban Nha với 39.673 ca đã chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm tại khu vực này. Với 200.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 10.732 ca tử vong, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xếp thứ hai là châu Á với 98.748 ca nhiễm và 3.570 ca tử vong. 

Tại Italy, tâm điểm của dịch COVID-19 ở châu Âu, tiếp tục xuất hiện điểm sáng khi số ca mới mắc đang duy trì đà giảm. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ngày 23/3, nước này ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm mới, giảm so với 5.560 ca trong ngày 22/3, trong khi số ca tử vong tăng 601 ca lên con số 6.077. Số bệnh nhân điều trị thành công là 7.432 trường hợp (tăng 408 ca).

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 514 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.696 người, tăng 23,5% so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới tăng gần 20% lên 39.673 trường hợp. 

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong tiếp tục gia tăng từng ngày, các quốc gia châu Âu vẫn đang tăng cường các biện pháp phòng dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3. Các siêu thị tại Anh cũng đã bắt đầu hạn chế số khách hàng được vào mua sắm cùng thời điểm để giảm tiếp xúc xã hội mùa dịch bệnh. 

Bang Nordrhein-Westfalen đã trở thành bang đầu tiên ở Đức đưa ra mức xử phạt hành chính đối với việc vi phạm các quy định phòng dịch, với các mức phạt từ 200 euro đến 5.000 euro. Hà Lan bổ sung các biện pháp chống dịch lây lan như cấm tất cả các sự kiện hội họp và tụ tập đông người, có hiệu lực cho đến ngày 1/6, trong khi Pháp cũng chuẩn bị công bố biện pháp tương tự.

CH Cyprus cấm mọi hoạt động tại khu vực bãi biển và công viên. Hy Lạp tạm ngừng mọi chuyến bay cất cánh từ Anh và gần như mọi chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ngày 15/4. Ba Lan và Romania đã siết chặt lệnh hạn chế đi lại.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt hạn chế đối với các cửa hàng tạp hóa và siêu thị.  Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở khu vực châu Á. Trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Iran đã tăng 122 ca lên tổng cộng 1.934 ca, trong khi số ca mắc bệnh cũng tăng 1.762 ca lên 24.811.

Trong ngày 23/3, Israel ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, theo đó số ca mắc COVID-19 đã lên đến 1.442 trường hợp, tăng 371 trường hợp so với một ngày trước đó. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất được ghi nhận kể tử khi dịch COVID-19 bùng phát tại Israel. Tính đến tối 24/3, Israel có tổng cộng 1.656 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong.

Thái Lan có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra những biện pháp mới để đối phó với COVID-19 vào ngày 26/3. Cùng ngày, nội các Thái Lan thông qua các biện pháp bổ sung trị giá 107 tỷ baht (3,25 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Nước này cũng tạm đóng các cửa khẩu biên giới tại các tỉnh cực Nam giáp Myanmar và Malaysia từ ngày 24/3.

Thái Lan ngày 24/3 ghi nhận thêm 106 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 827 người, và thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 4 người.

Trong khi đó, Lào có các ca mắc COVID-19 đầu tiên, đều từng đến Thái Lan trong thời gian qua. Myanmar cũng ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên là các công dân vừa trở về từ Mỹ và Anh. Cùng ngày, Nhật Bản thông báo áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ 18 nước châu Âu và Iran.

Đây là biện pháp kiểm soát biên giới phạm vi rộng nhất mà Nhật Bản áp dụng cho đến nay nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hiện Nhật Bản ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19, bao gồm  các trường hợp trên tàu du lịch Diamond Cruise. 

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt" ngay tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu từ 0h ngày 23/3. Theo đó, tất cả công dân Hàn Quốc và người nước ngoài nhập cảnh từ châu Âu sẽ phải điền vào bản khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt ngay tại sân bay.

Số liệu của Cơ quan quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố sáng 24/3 cho biết trong ngày 23/3 Hàn Quốc ghi nhận thêm 76 trường hợp nhiễm COVID-19, tăng nhẹ so với con số 64 ca ghi nhận một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 9.037 người. Số ca tử vong tăng 9 trường hợp lên 120 ca.

Trong khi đó, giới chức tỉnh Hồ Bắc (Hubei) của Trung Quốc đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế đi lại sau hai tháng bị phong tỏa do dịch COVID-19. Trong những ngày qua, Trung Quốc đại lục liên tục không ghi nhận thêm ca trong nước nào mắc COVID-19, chỉ có ca mới đến từ bên ngoài. Thành phố Vũ Hán cũng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào kể từ ngày 18/3.

Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.171 người và 3.277 ca tử vong. Ở châu Phi, Nam Phi đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày trong bối cảnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 những ngày qua đã biến quốc gia này thành ổ dịch lớn nhất tại châu Phi.

Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 128 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên thành 402 ca và lần đầu tiên vượt qua Ai Cập với 327 ca. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong một ngày kể từ khi nước này công bố trường hợp đầu tiên hôm 5/3, tương đương với tổng số ca nhiễm của 3 hôm trước đó. 

Lo ngại dịch bệnh lây lan, Ai Cập thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau kể từ ngày 25/3. Algeria đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô Algiers và tỉnh Blida - cách thủ đô Algiers khoảng 50 km, địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19. Tính đến tối 24/3, Ai Cập ghi nhận 366 trường hợp mắc COVID-19 và 19 trường hợp tử vong, trong khi con số ở Algeria lần lượt là 230 và 17.

Trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố Olympic Tokyo 2020 sẽ được hoãn sang năm 2021. Đây là lần đầu tiên một kỳ Olympic bị hoãn trong thời bình. Trong khi đó, Ban tổ chức Olympic Nhật Bản cũng thông báo hoãn hoạt động rước đuốc.

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương